Huyện Mê Linh: Vướng cơ sở vật chất trường học

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến tháng 3/2018, huyện Mê Linh đã có 12/16 xã về đích nông thôn mới (NTM). Đối với 4 xã còn lại, cơ sở vật chất trường học là một trong những tiêu chí chưa đạt. Hiện, các địa phương cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tháo gỡ.

Tỷ lệ trường chuẩn đạt thấp
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, đến nay, 18/18 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT (phổ thông, bổ túc, học nghề) xấp xỉ 98%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng đạt khoảng 60%. Những con số trên không quá thấp so với mặt bằng chung của TP, tuy nhiên, chất lượng giáo dục thực sự đang là câu hỏi lớn.
 Phòng học thiếu thốn trang thiết bị tại trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Nỗi lo lắng trên đến từ cơ sở vật chất trường học được đánh giá là đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều trường học trên địa bàn huyện Mê Linh hiện phân bố rải rác tại các điểm lẻ. Kết quả rà soát mới đây cho thấy, toàn huyện hiện có 46/75 trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia (chỉ bằng khoảng 61%). Không chỉ vậy, cả 6/6 trường THPT trên địa bàn huyện Mê Linh đều chưa đạt chuẩn Quốc gia. Đây là những con số rất khiêm tốn so với bình quân chung toàn TP.

Từ khi triển khai giai đoạn hai của Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, một loạt các dự án đã được phê duyệt đầu tư nhằm từng bước giải quyết bài toán cơ sở vật chất trường học. Hiện, trường Mầm non trung tâm xã Tam Đồng, Trường mầm non xã Tự Lập và trường Tiểu học Tự Lập A đang tích cực được xây dựng. Trong quý I/2018, huyện Mê Linh tiếp tục bố trí nguồn vốn trên 30,1 tỷ đồng để xây dựng trường Mầm non trung tâm xã Hoàng Kim và trường Tiểu học xã Hoàng Kim. Hiện, hai dự án này đang trong quá trình đấu thầu, dự kiến sẽ khởi công trong quý II/2018. Các công trình được kỳ vọng sẽ mang tới sức sống mới, góp phần nâng cao chất lượng cho ngành giáo dục nơi đây.

Trông chờ nguồn vốn hỗ trợ

Năm 2018, huyện Mê Linh phấn đấu đưa hai xã Hoàng Kim và Chu Phan về đích NTM. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn phục vụ nâng cấp thiết chế hạ tầng cơ sở đang là rào cản lớn đối với việc hoàn thành mục tiêu nêu trên.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, bên cạnh cơ sở vật chất trường học còn nhiều hạn chế, một số tiêu chí chưa đạt khác của 4 xã chưa về đích NTM (Hoàng Kim, Chu Phan, Tự Lập, Tam Đồng) gồm: Giao thông, y tế và cơ sở vật chất văn hóa, cũng đều cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Không chỉ vậy, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình cũng sẽ kéo dài.

Thực tế, nguồn vốn xã hội hóa những năm qua của huyện Mê Linh huy động được cho Chương trình xây dựng NTM là rất thấp. Kinh phí đầu tư chủ yếu đến từ ngân sách Nhà nước. Thống kê từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn xã hội hóa toàn huyện vận động được chỉ khoảng 78 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm 2018, chưa huy động được một chút kinh phí xã hội hóa nào cho mục tiêu xây dựng NTM!. Trong khi đó, nguồn kinh phí đấu giá đất của huyện cũng không quá cao và phải tập trung để thanh toán số nợ đọng xây dựng cơ bản từ những năm trước. Chính vì vậy, huyện Mê Linh kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn đầu tư thường xuyên để địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Liên quan tới mục tiêu dài hạn hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, hiện, cả 6/6 trường THPT trên địa bàn huyện đều chưa đạt chuẩn Quốc gia. Điều này khiến mục tiêu về đích “Huyện Nông thôn mới” trong những năm tới của địa phương gặp trở ngại lớn. Sở dĩ vậy là bởi theo quy định, muốn đạt kết quả trên, huyện phải có ít nhất 60% tổng số trường THPT trên địa bàn đạt chuẩn Quốc gia. “Theo phân cấp, các trường THPT thuộc UBND TP Hà Nội quản lý và đầu tư xây dựng. Do đó, chúng tôi mong TP quan tâm, sớm đầu tư nâng cấp, đưa 6 trường THPT đạt chuẩn, tạo tiền đề để huyện từng bước về đích NTM...” - ông Quang chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần