Huyện Mỹ Đức dành gần 5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nội dung chính của Kế hoạch số 419/KH-UBND do UBND huyện Mỹ Đức vừa ban hành nhằm triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn huyện năm 2017.

 Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức.
Theo đó, các DN trong nước, hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung chưa được hưởng các chính sách thực hiện từ các chương trình, dự án, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, chưa có hệ thống làm giàu oxi trong nuôi trồng thủy sản được thụ hưởng chính sách trên. Cụ thể, ngân sách cấp huyện hỗ trợ trực tiếp cho công tác phòng chống dịch bệnh đối với rau an toàn và nuôi trồng thủy sản, xây dựng hệ thống xử lý môi trường trong chăn nuôi.
Đối với hỗ trợ cây trồng: 70% chi phí trong năm đầu, 50% trong năm thứ 2 chi phí bảo vệ thực vật khi sử dụng các chế phẩm sinh học, có nguồn gốc sinh học để phòng chống dịch bệnh trong sản xuất rau an toàn. Đối với hỗ trợ thủy sản: 50% năm đầu và 30% năm thứ hai chi phí hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường ao nuôi. Đối với vật nuôi: Hỗ trợ một lần khi xây dựng công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi (lợn, bò) đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn môi trường theo quy định, mức hỗ trợ tối đa không quá 300.000 đồng/1 đầu gia súc; hỗ trợ một lần 50% kinh phí mua thiết bị làm giàu oxi vùng nước nuôi trồng thủy sản, tối đa không quá 15 triệu đồng/ha.
Trong năm 2017, huyện Mỹ Đức hỗ trợ đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn với tổng diện tích 47ha tại xã Lê Thanh; hỗ trợ hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường ao nuôi diện tích 100ha năm thứ nhất tại các xã: Hợp Thanh (20ha), Tuy Lai (30ha), An Tiến (20ha), An Phú (30ha); hỗ trợ diện tích 50ha năm thứ hai tại các xã Tuy Lai (30ha), Hợp Thanh (5ha), An Tiến (5ha), Hùng Tiến (5ha) và An Phú (5ha). Hỗ trợ hệ thống làm giàu oxi trong nuôi trồng thủy sản tại các xã: Hợp Thanh (20ha), Tuy Lai (30ha), An Tiến (20ha), An Phú (30ha).
Liên quan đến chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, quy mô lớn ngoài khu dân cư, huyện Mỹ Đức sẽ hỗ trợ 4.000 con (lợn, bò); xây dựng công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi (lợn, bò) đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn môi trường theo quy định, mức hỗ trợ tối đa không quá 300.000 đồng/đầu gia súc. Tổng mức kinh phí huyện hỗ trợ thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn năm 2017 đạt gần 5 tỷ đồng.