Huyện Quốc Oai, Ba Vì khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Lâm Nguyễn - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của UBND huyện Quốc Oai, đến trưa 23/7, thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện rất nặng nề; hàng trăm hộ dân vẫn đang bị ngập úng nặng.

Trường mầm non xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai vẫn đang bị ngập.
Đối với sản xuất nông nghiệp huyện Quốc Oai, diện tích lúa bị ngập là 2.386ha, trong đó, ngập trắng 1.665ha. Diện tích cây ăn quả ngập úng 142ha, rau màu ngập trắng toàn bộ 73ha, các loại cây trồng khác ngập 3ha. Bên cạnh đó, mưa lũ cũng gây nên nhiều sự cố đê điều. Cụ thể, đê bao, đê bối sông Tích bị tràn tổng số 5.000m. Đê Bối tràn toàn bộ tổng 3.500m gồm đê đồng Giắp thôn Đĩnh Tú 800m; đê Minh Khai đi thôn Muôn 950m; đoạn từ thôn Muôn đi cầu Phú Cát 1.750m. Đê Hữu Tích đoạn Khoang Ông xã Hòa Thạch ngập tràn 1.500m.
Đáng chú ý, trên địa bàn huyện còn 3 vùng dân cư bị cô lập tại 3 xã với tổng số 386 hộ, 1.609 nhân khẩu. Cụ thể gồm: Xóm bến Vôi xã Cấn Hữu: 116 hộ, 574 khẩu; Thôn Phú Cao xã Phú Cát: 90 hộ, 270 nhân khẩu; Thôn Thông Đạt xã Liệp Tuyết: 180 hộ, 765 nhân khẩu. Hiện, nhiều hộ dân vẫn đang phải trú tránh tạm nhà người thân chờ nước rút.

Để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết, địa phương đang tăng cường kiểm tra, theo dõi các công trình đê, cống dưới đê để có biện pháp xử lý, giữ an toàn các tuyến đê và giảm thiểu ngập úng. Chỉ đạo xã Phú Cát, Cấn Hữu, Liệp Tuyết thực hiện hỗ trợ nước uống đóng bình, chủ động phương án trợ giúp đối với người già, trẻ nhỏ, các hộ gia đình chính sách, đảm bảo an toàn đối với các hộ dân trong vùng bị cô lập. Công ty Điện lực huyện thực hiện sa thải khỏi lưới điện nhà ở, các thiết bị điện không an toàn.

Bên cạnh đó, trung tâm y tế, trạm y tế các xã và các cơ quan chuẩn bị tốt số lượng thuốc. Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng đối với vùng ngập sau khi nước rút. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình chống úng ngập. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt công tác hiệp đồng, phối hợp với các lực lượng, đơn vị, đặc biệt là các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn để thực hiện hỗ trợ và xử lý các sự cố phát sinh.
 Người nuôi cá trên địa bàn huyện Ba Vì chủ động vệ sinh ao nuôi, phòng tránh dịch bệnh

Tại huyện Ba Vì, ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại không nhỏ tới đời sống và sản xuất của người dân trong thời gian qua. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế, toàn huyện có 28/31 xã, thị trấn bị thiệt hại do mưa bão lần này. Toàn huyện có hơn 1.200ha lúa bị ngập, trong đó ngập trắng là hơn 828 ha, ngập sâu là 455ha, 131ha rau màu các loại, hơn 100ha thủy sản bị ngập, hơn 2.200m3 cá lồng bè. Tập trung ở các xã vùng úng trũng ven sông như: Cổ Đô, Minh Quang, Thị trấn Tây Đằng, Sơn Đà…

Xã Sơn Đà là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất của hoàn lưu cơn bão, với hơn 72ha lúa và rau màu bị ngập; cả xã còn có 46ha nuôi cá truyền thống bị ngập, gây thất thoát cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Đạo Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đà cho biết: Trước mùa mưa bão, xã đã thực hiện nhiều biện pháp như cải tạo kênh mương để chủ động tiêu thoát nước, nhưng do mưa lớn, lượng mưa tập trung nên nước không tiêu thoát kịp, gây ngập úng cục bộ. Đối với những diện tích lúa bị ngập sâu cộng với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nếu không tiêu thoát nước kịp thời thì khả năng phục hồi là rất khó khăn.

Ngoài xã Sơn Đà, xã Khánh Thượng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa bão lần này. Theo thống kê, toàn xã có 60ha lúa và 3 ha rau màu bị ngập trắng. Những thôn bị thiệt hại nhiều phải kể đến thôn Bắt Còn Chèm, Gò Đình Muôn, Gò Đá Chẹ...

Không những diện tích lúa, cá, rau màu ở trong đê bị ngập, mà nhiều diện tích nuôi cá lồng bè trên sông cũng chịu tổn thất nặng nề. Trong đó, xã Minh Quang có 72m3 cá lồng bè bị ngập, thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi.

Phó phòng Kinh tế huyện Hứa Bá Trình, cho biết: Khi có thông tin ảnh hưởng của mưa bão, huyện đã chủ động chỉ đạo vận hành 10 máy bơm tiêu tại 5 trạm bơm ở các xã Cổ Đô, Vạn Thắng, Xóm Thiện 1, xóm Thiện 2, Tri Lai để tiêu nước, phòng chống úng ngập. Ngay sau mưa bão đi qua, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại, tập trung tiêu nước, tiếp tục chăm sóc diện tích lúa còn sống, tỉa dặm vào các diện tích lúa đã bị chết; chủ động vệ sinh, phòng chống dịch bệnh ở các diện tích ao nuôi thả cá. Cùng với đó, huyện sẽ cùng với các xã, thị trấn thống kê thiệt hại để có hỗ trợ thiệt hại kịp thời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần