Huyện Quốc Oai: Sức bật từ làng nghề truyền thống

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, các làng nghề truyền thống của huyện Quốc Oai không những vẫn được gìn giữ, mà còn đang có những bước phát triển ổn định và bền vững.

Thành quả đó có được một phần quan trọng là nhờ định hướng phát triển đúng đắn, việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đầu tư của T.Ư và TP. 
Nguồn thu quan trọng cải thiện đời sống

Đường đê sông Tích dẫn chúng tôi về với làng Muôn, xã Tuyết Nghĩa. Ven con đường được bê tông hóa khang trang, tre, nứa được phơi la liệt. Vài người dân chỉ tay về phía khu xưởng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Phúc khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về nghề đan nan cót của làng.
 Làng nghề đan nan cót tại xã Tuyết Nghĩa. Ảnh: Trọng Tùng
Hộ ông Phúc là một trong những hộ làm nghề lâu năm nhất của làng. Hiện, gia đình ông có trên 10 nhân công làm việc thường xuyên. Do diện tích khu xưởng hạn chế, ông thuê khoán trên 100 hộ đan lát sản phẩm tại nhà, rồi tới thu mua. Ông Phúc cho hay, trừ các khoản chi phí sản xuất, lợi nhuận những năm gần đây từ nghề đan lát không dưới 250 triệu đồng/năm. Không chỉ hộ ông Phúc, làng Muôn hiện có khoảng 235 hộ thì nhà nào cũng có từ 1 - 2 người tham gia làm nghề. Dù chỉ là nghề phụ nhưng đan nan cót xuất khẩu đang là nguồn thu chính của nhiều người dân nơi đây những khi nông nhàn.

"Quốc Oai phấn đấu đến năm 2020, sẽ hoàn thành 4 cụm công nghiệp làng nghề tập trung tại các xã: Ngọc Mỹ, Liệp Tuyết, Tân Hòa và Sài Sơn. Đồng thời, xây dựng hai khu xử lý nước thải tập trung tại các xã Tân Hòa và Cộng Hòa. Đây sẽ là điều kiện cần thiết để địa phương phát triển bền vững các làng nghề truyền thống." - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương

Làng đan nan cót ở xã Tuyết Nghĩa chỉ là một trong tổng số 17 làng nghề truyền thống của huyện Quốc Oai hiện đang có những bước phát triển ổn định. Sản phẩm làng nghề của địa phương này tập trung vào các mặt hàng đồ gỗ, mộc dân dụng, nan cót, mây tre giang đan, dệt len, chế biến nông sản… Theo thống kê mới đây của Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, các làng nghề đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.500 hộ dân với trên 11.400 lao động. Thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Một số làng nghề có doanh thu cao trên 120 tỷ đồng/năm đang tiếp tục phát triển mạnh như: Tân Hòa, Cộng Hòa, Ngọc Than, Phú Mỹ, Yên Quán, Ngô Sài. Tăng trưởng bình quân của các làng nghề tại huyện Quốc Oai trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 6,8%/năm.

Hướng tới phát triển bền vững

Dù mang lại thu nhập khá, nhưng sự phát triển làng nghề tại huyện Quốc Oai cũng đứng trước nhiều thách thức. Sản xuất tại một số làng nghề vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, năng suất chưa cao, chất lượng và mẫu mã sản phẩm còn hạn chế. Mặt bằng sản xuất chật hẹp làm phát sinh vấn đề về môi trường…

Nhằm giải quyết bài toán trên, UBND TP đã cho phép thành lập 2 cụm công nghiệp làng nghề tập trung tại xã Nghĩa Hương (rộng 11,4ha) và thị trấn Quốc Oai (rộng 10,54ha). Những năm qua, TP cũng hỗ trợ huyện Quốc Oai phát triển thương hiệu làng nghề mộc dân dụng Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ) và đặc sản miến làng So tại hai xã: Tân Hòa, Cộng Hòa. Nhờ có thương hiệu, sản phẩm của hai làng nghề trên đã tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư của T.Ư và TP cũng đã được huyện Quốc Oai tập trung triển khai có hiệu quả. Điển hình như Dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề gắn với du lịch, phát triển nghề mới; hay Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ…

Cùng với quy hoạch vùng sản xuất, để đạt mục tiêu đến năm 2020, có 80% số làng trên địa bàn huyện có nghề, nâng cao giá trị các làng nghề truyền thống, huyện cũng kiến nghị, UBND TP chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác truyền nghề, nhân cấy nghề; hỗ trợ quản trị và khởi sự DN cho các cơ sở sản xuất; đồng thời, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu, gắn với đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại, để sản phẩm làng nghề huyện Quốc Oai từng bước vươn xa.