Huyện Sóc Sơn: Gỡ khó về cơ sở vật chất trường học

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về công tác xây dựng nông thôn mới (NTM): “Huyện Sóc Sơn chú trọng đầu tư, phấn đấu đến hết năm 2019, Sóc Sơn là huyện NTM”, địa phương đã chủ động triển khai nhiều dự án hạ tầng, nhất là lĩnh vực giáo dục. Dù vậy, mục tiêu trên đang gặp rào cản lớn do ngân sách của huyện còn nhiều khó khăn.

Tỷ lệ trường chuẩn mới đạt gần 60%

Là một trong những cơ sở giáo dục nằm xa trung tâm huyện nhất, điều kiện cơ sở vật chất của trường Mầm non xã Minh Phú hiện còn rất nhiều khó khăn. Ngôi trường hiện có 772 học sinh nhưng chỉ có 13 phòng học và 1 phòng chức năng. So với quy định chuẩn Quốc gia, trường còn thiếu tới 10 phòng học và 1 phòng chức năng! Không chỉ vậy, một số phòng học tại điểm lẻ thôn Phù Ninh có diện tích rất nhỏ hẹp, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
Trường Tiểu học Tiên Dược B (huyện Sóc Sơn) mới được đầu tư xây dựng khang trang,

rộng đẹp.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thanh, năm học 2017 - 2018, toàn huyện có 97 trường mầm non, tiểu học và THCS công lập với 73.806 học sinh. Những năm gần đây, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn huyện từng bước được quan tâm đầu tư. Tính riêng trong hai năm 2016 và 2017, đã có gần 200 phòng học của 22 trường học các cấp được đầu tư nâng cấp. Dù vậy đến nay, trên địa bàn huyện mới chỉ có 59/97 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (bằng khoảng 60% tổng số cơ sở giáo dục). Cơ sở vật chất giáo dục còn nhiều hạn chế ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Khó hoàn thành nếu thiếu trợ lực

Để có thể về đích NTM vào cuối năm 2019, huyện Sóc Sơn phải có thêm 7 xã hoàn thành chương trình. Trong số 26 trường thuộc 7 xã, hiện chỉ có 6/26 trường đạt chuẩn. Như vậy, trong hai năm 2018 - 2019, 20 cơ sở giáo dục còn lại phải phấn đấu đạt chuẩn. Khó khăn sẽ còn lớn hơn khi 19 trường khác đến kỳ xét lại trường đạt chuẩn Quốc gia cũng phải tiếp tục được công nhận đạt chuẩn.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, năm 2018, cơ sở vật chất giáo dục của huyện tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Theo đó, có 15 trường được bổ sung cơ sở vật chất với tổng kế hoạch vốn là 179,24 tỷ đồng. Trong đó, có 9 trường thuộc 7 xã phấn đấu hoàn thành NTM giai đoạn 2018 - 2019. UBND huyện cũng đã chủ động bố trí 1 tỷ đồng thực hiện chuẩn bị đầu tư 8 dự án trường học dự kiến triển khai xây dựng trong năm 2019, trong đó, có 4 dự án thuộc 7 xã hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2018 - 2019. 14,6 tỷ đồng cũng đã được bố trí phục vụ sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho các trường trên đường phấn đấu đạt chuẩn năm 2018.

Dù đã chủ động cân đối ngân sách địa phương nhằm cụ thể hóa mục tiêu NTM, nhưng xuất phát điểm với quá nhiều khó khăn khiến mục tiêu trên đứng trước trở ngại lớn nếu không có trợ lực cần thiết, kịp thời của TP. Do đó, để huyện Sóc Sơn hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất trường học, đưa 7 xã về đích NTM theo kế hoạch, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút đề nghị UBND TP tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí để nâng cấp trường học các cấp. Trong điều kiện cho phép, kiến nghị TP hỗ trợ tiếp 140,2 tỷ đồng triển khai xây dựng trường Mầm non Tân Dân khu B, THCS Đông Xuân và THCS Quang Tiến và kinh phí xây dựng 57 phòng học, 49 phòng học chức năng, 16 phòng thể chất và 7 nhà thể chất tại các trường xét đạt chuẩn lại với tổng trị giá 265 tỷ đồng. Phần ngân sách huyện sẽ tiếp tục đảm bảo hoàn thành 15 dự án đã được ghi trong kế hoạch đầu tư công năm 2018 (khoảng 75 tỷ đồng) và các dự án đang chuẩn bị thực hiện năm 2019 - 2020 (117 tỷ đồng)...