Huyện Sóc Sơn: Nhiều hộ tự khắc phục vi phạm đất rừng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi nhận thông báo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội và được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhiều hộ gia đình có công trình xây dựng vi phạm đất rừng phòng hộ trong hai năm 2017 – 2018 trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã nhận thức được sai phạm, tự giác tiến hành tháo dỡ các công trình trái phép.

Gia đình ông Đinh Xuân Thái ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh là một trong 4 hộ có công trình xây dựng vi phạm đất rừng phòng hộ được yêu cầu phải tháo dỡ trong đợt này. Trên mảnh đất thuộc khu Lả Măng (thôn Vệ Linh), ông Thái đã xây dựng nhà tôn với tổng diện tích gần 335m2, cùng hàng rào dài 80,5m bằng thép hộp vuông. Sau khi được chính quyền xã Phù Linh đến làm việc trực tiếp, tuyên truyền, vận động, ông Thái đã chấp thuận việc tự tháo dỡ.
 Một công trình vi phạm đất rừng đã bị cưỡng chế tại xã Minh Phú. Ảnh: Trọng Tùng
Công trình vi phạm của hộ gia đình ông Đinh Xuân Thái là một trong số 6 công trình được xác định có vi phạm đất rừng phòng hộ đang tiến hành tự khắc phục. Trong số 6 công trình kể trên, riêng xã Phù Linh có 4 công trình; hai xã Quang Tiến và Hồng Kỳ - mỗi xã có một công trình đang được chủ hộ tiến hành tự tháo dỡ. Tiến độ tháo dỡ của các công trình đều đạt trên 60% khối lượng.
Theo Đội phó phụ trách Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thanh Huyền, bên cạnh 6 công trình đang được các chủ hộ tự giác tháo dỡ, những ngày qua, lực lượng chức năng của huyện đã phối hợp, tổ chức cưỡng chế 7 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ tại 3 xã: Tiên Dược, Quang Tiến và Minh Phú. Trong đó, xã Minh Phú có 5 công trình; hai xã Tiên Dược và Quang Tiến – mỗi địa phương có một công trình bị cưỡng chế.
Như vậy đến nay, trên địa bàn 9 xã (Minh Trí, Minh Phú, Quang Tiến, Hiền Ninh, Tiên Dược, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ) đã có 13 công trình trong tổng số 65 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ trong giai đoan 2017 – 2018 đã được xử lý theo hình thức cưỡng chế hoặc tự khắc phục. 6/9 xã có công trình vi phạm đã tiến hành các biện pháp xử lý; còn lại 3 xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hiền Ninh đã xây dựng kế hoạch, đang triển khai các bước xử lý theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền thông tin thêm, thống kê trong hai năm 2017 – 2018, trên địa bàn 9 xã của huyện Sóc Sơn có tổng số 269 vi phạm đất rừng phòng hộ. Cùng với việc tập trung xử lý dứt điểm 65 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng trong đợt này, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức phân loại, củng cố hồ sơ, xây dựng kế hoạch xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần