Huyện Thạch Thất: Đổi thay vùng dân tộc thiểu số

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những chính sách đầu tư thiết thực, cụ thể đã giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Thạch Thất từng bước ổn định và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Đời sống được nâng cao
Thạch Thất hiện có 19 dân tộc đang sinh sống, trong đó người DTTS chiếm 5,4% tổng dân số toàn huyện (gồm dân tộc Mường, Tày, Thái, Nùng, Sán Dìu, Sán Chỉ…). Trong những năm qua, kinh tế của các xã miền núi và đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có bước chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế bình quân ở 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung đạt 12,5%/năm; thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm, tăng 17,2 triệu so với năm 2014.
Người dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất được khuyến khích phát triển văn hóa cồng chiêng. 

Ảnh: Phương Nga

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, xã Yên Bình luôn bị đói nghèo đeo bám, kinh tế phụ thuộc vào mấy sào ruộng cấy nhưng thường xuyên bị mất mùa. Tuy nhiên, nhờ vào chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, ông đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình trồng bưởi Diễn, thanh long kết hợp với cây dược liệu, mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu - trưởng thôn Đầm Bối, xã Yên Trung cũng phấn khởi nói: Trước khi sáp nhập về Hà Nội, cơ sở vật chất và đời sống của người dân trong xã còn gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm nhưng đến nay đã nâng lên 44 triệu đồng/người/năm.
Ngoài được hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, chúng tôi còn được khuyến khích giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, tập luyện cồng chiêng. Nhờ vậy đã giúp cho tình đoàn kết trong cộng đồng được củng cố.

Do triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nên trong 5 năm qua trên địa bàn 3 xã miền núi của huyện Thạch Thất đã giảm 145 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 5,17% năm 2014, giảm xuống còn 1,28% cuối năm 2018. Đến nay, 3 xã đều được công nhận nông thôn mới, trong đó thu nhập bình quân đầu người đạt cao nhất trong các xã miền núi của TP.

Cùng với đó, công tác giáo dục, văn hóa, y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đạt nhiều kết quả. Việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ được tổ chức đảm bảo tiết kiệm, văn minh. Việc hỏa táng khi có người chết đã được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, năm 2018 tỷ lệ hỏa táng tại xã Bình Yên đạt trên 80%, xã Yên Trung đạt 71,4%...
Hiệu quả từ những chính sách cụ thể
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Hoàng Kiều Tuấn cho biết: Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, TP nên cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS huyện Thạch Thất đến nay khá đồng bộ, phục vụ tốt đời sống sản xuất và dân sinh.
Giai đoạn 2014 – 2019, 3 xã miền núi của huyện được triển khai đầu tư 46 dự án với tổng mức đầu tư gần 407 tỷ đồng, tập trung vào cơ sở hạ tầng như xây mới 31km đường giao thông huyết mạch, 14 nhà văn hóa, gần 100 trường học mới, nhiều công trình thủy lợi…
Một trong những yếu tố góp phần xóa dần khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác là chính sách giảm nghèo bền vững bằng các giải pháp cụ thể. Hàng năm huyện đều tiến hành rà soát, phân tích nguyên nhân, nhu cầu của hộ nghèo để có giải pháp phù hợp đối với từng hộ, trong đó quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Trong 5 năm qua, Thạch Thất đã đào tạo nghề cho 2.994 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 49% lên 59%, giải quyết việc làm cho 3.130 lao động. Đồng thời tổ chức xây sửa nhà cho 56 hộ nghèo, tặng 43 con bò sinh sản cho hộ nghèo trị giá 774 triệu đồng, tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ cho hộ nghèo nhu hỗ trợ chi phí học tập cho 984 lượt học sinh với số tiền là 856 triệu đồng, hỗ trợ tiền điện cho 664 lượt hộ với kinh phí 1,95 tỷ đồng.