Huyện Thạch Thất triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2021

Vũ Vân - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/1, UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2020, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2021.

Sản xuất tăng trưởng
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, năm 2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường; thiên tai dịch bệnh khó lường… đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Trước những khó khăn trên, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động nắm bắt tình hình, tích cực phối hợp với các ngành liên quan khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Vũ Vân)
Tổng diện tích gieo trồng cả năm là 10.596 ha, đạt 98,7% kế hoạch, năng suất lúa bình quân đạt 62,6 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha so với kế hoạch, sản lượng cả năm đạt gần 50.665 tấn. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quan tâm chỉ đạo thực hiện, hoàn thành diện tích chuyển đổi đạt 153 ha, đạt 100% kế hoạch thành phố giao.
Về công tác chăn nuôi thú y, huyện tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tổng đàn gia súc gia cầm toàn huyện là 2.001.415 con, tăng hơn 41 nghìn con so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đàn trâu bò 8.450 con, đàn lợn 102.965 con, đàn gia cầm 1.890.000 con. Trồng rừng bổ sung được trên 50 ha, tổng diện tích rừng hiện có gần 2.094 ha, duy trì quản lý tốt 520 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được quan tâm.
Năm 2021, toàn huyện có kế hoạch gieo trồng tổng diện tích trên 10.246,8 ha, trong đó diện tích lúa 2 vụ 7.575,4 ha, năng suất bình quân cả năm phấn đấu đạt 61,5 tạ/ha, sản lượng trên 46.574 tấn. Vụ Xuân toàn huyện gieo trồng trên 5.143 ha cây trồng các loại, cơ cấu giống lúa vụ xuân, giống TBR225, J02, J01 chiếm 25% diện tích; giống Thiên ưu 8, VRN20 chiếm 25% diện tích, giống BC 15 chiếm 20% diện tích; giống lúa nếp các loại 10%; các giống lúa thơm 15%, giống lúa khác và khảo nghiệm chiếm 5%.
Diện tích vụ Mùa, toàn huyện gieo trồng trên 4.353 ha, cơ cấu giống lúa vụ mùa BC 15 chiếm 30% diện tích, Thiên ưu 8, VRN20 chiếm 20%; giống TBR 225, Bắc Thịnh, Lam Sơn 8 chiếm 20%, nếp 10%, các giống lúa thơm 15%, giống lúa khác và khảo nghiệm 5%.
“Lĩnh vực chăn nuôi - thú y, chỉ tiêu thực hiện tổng đàn bò 10 nghìn con, đàn lợn trên 2 tháng tuổi 120 nghìn con, đàn gia cầm 1,2 triệu con. Quản lý khai thác có hiệu quả 520 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Quản lý, duy trì tốt gần 2.094 ha rừng hiện có, trồng bổ sung mới từ 50 ha rừng. Đồng thời làm tốt công tác quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, tiếp tục thực hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả bền vững” – ông Hoàng Chí Lượng cho hay.
Đẩy mạnh giám sát mô hình chuyển đổi
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho rằng, để đạt được mục tiêu đặt ra cho ngành nông nghiệp trong năm 2021, các ngành phục vụ nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt quan tâm đến lịch thời vụ và cơ cấu giống. Ngay sau hội nghị, các xã, thị trấn cần rà soát lại diện tích, cơ cấu giống để bổ sung vào kế hoạch, đảm bảo cụ thể, chi tiết, sát với tình hình thực tế, phù hợp với từng địa phương.
Năm 2020 sản xuất nông nghiệp huyện Thạch Thất đạt nhiều kết quả tích cực. (Ảnh: Doãn Thành)
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của huyện trong công tác quản lý nhà nước về quản lý mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp. Chủ động làm tốt công tác nạo vét kênh mương nội đồng, đồng thời rà soát để xây dựng kế hoạch cứng hóa kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất.
“Cùng với đó cần đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, công tác quản lý chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, phòng chống thiên tai, công tác dự thính dự báo tình hình sâu bệnh; làm tốt công tác quản  giống, vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước mắt cần thực hiện tốt các giải pháp chuẩn bị cho sản xuất vụ Xuân, chỉ đạo quyết liệt về cơ cấu giống, lịch thời vụ, tăng cường tuyên truyền để bà con nông dân chủ động thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt lịch gieo mạ, gieo cấy tập trung đúng thời vụ để đạt được năng suất cao nhất” - ông Nguyễn Kim Loan nói.