Huyện Thanh Trì: Hơn 44 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khó thu hồi

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến tháng 8/2017, trên địa bàn Thanh Trì có 159 đơn vị không có khả năng thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) cho người lao động (NLĐ).

Đây là một thông tin được đưa ra trong buổi làm việc sáng nay (4/10) giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội với đại diện HĐND-UBND-BHXH huyện Thanh Trì, sở, ngành liên quan và một số doanh nghiệp có nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn. Tới dự có Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Lê Thị Thu Hằng.
 Toản cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH huyện Thanh Trì Phạm Hồng Việt cho biết: Hiện huyện có 1.895 cơ quan, DN đã tham gia đóng BHXH, BHYT (chiếm hơn 40% tổng DN đang hoạt động), với gần 150.000 lao động tham gia BHXH và 200.000 người tham gia BHYT. Những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo BHXH huyện và các phòng, ban, đơn vị liên quan cùng UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT bằng nhiều hình thứ.

Đặc biệt, công tác thu hồi nợ BHXH, BHYT rất được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nên tỷ lệ nợ BHXH, BHYT của các DN trên địa bàn có xu hướng giảm dần qua các năm. Song, cũng do địa bàn tập trung nhiều DN hoạt động ngành xây dựng, thi công cơ giới, xây lắp, cầu đường gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đồng thời nhiều DN nhỏ sử dụng ít lao động, lại hoạt động trong những lĩnh vực mang tính chất thời vụ, nên tỷ lệ nợ của DN vẫn ở mức cao.

Cụ thể 8 tháng năm nay, tỷ lệ nợ của các DN còn hoạt động tại huyện vẫn đạt tới 15,09%, với tổng số nợ trên 91,5 tỷ đồng của 1.320 DN, ảnh hưởng đến 14.800 lao động. Trong đó, đến tháng 8/2017, có 22 DN nợ 500 triệu đồng trở lên, với tổng số 2.890 lao động, tổng tiền nợ 38 tỷ đồng; 566 DN nợ tiền 3 tháng trở lên, với tổng 14.800 lao động, tổng nợ 70,396 tỷ đồng.

Đặc biệt, có tới 159 đơn vị không có khả năng thu hồi nợ, là những DN đã bỏ giao dịch, giải thể, phá sản, mất tích, không hoạt động, không có người quản lý điều hành… Trong đó, 9 đơn vị có từ 1-10 lao động, 11 đơn vị có từ 10-50 lao động, 119 đơn vị đã giảm hết lao động, với số tháng nợ từ 15-86 tháng, tổng số tiền nợ lên tới 44,082 tỷ đồng. Một nguyên nhân được UBND huyện lý giải là do 3 năm qua, nhiều DN trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN còn nhiều, gây khó khăn trong thu hồi nợ, giảm nợ đọng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương thay mặt đoàn giám sát nhận định: Nhiệm vụ thu BHXH, BHYT trong các DN rất quan trọng bởi tác động đến đời sống của đông đảo NLĐ.

Đánh giá cao công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện trong công tác này, nhiều hình thức tuyên truyền, tổ chức thu, quan tâm giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ…, Trưởng đoàn giám sát cũng cho rằng: Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tại huyện còn hạn chế, tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT vẫn đứng thứ 4 trong các quận, huyện tại TP, trong đó có những DN nợ lên tới 13 tỷ đồng, khối DN ngoài quốc doanh chiếm tỷ lệ nợ rất cao. Trong khi, còn tình trạng chủ sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận không đóng BHXH, hoặc DN trốn nợ, chây ì, chiếm dụng vốn.

Khẳng định sẽ sớm đề xuất điều chỉnh thủ tục khởi kiện DN nợ đọng BHXH, BHYT, đoàn giám sát cũng đề nghị thời gian tới, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về BHXH lồng ghép với các nội dung khác; có sự phối hợp liên ngành rõ nét hơn giữa BHXH, Thuế, Công an, LĐLĐ để phát triển công tác BHXH. Đặc biệt, UBND huyện cần kiên quyết chỉ đạo công tác thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, đồng thời cố gắng không để phát sinh nợ mới.