Huyện Thường Tín: Đường liên xã “quên” thiết kế kết cấu móng

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tạo điều kiện phát triển cho làng nghề bật bông thôn Trát Cầu, chính quyền xã Tiền Phong, huyện Thường Tín đã huy động các nguồn lực, xây dựng tuyến đường bê tông nối với huyện Thanh Oai và dẫn vào đường CIENCO 5 đi nội đô.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tuyến đường rơi vào tình trạng sạt lở phần móng, khiến việc đi lại của người dân tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Người dân thôn Trát Cầu vốn có nghề làm chăn, ga, gối, đệm… Dù là nghề phụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nhưng nghề bật bông nơi đây đang mang lại thu nhập quan trọng cho hàng trăm hộ dân, không chỉ ở thôn Trát Cầu mà còn trên toàn xã Tiền Phong. Sự phát triển nhanh, mạnh của làng nghề những năm qua khiến nhu cầu giao thương tăng cao. Trước bối cảnh đó, chính quyền xã Tiền Phong đã đầu tư hàng tỷ đồng, cùng với nguồn vốn và sức dân huy động được, tổ chức xây dựng tuyến đường bê tông nối sang xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai và đường CIENCO 5. Tuyến đường sau khi hoàn thành không chỉ giúp giao thông thuận tiện hơn, mà còn góp phần thúc đẩy giao thương, nâng cao thu nhập cho người dân.
 Phần móng đường bê tông ven kênh của xã Tiền Phong bị sạt lở, nước ăn sâu và lõm vào bên trong. Ảnh: Tùng Nguyễn 
Thế nhưng hơn một năm trở lại đây, tuyến đường bắt đầu rơi vào tình trạng xuống cấp. Khảo sát của phóng viên một ngày trung tuần tháng 11/2017 cho thấy, phần móng đường chạy dọc kênh dẫn nước bị sạt lở. Nhiều đoạn, vị trí sạt lở ăn sâu, khoét lõm vào phía trong đến 0,5m. Mặt đường bê tông nhiều điểm bị đứt gãy, vỡ nát. Kết cấu bê tông đã không còn giữ được sự đồng nhất, bằng phẳng, thay vào đó tình trạng cong vênh mặt đường. Việc tuyến đường thường xuyên phải gánh xe tải trọng lớn chở hàng hóa từ làng nghề “bật bông” qua lại khiến kết cấu đường bị hư hỏng ngày một nghiêm trọng, khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

Điều ngạc nhiên là nguyên nhân khiến phần móng của tuyến đường bị sạt lở, ăn sâu vào bên trong lại đến từ một yếu tố khá hi hữu. Theo phản ánh của nhiều người dân địa phương là do các loại cá và vịt… đào bới, chui rúc vào phần móng đường. Điều này là hoàn toàn có cơ sở, khi tuyến đường được xây dựng chạy dọc con kênh dẫn nước. Dẫu vậy, chính quyền địa phương không thể được coi là vô can trong việc thủy sản và gia cầm gây tổn hại nghiêm trọng tới tuyến đường giao thông nêu trên. Thực tế, với các tuyến đường ven kênh mương, trong thiết kế, cần phải được gia cố phần móng. Thế nhưng tuyến đường được đề cập tới ở trên thì không qua công đoạn đó.

Liên quan tới thiết kế kỹ thuật của tuyến đường, Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong Nguyễn Văn Chung thừa nhận: Khi xây dựng đã không tính tới việc bảo đảm kết cấu phần móng. Thay vào đó, chỉ đổ bê tông lên mặt đường đất cũ, với mục tiêu đơn giản là để việc đi lại của người dân đỡ vất vả. Địa phương đã nắm được hiện trạng xuống cấp của tuyến đường, tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng: Địa phương còn nhiều trục chính quan trọng hơn cần được đầu tư. Do đó, việc bố trí vốn nâng cấp cho tuyến đường… rất khó khả thi.

Lời giải bị bỏ ngỏ, đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn tiếp tục đe dọa việc đi lại của hàng ngàn hộ dân xã Tiền Phong và khu vực lân cận. Cùng với việc giao thương bị hạn chế, mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân theo định hướng xuyên suốt của chương trình xây dựng nông thôn mới hứa hẹn sẽ thêm phần gian truân.