Huyện Ứng Hòa: Nhân rộng mô hình trồng rau VietGAP

Bài, ảnh: Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù được triển khai chưa đầy 2 năm, song mô hình trồng rau an toàn (RAT) tại thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa đã giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Là một trong số hộ tham gia vào mô hình sản xuất RAT, bà Trần Thị Tuyến, ở thôn Vĩnh Thượng chia sẻ: "Trồng RAT tuy khó hơn trồng rau thông thường nhưng chất lượng rau được đảm bảo, giá bán cũng cao hơn. Gia đình tôi có 2 sào trồng hành và dưa chuột, trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi vụ tôi thu lãi trên dưới 4 triệu đồng". Không chỉ có hộ bà Tuyến, nhiều hộ dân ở Vĩnh Thượng cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng RAT để nâng cao thu nhập.
 Nông dân chăm sóc rau an toàn tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa.
Hiện, toàn thôn Vĩnh Thượng có 40ha RAT, trong đó có 20ha canh tác theo phương thức VietGAP với sự tham gia sản xuất của 280 hộ xã viên. Trước đây, các hộ dân trồng rau theo tập quán canh tác cũ dẫn đến năng suất, chất lượng rau thấp, giá bán lại bấp bênh nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, thực hiện các dự án nông nghiệp hàng hóa, huyện Ứng Hòa đã đầu tư xây dựng mô hình trồng RAT tại thôn Vĩnh Thượng với quy mô 20ha.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng Nguyễn Xuân Nghĩa cho hay: "Nếu như trước đây bà con phải vất vả mang rau đi bán ở khắp các chợ trên địa bàn thì nay HTX đã ký hợp đồng với HTX nông sản An Việt bao tiêu sản phẩm rau cho xã viên với giá cả ổn định". Hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX nông sản An Việt thu mua 7 – 8 tạ rau các loại. Ngoài ra, một số tiểu thương trong xã cũng thu mua rau cho nông dân với sản lượng trung bình từ 1 – 1,5 tấn/ngày.

Nhằm khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo thói quen sản xuất an toàn, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng còn phối hợp với các phòng chức năng huyện Ứng Hòa tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn sản xuất RAT cho xã viên. Trong đó, chú trọng việc hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Bên cạnh đó, HTX cử cán bộ thường xuyên giám sát đối với các hộ tham gia mô hình từ khâu làm đất đến chọn giống rau, chăm sóc, quản lý dịch hại... Bắt tay vào thực hiện, huyện Ứng Hòa còn hỗ trợ HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng về giống, phân bón với tổng kinh phí 140 triệu đồng; hỗ trợ địa phương bê tông hóa hơn 1km đường giao thông nội đồng với tổng kinh phí 3 tỷ đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đi lại và các tiểu thương thu mua nông sản.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định cho biết, dù triển khai chưa đầy 2 năm nhưng mô hình trồng RAT tại thôn Vĩnh Thượng đã mang lại hiệu quả tích cực. So với sản xuất rau thông thường, sản xuất RAT cho thu nhập cao hơn trên 100 triệu đồng/ha. Mặt khác, nhờ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách mà nông dân vừa giảm được chi phí sản xuất vừa đảm bảo được sức khỏe cho bản thân cũng như người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà vùng trồng RAT Vĩnh Thượng đang phải đối mặt là điều tiết nguồn nước tưới. Do đó, để duy trì và phát triển mô hình trồng RAT, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ Vĩnh Thượng xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương tưới – tiêu, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.