Hy vọng để lại những dấu ấn tốt đẹp

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nếu chị Phương Nga là người có tác phong mềm mại, thì chị Phan Thúy Thanh lại quyết liệt, còn cô Hồ Thể Lan là nhà ngoại giao uyên bác và trí tuệ” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói về những người tiền nhiệm của mình như vậy. Riêng về phần mình, chị “Hy vọng sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp trong nhiệm kỳ”.

APEC và guồng quay 24/24

Gặp Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào một chiều cuối Đông. Ngày thường trông chị khác nhiều khi đứng trên bục phát ngôn: Trẻ trung và thuần khiết hơn là Nhà ngoại giao “sừng sỏ”. Chị có sức cuốn hút đến kỳ lạ, ngay cả khi chủ đề của chúng tôi xoay quay chuyện tổ chức Tuần lễ APEC tại Đà Nẵng, chuyện đón Tổng thống Mỹ Donald Trump…
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong một buổi họp báo thường kỳ.
Thực ra, nếu không nghe chị kể, thật khó hình dung ra những cán bộ của Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao đã làm thế nào để có thể phục vụ gần 3.000 nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới tác nghiệp. “Điều làm tôi hài lòng nhất là nhiều nhà báo, đặc biệt là phóng viên người Việt Nam ở nước ngoài về tác nghiệp, trước khi chia tay, đã đến bắt tay tôi và cảm ơn về sự tận tình, chu đáo trong suốt thời gian họ tác nghiệp” - chị nói. Nhìn ánh mắt rạng ngời của chị chợt hiểu rằng, niềm vui của những cán bộ ngoại giao là khi người mình phục vụ hài lòng.

Rồi chị kể: “Cuộc họp chính thức chỉ diễn ra trong hơn một ngày và Tuần lễ cấp cao cũng chỉ diễn ra trong vòng một tuần, nhưng quá trình chuẩn bị cho APEC Việt Nam 2017 mất vài năm, ngay từ khi chúng ta nhận được sự nhất trí cao của các thành viên APEC tại Hội nghị cấp cao lần thứ 21 ở Indonesia (năm 2013) ủng hộ Việt Nam lần thứ 2 đăng cai APEC 2017.

Chuẩn bị cho công tác tuyên truyền cũng mất rất nhiều thời gian, từ chuẩn bị nội dung, vận hành trung tâm báo chí, công tác hậu cần... Làm sao để tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp thuận lợi nhất, nhất là trong bối cảnh ngay trước khi hội nghị và ngay trong Tuần lễ cấp cao, xảy ra thiên tai lớn.

Việc tác nghiệp của báo chí nghĩ thì đơn giản, nhưng để phối hợp nhịp nhàng, có tin tức, ảnh và hình đầy đủ cho phóng viên, đưa phóng viên đến đúng giờ, đúng vị trí... cũng là cả một kế hoạch lớn. Chúng tôi có khoảng 30 loại thẻ cho các sự kiện khác nhau, mỗi ngày một màu cũng cần chuẩn bị kỹ và phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh...

Trong một tuần lễ không chỉ có các cuộc họp chính thức và các cuộc họp bên lề, mà còn có 50 cuộc tiếp xúc song phương của Chủ tịch nước ta, Thủ tướng, Phó Thủ tướng với các đối tác nước ngoài – “đó là cả một khung tin khổng lồ”.

Công việc đồ sộ như vậy, nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên của Vụ Thông tin báo chí có chưa đầy 30 người. “Cùng một lúc phải đảm đương 2 việc: Phục vụ Tuần lễ cấp cao ở Đà Nẵng và phục vụ 4 chuyến thăm cấp cao tại Hà Nội. Vì vậy, chúng tôi cũng phải chia sẻ lực lượng. Thời điểm cao nhất vào Đà Nẵng cũng chỉ có 16 người. Mỗi người đều có tinh thần, trách nhiệm và nhiệt huyết cao mới đảm đương khối lượng công việc lớn như vậy. Guồng quay hoạt động trong Tuần lễ cấp cao APEC luôn luôn là 24/24 giờ” – chị Hằng kể.

Bão lớn và đêm không ngủ

Tôi hỏi chị điều gì khiến chị nhớ nhất trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, chị cười rất tươi: “Thời điểm đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đó có lẽ chưa phải là đêm trắng, nhưng là một trong những đêm ít ngủ nhất của tôi. Tôi còn nhớ đêm 10/11/2017, chúng tôi cũng thức khi các phóng viên đứng trước tòa nhà hành chính của Đà Nẵng để chờ các Bộ trưởng họp xuyên đêm. Có những thời điểm, thông cáo báo chí được gửi ra vào lúc 1 giờ 38 phút sáng. 1 giờ 30 sáng, tôi vẫn còn phải duyệt tin để gửi đi và tiếp tục chờ xem có diễn biến hay thay đổi gì không để bổ sung. Rồi 4 rưỡi - 5 giờ sáng đã nhận tin nhắn công việc”.
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng và Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam.
Trầm ngâm một lúc chị Hằng kể tiếp: “Trong Tuần lễ cấp cao, chúng tôi phải trải qua 2 tình huống bất ngờ. Thứ nhất là khi bắt đầu vào Tuần lễ cấp cao, gặp cơn bão rất lớn, lớn nhất trong thập kỷ vừa qua và ở đúng nơi sẽ tổ chức hội nghị. Ngày 4/11, khi tôi đặt chân đến Đà Nẵng, mưa gió rất to. Ngoài phố, các cổng chào đổ, các banner bị xé toạc. Tại Trung tâm báo chí, khu nhà bạt dựng để làm nơi sơ chế thức ăn và khu kỹ thuật bị tốc mái gần hết, chỉ còn trơ khung sắt, ở bên trong, do mưa quá to, nước hắt và ngấm vào khu làm việc chung của hàng nghìn phóng viên, ảnh hưởng đến đường điện, trang thiết bị. Trong lòng tôi vô cùng lo lắng.

Ngay lập tức diễn ra cuộc họp khẩn với Ban Quản lý dự án, các nhóm dịch vụ kỹ thuật như Viettel, VNPT, Điện lực Đà Nẵng, VTV, VOV để tìm cách khắc phục. Sau đó, tranh thủ khi thời tiết có dấu hiệu tốt lên, các đơn vị làm ngày làm đêm nỗ lực khắc phục sự cố và đến khi bắt đầu cao điểm, từ Hội nghị Bộ trưởng trở đi, Trung tâm báo chí đã khắc phục được hoàn toàn. Khi các phóng viên đến, dường như không ai có cảm giác một trận thiên tai vừa đi qua.

Bất ngờ thứ hai liên quan đến TPP. Có rất nhiều diễn biến bất ngờ cho đến phút chót - cho đến cuộc gặp cấp cao của các nước thành viên TPP.

Mới ngày hôm trước, phóng viên tập trung rất đông vì nghe tin có họp báo, nhưng rồi cuộc họp đã không diễn ra. Tôi nhận được nhiều điện thoại, thậm chí đến tận nửa đêm. Đến ngày hôm sau, báo chí đưa tin về cuộc gặp cấp cao không được như mong đợi và phỏng đoán khả năng TPP khó thành hiện thực thì chúng tôi nhận được thông tin Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh sẽ có họp báo. Công tác chuẩn bị rất nhanh, từ việc thay phông, xếp cờ, bố trí vị trí quay phim chụp ảnh cho đến chuẩn bị kịch bản. Ngay cả khi hai Bộ trưởng đến Trung tâm Báo chí vẫn còn vào phòng trao đổi riêng thêm một lúc. Cuộc họp báo đó thu hút rất đông phóng viên, khoảng 300 người và nội dung đưa ra đã đáp ứng được mong đợi của phóng viên.

Hy vọng sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp trong nhiệm kỳ

Cuối cùng, câu chuyện của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng quay về với nghề phát ngôn của mình. Chị bảo: “Trong lịch sử Bộ Ngoại giao Việt Nam, tỷ lệ nam và nữ đảm nhiệm vai trò Người phát ngôn khá cân bằng: 4 nam và 4 nữ. Ở các nước, cũng có rất nhiều người phát ngôn là nữ như ở Trung Quốc, Mỹ, Nga... Nam hay nữ làm công việc này đều có mặt thuận và lợi thế như nhau. Tuy nhiên, mỗi người có thế mạnh riêng, có năng lực riêng. Người phát ngôn nào cũng muốn để lại dấu ấn thông qua năng lực cá nhân.

Hẳn chưa ai quên những nữ phát ngôn nổi tiếng như Hồ Thể Lan, Phan Thúy Thanh, Nguyễn Phương Nga. Mỗi người một cá tính, mỗi người một phong cách nổi trội, nhưng ai cũng giỏi giang. Nếu chị Phương Nga là người có tác phong mềm mại, chu toàn, thì chị Phan Thúy Thanh lại là người quyết liệt. Còn cô Hồ Thể Lan là nhà ngoại giao uyên bác và trí tuệ. Mỗi người đều để cho tôi những ấn tượng và bài học nhất định mà tôi học hỏi, rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Với cá nhân mình, tôi hy vọng sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp trong nhiệm kỳ”.