Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công: Trách nhiệm thuộc về đâu?

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm tới nay, dù Chính phủ đã liên tục hối thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nhưng đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm chạp.

Giải ngân vốn chậm không những ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà còn tăng tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công.
Thủ tục chặt đến mức có tiền không tiêu được?

Năm 2017, Quốc hội giao tổng vốn đầu tư công từ ngân sách là 357.150 tỷ đồng. 10 tháng năm 2017, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 53,3% dự toán. Theo tính toán, giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 ước chỉ đạt 84% kế hoạch. Dù Chính phủ đã liên tục hối thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN), Trái phiếu Chính phủ (TPCP), ODA và cả dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song tình hình chuyển biến khá chậm. Ngoại trừ giải ngân vốn FDI là tích cực, đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, giải ngân các khoản vốn đầu tư còn lại đều thấp.

Thi công Dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1A.  Ảnh: Công Hùng

Như TPCP, đến hết tháng 10/2017, lượng vốn huy động qua kênh TPCP đạt hơn 155.000 tỷ đồng, bằng 84,6% kế hoạch năm, trong khi cả nước mới giải ngân được vỏn vẹn 4.200 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán (theo Nghị quyết của Quốc hội là 50.000 tỷ đồng, và đạt trên 18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2016 là 38,8%).

Theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm do cả chủ quan lẫn khách quan và cơ chế chính sách. Đó là những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đặc biệt trong GPMB và cũng không loại trừ yếu tố năng lực của đơn vị thi công. Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT) Lưu Quang Khánh cho biết: “Quy trình giải ngân vốn ODA cũng bị vướng từ cả phía đấu thầu của Việt Nam và nhà tài trợ. Trong khi đó, GPMB và tái định cư được nhà tài trợ quan tâm hơn nên chính sách của Việt Nam phải thay đổi theo, dẫn đến tranh luận hai bên kéo dài”.

Làm rõ trách nhiệm

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, hệ quả của việc giải ngân chậm sẽ khiến lãng phí 3 lần. Một là, lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng. Hai là, tiền để đấy, Nhà nước phải trả lãi. Ba là, nhà thầu phải đi vay ngân hàng. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới không hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi IDA. Tương tự, kể từ tháng 1/2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) không hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi nhất. Theo đó, Việt Nam sẽ phải trả phí cam kết cho ADB 0,15%/năm và tăng 17,6% nếu chậm trễ.

Tình trạng vốn đầu tư công không giải ngân được đã diễn ra nhiều năm nay, song vẫn không được rút kinh nghiệm để giải quyết rốt ráo. Những nguyên nhân này đã được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT báo cáo Quốc hội, nhưng vấn đề quan trọng là giải quyết như thế nào?

Đồng tình với nhiều giải pháp quyết liệt Bộ KH&ĐT đưa ra là chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong việc giao vốn, chậm giải ngân để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm, tuy nhiên ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, vốn đầu tư công là vốn đi vay, phải trả lãi, nên cần phải quản lý thật chặt, không cố gắng giải ngân bằng mọi giá, sẽ dẫn tới đầu tư không hiệu quả, lãng phí, thất thoát. Nhiều công trình, dự án vừa làm xong, thậm chí chưa nghiệm thu đã phải sửa chữa, tu bổ, chắp vá, do chất lượng thấp, vì chạy theo tiến độ để giải ngân kịp kế hoạch, thì nên tập trung vốn vào các dự án quan trọng có tính chất lan tỏa và từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm thực hiện giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao của năm 2017. Trường hợp nào giải ngân chậm thì kiên quyết cắt giảm theo quy định để chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần