IMF: Tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 6,3%

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vừa báo tăng trưởng GDP 2017 của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 6,3%, thay vì mức dự báo 6,5% đưa ra hồi tháng 5.

IFM hạ dự báo GDP của Việt Nam xuống 6,3% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 6,5% đưa ra hồi tháng 5. GDP của Việt Nam tăng 6,2% trong năm 2016, thấp hơn mức 6,7% của năm 2015.
 
Theo tổ chức quốc tế này, dù hoạt động khai thác dầu của Việt Nam tiếp tục suy yếu trong quý I/2017, nhưng động lực tăng trưởng cơ bản vẫn được duy trì nhờ hoạt động sản xuất mạnh và dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, nhu cầu nội địa tăng mạnh, và sự phục hồi của sản xuất nông nghiệp.
IMF cũng dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ ổn định ở mức 5%, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ giảm vì nhập khẩu tăng. Ngoài ra, IMF đưa ra dự báo tăng trưởng GDP sẽ tăng 6,3% vào năm 2018.
Trong số các rủi ro bên ngoài, IMF cho rằng độ e ngại rủi ro tăng cao đối với các thị trường mới nổi hoặc sự lên giá của đồng đô la Mỹ có thể dẫn tới việc rút vốn và tạo sức ép đối với tỷ giá. Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP có thể ảnh hưởng tới dòng vốn FDI và giảm đà cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, đà tăng trưởng toàn cầu chậm lại và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể kéo giảm xuất khẩu. Giá dầu thấp có thể làm giảm doanh thu ngân sách, nhưng cũng có tác động tích cực đối với cán cân thương mại.
Về các rủi ro trong nước, IMF cho rằng rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng xuất phát từ tiến trình cấp vốn và xử lý nợ xấu chậm, và tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn cao. Nợ công cao làm hạn chế dư địa của Chính phủ trong việc xử lý các điểm yếu của ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, và đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn của nền kinh tế.
Với việc chính sách tiền tệ vẫn phụ thuộc nhiều vào sự ổn định của tỷ giá, lạm phát tăng có thể gây áp lực lên tỷ giá và khiến nhà đầu tư rút vốn. Chậm trễ trong cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân và tác động tiêu cực đến tâm lý đầu tư.
Các chuyên gia IMF cho rằng Việt Nam nên giữ nguyên chính sách tiền tệ và chú ý tới các dấu hiệu lạm phát tăng. Họ cũng khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện điều hành chính sách tiền tệ, bằng việc cho phép tỷ giá hối đoái linh động hơn, và chuyển dần sang sử dụng lạm phát là mục tiêu.