Indonesia bác đề nghị của Trung Quốc đàm phán về vấn đề Biển Đông

Nguyễn Phương (Theo Benarnews)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Indonesia từ chối lời đề nghị Bắc Kinh về việc đàm phán ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định Jakarta không có yêu sách chồng chéo với Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế.

Jakarta từ chối thẳng thừng đề nghị của Trung Quốc đàm phán về Biển Đông

Chính phủ Indonesia ngày 5/6 bác bỏ một đề nghị của Trung Quốc đàm phán về Biển Đông, và giữ nguyên quan điểm của nước này khi bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước đó, trong một lá thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) António Guterres ngày 2/6, Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng nước này không có các tranh chấp chủ quyền với Indonesia nhưng cho biết hai nước có các tuyên bố chồng lấn về quyền hàng hải đối với các khu vực ở Biển Đông.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm một căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna ở Biển Đông tháng 1/2020.
Lá thư của Bắc Kinh nhằm phản hồi một công hàm ngoại giao mà Chính phủ Indonesia gửi lên Tổng thư ký LHQ vào hôm 26/5, trong đó Jakarta bác bỏ bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như các tuyên bố quyền lịch sử đối với hầu hết vùng biển này.
“Dựa trên Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 Indonesia không có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc, vì vậy không cần thiết phải tiến hành bất kỳ cuộc đối thoại vào về phân định ranh giới trên biển”, ông Damos Dumoli Agusman - Tổng vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Indonesia nói với hãng tin BenarNews hôm 5/6.
Ông Damos đề cập tới một tuyên bố tháng 1/2020 từ Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định rằng Jakarta không có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông dựa theo UNCLOS năm 1982. “Tuyên bố đã khẳng định chúng tôi phản đối bất kỳ một cuộc đàm phán nào”, ông Damos nhấn mạnh.
Trong lá thư gửi LHQ tuần này, Trung Quốc cho biết: “Không có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Indonesia ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc và Indonesia có các tuyên bố chồng lấn về quyền và các lợi ích hàng hải tại một số khu vực ở Biển Đông. Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tuyên bố chồng lấn thông qua đối thoại và tham vấn với Indonesia…”.
Indonesia đã khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là “đơn phương” và không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Trong công hàm gửi Tổng thư ký LHQ đề ngày 26/5, Indonesia nói rằng cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên biển không có cơ sở pháp lý quốc tế, viện dẫn một phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan, khi tòa án đứng về phía Philippines trong vụ kiện với Trung Quốc. Công hàm cũng bác bỏ các yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Indonesia tại Jakarta đã viện dẫn công hàm để nói rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã vi phạm các ranh giới được thiết lập bởi vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
“Chúng ta không bao giờ biết ý định của Trung Quốc là gì khi lập đường chín đoạn. Nó có thể tạo ra các điều kiện vốn phá vỡ những gì mà Indonesia đã xác định từ rất lâu trước đó”, người phát ngôn Teuku Faizasyah nói với hãng tin Benarnews ngày 29/5. “Vì vậy, chúng tôi cần thông báo các vấn đề này bằng cách truyền đạt quan điểm của chúng tôi một cách cởi mở với cộng đồng quốc tế”.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi hôm 4/6 tái khẳng định quan điểm nhất quán của Indonesia về vấn đề Biển Đông và với các yêu sách của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Indonesia nhấn mạnh, nước này tuân thủ UNCLOS 1982.
“Đề nghị đàm phán của Trung Quốc là phi logic”
Trong khi đó, một nhà nghiên cứu luật biển quốc tế tại Đại học Gadjah Mada, I Made Andi Arsana, cho rằng đề nghị đàm phán của Trung Quốc là phi logic. “Tuyên bố của Indonesia dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi tuyên bố của Trung Quốc là đơn phương. Đó không phải là một vấn đề hợp lý”, Arsana nói, cho biết thêm rằng Indonesia không nên và sẽ không đồng ý đối đàm phán hay đối thoại song phương về vấn đề này.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 4/6 cũng nhắc lại lập trường của đất nước bà về vấn đề Biển Đông.
“Trong một công hàm ngoại giao gửi ngày 26/5, Indonesia đã tái khẳng định lập trường nhất quán của mình nhằm đáp trả tuyên bố của Trung Quốc gửi LHQ vốn có thể ảnh hưởng tới vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tuân thủ đầy đủ UNCLOS 1982”, Ngoại trưởng Retno nói trong một cuộc họp báo.
Các quốc gia thành viên của ASEAN là Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam đều có các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Indonesia không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng  đầu năm 2020 và trong năm 2016, căng thẳng đã bùng phát giữa Jakarta và Bắc Kinh về sự hiện diện của các tàu đánh bắt cá Trung Quốc ở Biển Đông gần quần đảo Natuna của Indonesia.
Vào năm 2002, khối ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về một Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC). Nhưng việc hoàn thành một Bộ quy tắc ứng xử (COC) chi tiết hơn và mang tính ràng buộc là một công việc khó khăn hơn nhiều.
Theo Benarnews, các cuộc đàm phán về COC đã bắt đầu từ năm 2016 và theo kế hoạch sẽ được hoàn thành vào năm 2021. Một dự thảo của thỏa thuận này đã được công bố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần