IPU – 132 bàn cách chống cuộc chiến không tiếng súng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), ngày...

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), ngày 29/3, Uỷ ban Thường trực về Hoà bình và An ninh Quốc tế thảo luận về dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới”.

Phần nổi của tảng băng chìm

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đều có chung quan điểm, chiến tranh mạng đang đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. Các đại biểu cũng thống nhất, thuật ngữ “chiến tranh mạng” được định nghĩa là cuộc chiến tiến hành trong không gian mạng và chủ yếu gồm những hoạt động quân sự trong hệ thống mạng và máy tính để tấn công một kẻ thù.

Theo ông José Carlos Mahía, đoàn Uruguay - Báo cáo viên của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế nhấn mạnh, chiến tranh mạng là một vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về cuộc chiến này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
IPU – 132 bàn cách chống cuộc chiến không tiếng súng - Ảnh 1
Ủy ban thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế IPU - 132 thảo luận về chủ đề Chiến tranh mạng 
Trên thực tế, trong những năm gần đây, tất cả các cuộc xung đột hay đối đầu về chính trị, kinh tế, quân sự đều có sự tham gia của các yếu tố liên quan đến chiến tranh mạng. Thậm chí, các quan chức an ninh Mỹ - quốc gia có nhiều ông lớn về công nghệ thông tin nhất, nơi tập trung nhiều nhân tài công nghệ nhất thế giới cũng cho rằng, mối đe dọa từ cuộc chiến trong không gian mạng có thể so sánh với những nguy cơ mà nước Mỹ phải đối mặt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Hợp tác xây dựng không gian mạng an toàn

Sự lớn mạnh về trình độ chuyên môn và sự gia tăng về mức độ liều lĩnh của lực lượng tin tặc đã được các bên tham gia trong những cuộc xung đột sử dụng và khai thác triệt để nhằm mục tiêu phương hại đến mức cao nhất tới đối phương. Vì thế, ông José Carlos Mahía nhấn mạnh, nghị viện các nước cần thảo luận kỹ về chiến tranh mạng, cân nhắc việc có thể hoặc nên thực hiện cách sử dụng quyền lập pháp và giám sát để đảm bảo các chính phủ tôn trọng cam kết và nghĩa vụ hoặc tạo áp lực để khuyến khích họ đóng góp vào các hành động cụ thể nhằm chống lại chiến tranh mạng.
Các nghị sĩ bàn về chiến tranh mạng.
Các nghị sĩ bàn về chiến tranh mạng.
Xuất phát từ thực tiễn, một số đại biểu cho rằng, cần thiết phải có sự kết nối giữa chính phủ, người dân các nước trên toàn thế giới để đối phó với các cuộc tấn công mạng. Ông Wang Xiao chu - đoàn Đại biểu quốc hội Trung Quốc nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế cần phải hợp tác để xây dựng một không gian mạng an toàn, ổn định và thịnh vượng, công bằng phục vụ cho tất cả các nước và vì hòa bình toàn thế giới. Trong khi đó, ông Ng Wei Aik - Nghị sỹ Quốc hội Malaysia cũng nhấn mạnh, cần có những tiêu chuẩn trong luật pháp quốc tế cho sự hợp tác để đấu tranh với những tội phạm công nghệ cao giữa các nước.

Thành lập nhóm ứng cứu an ninh mạng
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Vũ Xuân Hồng - đại diện của Việt Nam khuyến nghị tổ chức Liên Hợp quốc cần khẩn trương xây dựng Công ước quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng. Theo đó, Liên minh Nghị viện Thế giới cũng cần đưa ra tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia cam kết không tiến công lẫn nhau trên không gian mạng dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngoài ra, ông Vũ Xuân Hồng nhận định, một trong những vấn đề quan trọng khác là các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác, trao đổi, đào tạo nhân lực. Đại diện Việt Nam đề xuất các quốc gia có thể phối hợp thành lập nhóm chuyên gia ứng cứu an ninh mạng khi sự cố xảy ra.
Dự kiến, dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới” sẽ được thông qua Đại hội đồng IPU-132, góp phần cung cấp khả năng đóng góp của nghị viện trong định nghĩa và khái niệm khung của chiến tranh mạng, đặc biệt là thông qua các biện pháp cụ thể có thể được thực hiện trong tương lai gần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần