Iran phá giới hạn hạt nhân đầu tiên, quốc tế đồng loạt phản ứng

Hương Thảo (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh tra quốc tế và chính quyền Tehran hôm 1/7 đồng thời cho biết, Iran đã phá vỡ giới hạn về làm giàu thấp kho dự trữ uranium - đề ra bởi thỏa thuận hạt nhân 2015 với các cường quốc thế giới, đánh dấu động thái "đổ vỡ" đầu tiên sau một năm Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp định.

Ảnh chụp một cơ sở hạt nhân của Iran hồi tháng 1/2011.  
Thông báo ban đầu được đưa ra bởi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và sau đó được xác nhận bởi cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc, làm gia tăng áp lực mới đối với các quốc gia châu Âu đang cố gắng cứu thỏa thuận, giữa bối cảnh chiến dịch "gây áp lực tối đa" của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm vào Tehran.
Iran cũng cảnh báo chi tiết rằng sẽ tăng cường làm giàu uranium gần hơn với cấp độ vũ khí vào ngày 7/7 tới nếu châu Âu không đưa ra được một thỏa thuận mới.
Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini nói rằng, khối này kêu gọi quốc gia Hồi giáo Iran đảo ngược quyết định mới và kiềm chế các biện pháp tiếp theo có thể làm suy yếu thêm thỏa thuận hạt nhân.
Phát ngôn viên Maja Kocijancic nhấn mạnh rằng Châu Âu hoàn toàn cam kết duy trì thỏa thuận, miễn là Iran tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết hạt nhân của mình.
Tuyên bố từ Tehran cũng làm gia tăng căng thẳng trên khắp Trung Đông trong bối cảnh Iran gần đây đã bắn hạ một máy bay không người lái do thám của quân đội Mỹ, sau các cuộc tấn công bí ẩn vào nhiều tàu chở dầu mà Mỹ và Israel cáo buộc rằng Tehran phải chịu trách nhiệm.
Từ Nhà Trắng, ông Trump cảnh báo Iran "đang chơi với lửa", trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu Iran đình chỉ mọi hoạt động làm giàu, ngay cả ở mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân.
Trả lời báo giới ở Tehran, Ngoại trưởng Iran thừa nhận nước này đã vượt qua giới hạn do hiệp định đặt ra, nhưng là điều đã được cảnh báo trước đó.
"Trước đây, chúng tôi đã nói rõ ràng về những gì chúng tôi sẽ làm", ông Zarif nói, "chúng tôi coi đó là quyền của mình đã được bảo lưu trong thỏa thuận hạt nhân".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng thể hiện quan điểm tương tự - khi lưu ý động thái "không gây ngạc nhiên" của Tehran là hệ quả của áp lực trừng phạt mà Mỹ đã gây ra nhưng không lường trước được - dù thể hiện sự lấy làm tiếc khi giới hạn bị phá vỡ.
Theo các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, Iran đã đồng ý duy trì ít hơn 300kg uranium, hoạt động làm giàu không vượt quá 3,67%. Trước thời điểm thảo thuận 2015, Iran đã từng làm giàu uranium tới 20% - một bước kỹ thuật ngắn để đạt đến cấp độ vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia từng tin rằng ở bất cứ nơi nào của Iran cũng chỉ cần từ vài tuần đến 3 tháng để có đủ nguyên liệu cho một quả bom nguyên tử.