Iraq cảnh báo quân đội phương Tây có mặt tại Vịnh Ba Tư khiến căng thẳng leo thang

Nguyễn Phương (Theo Presstv)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Iraq khẳng định việc các lực lượng quân sự quốc tế được triển khai tới Vịnh Ba Tư sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Ngoại trưởng Iraq Mohamed Ali al-Hakim hôm 12/8 cho biết, Iraq phản đối bất kỳ sự tham gia nào của Israel trong Liên minh hải quân tuần tra hàng hải tại Eo biển Hormuz do Mỹ kêu gọi thành lập.
Theo Ngoại trưởng al-Hakim, việc đảm bảo an ninh cho các con tàu là trách nhiệm của các quốc gia trong vùng Vịnh.
 Iraq phản đối bất kỳ sự tham gia nào của Israel trong Liên minh hải quân tuần tra hàng hải tại Eo biển Hormuz.
“Iraq đang nố lực nhằm giảm căng thẳng trong khu vực thông qua các các cuộc đàm phán hòa bình” - Bộ trưởng al-Hakim cho hay và   cảnh báo rằng sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài, bao gồm các nước phương Tây, tại Vịnh Ba Tư sẽ càng khiến tình hình thêm căng thẳng.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Iraq được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đưa ra cảnh báo rằng bất kỳ sự hiện diện nào của Israel ở Vịnh Ba Tư đều có thể dẫn đến một cuộc chiến trong khu vực.
"Mỹ và Vương quốc Anh sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự hiện diện bất hợp pháp của lực lượng quân đội Israel tại vùng biển Vịnh Ba Tư", Tư lệnh Hải quân IRGC, Chuẩn đô đốc Alireza Tangsiri phát biểu trên kênh truyền hình Lebanon Al Mayadeen hôm 11/8.
Vị Tư lệnh hải quân IRGC cảnh báo rằng nất kỳ sự hiện diện của chính quyền Israel trong vùng biển Vịnh Ba Tư đều là bất hợp pháp, vì hành động này có thể dẫn đến cuộc xung đột quân sự và đối đầu trong khu vực.
Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang trong những tháng gần đây. Washington cáo buộc Tehran đứng đằng sau các cuộc tấn công tàu dầu ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hồi giữa tháng 5 và ở vịnh Oman hồi đầu tháng 6.
Iran đã phủ nhận cáo buộc, yêu cầu Mỹ ngừng các hoạt động “hiếu chiến” và hoạt động bí mật tiến hành bởi các chính phủ, tổ chức nhằm vu oan cho một bên khác.
Mỹ đã đề xuất thành lập một Liên minh hàng hải quốc tế và mời một số nước châu Âu như Đức, Pháp và Anh cùng với một số quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Trong khi một số quốc gia bày tỏ sự không sẵn sàng tham gia sáng kiến này thì Anh đã nhất trí gia nhập liên minh này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần