Israel: Trách mình trước, hận người sau

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện chưa biết sẽ kéo dài bao nhiêu lâu nhưng một thời kỳ chính trị mới đã bắt đầu ở Israel khi Chính phủ liên hiệp mới được Quốc hội thông qua và chính thức nhậm chức.

Thời mới bởi Chính phủ liên hiệp mới này chấm dứt thời kỳ cầm quyền 12 năm liên tục của thủ lĩnh đảng Likud Benjamin Netanyahu và bởi lần đầu tiên trong lịch sử 74 năm nay của Israel mới thấy có được Chính phủ liên minh của các đảng phái thuộc đủ mọi màu sắc chính trị, đặc biệt có sự tham gia lần đầu tiên của đảng phái chính trị của người Ả rập ở Israel (đảng Ra'am).
Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett. Ảnh: Bloomberg
Chính phủ liên hiệp càng có nhiều đảng phái chính trị tham gia thì càng dễ sớm bị đổ vỡ bởi việc tạo dựng và duy trì sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động càng thêm khó khăn giữa các bên tham gia Chính phủ liên hiệp.
8 đảng trong Chính phủ liên hiệp mới ở Israel thỏa hiệp được với nhau nhờ hai mục tiêu và lợi ích chung là không để cho ông Netanyahu tiếp tục cầm quyền và không để cho chẳng bao lâu nữa lại có cuộc tổng tuyển cử mới ở đất nước này. Vì thế, ông Netanyahu và phe cánh chống phá Chính phủ liên hiệp mới càng quyết liệt thì tám đảng kia càng có nhu cầu và quyết tâm duy trì chính phủ liên hiệp của họ.
Ông Netanyahu và phe cánh mưu tính rằng Chính phủ mới lại đổ vỡ thì sẽ có tổng tuyển cử mới và họ có cơ hội trở lại cầm quyền nhưng cũng chính vì mưu tính này của họ mà 8 đảng kia sẽ càng quyết tâm duy trì Chính phủ liên hiệp của họ. Ông Netanyahu hiện lại còn bị tòa án xử lý cáo buộc về tham nhũng và lạm dụng chức quyền, không còn là Thủ tướng nữa sẽ bị mất quyền miễn trừ trước tòa và vì thế bị thêm bất lợi.
Không thể phủ nhận một điều là ông Netanyahu trong suốt những năm cầm quyền đã làm được rất nhiều việc ở Israel và cho Israel. Nhưng cũng không thể không khách quan để nhận thấy người này đã làm cho chính trường và nội bộ xã hội Israel bị phân hóa rất sâu sắc. Duy trì quyền lực là mục tiêu được người này kiên định theo đuổi bằng mọi giá mà đồng minh hay đối tác chỉ là công cụ và liên minh với đảng này hay chống phá đảng kia chỉ là phương cách nhất thời
Đây là nguyên do chính khiến cho những chính phủ liên hiệp mà ông Netanyahu thành lập được trong nhiều năm gần đây luôn đoản thọ và đồng minh hay đối tác của ông Netanyahu cứ dần chuyển thành đối thủ hay kẻ thù chính trị, đảng Likud của ông Netanyahu tuy vẫn là đảng phái chính trị lớn nhất trong Quốc hội nhưng tỷ lệ phiếu bầu giành về được chỉ giảm đi liên tục chứ không tăng thêm.
Sai lầm mang tính định mệnh đối với sự nghiệp chính trị của người này là làm cho đảng phái chính trị của chính mình bị sa sút uy tín trong khi đẩy những đảng phái chính trị khác vào tình thế phải tự thoát ra khỏi cái bóng của chính họ để liên thủ với nhau vì mục đích hạ bệ quyền lực của ông Netanyahu. Vì thế mới có tình trạng chưa từng thấy trong lịch sử đất nước Israel là cánh tả đồng ý liên minh với phe cánh hữu dân tộc chủ nghĩa, đảng phái chính trị của người do thái liên hiệp với đảng phái chính trị của người Ả rập ở Israel hay lực lược chủ trương tôn giáo hoá quyền lực nhà nước liên thủ với phái theo đuổi quan điểm tách biệt tôn giáo với nhà nước. Ông Netanyahu đã đóng vai trò quyết định trong việc để sa vào tình cảnh hiện tại.
Chính phủ liên hiệp mới ở Israel hỗn tạp về màu sắc chính trị như thế nên sẽ pha trộn chính sách mới và chính sách của ông Netanyahu cả về đối nội lẫn đối ngoại, sẽ ôn hoà hơn và không vội vàng trong mọi quyết sách cầm quyền, đương nhiên sẽ dành ưu tiên hàng đầu cho đối nội. Cụ thể là khắc phục sự phân hoá về chính trị xã hội, ưu tiên cho thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, chỉ làm găng với Hamas khi lại bị Hamas tấn công quân sự, kiềm chế trong chủ trương xây dựng các khu định cư cho người do thái trên lãnh thổ của người Palestin, không thôn tính thêm lãnh thổ của người Palestin, tiếp tục làm găng với Iran, cải thiện hình ảnh của Israel trong thế giới Ả rập, vừa tranh thủ Mỹ vừa thúc ép Mỹ không thoả hiệp với Iran trên đầu Israel.
Qua đó, có thể thấy sự thay đổi chính phủ vừa rồi ở Israel sẽ làm thay đổi cục diện tình hình chính trị an ninh và quan hệ giữa các bên liên quan đến Israel. Với chính phủ mới này ở Israel chưa thể có được triển vọng sáng sủa hơn cho việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột giữa Israel và Palestin. Nếu không có chiến lược hay sách lược mới mà chỉ chờ chính phủ liên hiệp này lục đục nội bộ rồi tự tan rã thì ông Netanyahu không thể có được cơ hội mới để trở lại cầm quyền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần