Ít lo lắng thị trường bất động sản bị… phanh gấp

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin được ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra tại cuộc giao ban báo chí thường kỳ quý II/2018, tổ chức ngày 27/7.

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, thị trường bất động sản 6 tháng qua vẫn khả quan.
Để khẳng định, ông Nguyễn Trọng Ninh viện dẫn nhiều số liệu bán - mua bất động sản khá khả quan trong 6 tháng vừa qua. Cụ thể, tại Hà Nội có khoảng 8.650 giao dịch thành công (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017); tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 9.550 giao dịch thành công (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017). Thậm chí trái ngược với lo lắng giá sụt giảm, giá căn hộ chung cư hai đầu Nam Bắc có xu hướng tăng nhẹ (khoảng 0,08%) so với quý I/2018 và giảm (khoảng 0,39%) so với cùng kỳ năm 2017. Nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 1,84% so với quý I/2018 và tăng khoảng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017.
Về tình trạng sốt cục bộ đất nền, giá tăng cao bất bình thường ở một số khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh, huyện Long Thành (Đồng Nai) và đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)… ông Ninh chỉ rõ nguyên nhân chính nằm ở tình trạng các nhà đầu tư ôm đất hòng kiếm lời về sau. Một số đối tượng lợi dụng chủ trương thành lập các đặc khu, chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư lớn về giao thông (như sân bay Long Thành, các tuyến Metro của TP Hồ Chí Minh, đường cao tốc...) để tung tin gây thất thiệt, thổi giá, đầu cơ. Trong khi đó, các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác truyền thông, công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ các dự án đầu tư lớn; kiểm soát chuyển nhượng đất nền chưa chặt chẽ.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện một số giải pháp quyết liệt, tình hình đã ổn định và bước đầu được kiểm soát. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, tình hình thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đã ổn định trở lại. Song, cơn sốt đất đi qua và hiện tại, vẫn có nhiều nhà đầu tư ôm đất nền sống dở chết dở vì chưa bán được hàng”, vị này chỉ ra thực tế.
Khi được hỏi về mối lo chu kỳ khủng hoảng 10 năm, bất động sản dễ rơi vào tình trạng vỡ “bong bóng”, theo ông Nguyễn Trọng Ninh, nguy cơ này khó xảy ra, không phải chỉ vì bây giờ “chưa nhìn thấy dấu hiệu”, mà vì hiện tại, nền kinh tế đang được điều hành rất tốt thông qua các đợt điều chỉnh ngân hàng, thị trường chứng khoán.
“Thực tế, sau một giai đoạn tăng trưởng cao, thị trường có dấu hiệu chững lại cũng là tất yếu. Cảnh giác trước những biến động bất thường của bất động sản, song chưa đến mức quá bi quan. Bộ Xây dựng đã nắm bắt tình hình, chủ động đưa ra các dự báo ngắn hạn 2018 - 2021, dài hạn đến 2025 và có những dự báo cụ thể giúp Chính phủ quản lý thị trường, tránh những cú sốc đột biến cho thị trường địa ốc”, ông Ninh khẳng định.