Italia rơi vào “vòng xoáy” bất ổn chính trị mới

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Italia Giuseppe Conte thông báo từ chức hôm 20/8, đồng thời chỉ trích dữ dội ông Matteo Salvini - Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ Italia.

Thủ tướng Giuseppe Conte bất ngờ từ chức
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte ngày 20/8 đã quyết định từ chức, ngăn chặn cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do nhà lãnh đảng đảng cực hữu Liên đoàn (Lega) Matteo Salvini đề xuất.
Thông báo từ chức được Thủ tướng Conte đưa ra trong bối cảnh Italia đang đối phó với các bất ổn chính trị, kinh tế suy yếu và có thể khiến Rome phải tổ chức các cuộc bầu cử sớm.
 Thủ tướng Italia Giuseppe Conte phát biểu tại Thượng viện hôm 20/8.
Trong bài phát biểu kéo dài 1 giờ tại Thượng viện Italia ngày 20/8, ông Conte đã dữ dội chỉ trích Phó Thủ tướng Salvini -  người được cho là đang ganh đua vào vị trí Thủ tướng của ông Conte.
Trong một động thái gây sốc, hôm 8/8 vừa qua, ông Salvini tuyên bố dừng liên minh với đảng Phong trào 5 sao, đồng nghĩa với việc liên minh chính phủ không còn chiếm đa số trong Quốc hội. Ông Salvini cũng kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới để lập Chính phủ.
Thủ tướng Conte cho rằng việc ông Salvini thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu mới chỉ 18 tháng sau khi cuộc bầu cử gần đây nhất được tổ chức là “vô trách nhiệm”, đồng thời cáo buộc ông Salvini đặt đất nước vào rủi ro để thúc đẩy lợi ích cá nhân của mình. "Ông Salvini cho thấy ông này đang theo đuổi những lợi ích cá nhân riêng và lợi ích của đảng của ông này. Quyết định của ông ấy đã gây ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với đất nước”, Thủ tướng Conte phát biểu trước Thượng viện.
Ông Conte cũng chỉ trích ông Salvini - người ngồi cạnh ông trong suốt bài phát biểu – là người thiếu năng lực quản lý chính trị, nói rằng quyết định của ông Salvini có thể đưa đến sự không chắc chắn về thể chế và tài chính.
Ông Conte cũng dự nốt cuộc tranh luận tại Thượng viện trước khi đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella. 
Ông Conte, một chuyên gia về luật được bầu chọn bởi cả hai đảng thuộc liên minh chính phủ, nói thêm rằng cuộc khủng hoảng chính trị có thể dẫn đến sự kết thúc của chính phủ đương nhiệm.
 
Italia đối mặt với lựa chọn khó khăn
Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), được điều hành bởi liên minh hai đảng kể từ cuộc bầu cử vào tháng 3/2018. Liên minh này đối mặt với nhiều khó khăn kể từ khi lên điều hành đất nước. Những căng thẳng nảy sinh sau các quyết định bổ nhiệm của chính phủ, do mối quan hệ của Italia với Liên minh châu Âu (EU) và gần đây hơn là vấn đề xung quanh một dự án đường sắt cao tốc. 
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Italia vốn đang phải vật lộn với các bất ổn chính trị. Chính phủ Italia, không giống các nước khác trong khu vực Eurozone, phải xây dựng kế hoạch chi tiêu cho năm mới vào giữa tháng 10. Khả năng diễn ra bầu cử sớm khiến các nhà đầu tư phải chờ đợi xem chính phủ nước này sẽ đưa ra các mục tiêu kinh tế nào trước EU. 
Italia hiện là một trong những quốc gia có nợ công cao nhất thế giới với tỷ lệ nợ công trên GDP hơn 130%. Vì vậy, bất kỳ động thái tăng chi tiêu nào cũng có thể khiến tình hình nợ công của nước này thêm trầm trọng. Đây cũng chính là vấn đề khiến mối quan hệ giữa BrusselsRome trở nên căng thẳng. 
 Tổng thống Italia Matterella ngày 21/8 đã bắt đầu quá trình đàm phán với các đảng nhằm tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Trong bài phát biểu trước Nghị viện, ông Conte nói rằng hành động của ông Salvini đồng nghĩa rằng kế hoạch ngân sách có thể sẽ không được thông qua đúng hạn. Ông Conte nói rằng đất nước có nguy cơ rơi vào bất ổn tài chính, đồng thời đề cập tới khả năng sẽ phải tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). 
Sau khi ông Conte từ chức, Tổng thống Italia Matterella ngày 21/8 đã bắt đầu quá trình đàm phán với các đảng nhằm tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Việc đàm phán này có thể đưa đến việc thành lập Chính phủ thứ 67 của Italia kể từ sau Chiến tranh thế giới II hoặc đưa tới bầu cử sớm.
Các nhà phân tích nhận định rằng bất kỳ chính phủ nào do ông Salvini lãnh đạo cũng có thể làm xáo trộn thêm mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Italia với EU. “Một chính phủ do đảng Liên đoàn lãnh đạo sẽ có một lập trường chống EU mạnh mẽ hơn và có quan điểm đối lập với Brussels trên tất cả mọi lĩnh vực” - ông  Wolfango Piccoli,, đồng chủ tịch của công ty phân tích Teneo có trụ sở tại London, nói với hãng tin AP./.