Italia “thắng trận đầu” cuộc chiến chống Covid-19 và bài học “đắt giá”

Nguyễn Phương (Theo Time)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chúng tôi bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm", Lorenzo Casani - Giám đốc một phòng khám dành cho người cao tuổi ở vùng Lombard, miền bắc Italia chia sẻ khi tỷ lệ lây nhiễm bệnh Covid-19 ở nước này bắt đầu giảm.

Với gần 120.000 ca mắc virus SARS-CoV-2, Italia hiện là nước có nhiều người nhiễm Covid-19 thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Italia cũng có số người tử vong vì nhiễm bệnh Covid-19 nhiều nhất toàn cầu với hơn 14.000 trường hợp tính đến ngày 3/4. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, Italia đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 9/3.
Lệnh phong tỏa phát huy hiệu quả
Báo cáo từ Cục Bảo vệ Dân sự Italia cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong những ngày gần đây đã có xu hướng tăng chậm lại so với mức tăng kỷ lục trong ngày 8/3, tín hiệu cho thấy nhiều khả năng Italia đã qua đỉnh dịch Covid-19. Đây là một tín hiệu đầy lạc quan đối với những quốc gia phương Tây đang đi theo quỹ đạo của Italia trong chống dịch Covid-19.
Italia đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 9/3.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia, số ca nhiễm virus SARS-CoV- 2 tại nước này trong ngày 1/4 tăng 4,5% so với 1 ngày trước đó, thấp hơn nhiều mức tăng tới 12,6% được báo cáo từ ngày 16-17/3.
Các chuyên gia y tế công cộng dự đoán rằng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italia sẽ giảm dần vào đầu tháng này nhờ việc thực thi lệnh phong tỏa bắt đầu phát huy hiệu quả.
“Chúng tôi đang có một chút hy vọng, chúng tôi bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm, nhưng cuộc chiến chống dịch bệnh còn rất dài” - ông Lorenzo Casani - Giám đốc y tế của một phòng khám dành cho người cao tuổi ở vùng Bologna, khu vực miền bắc Italia chia sẻ khi tỷ lệ lây nhiễm bệnh Covid-19 ở nước này bắt đầu giảm. 
Chính phủ Italia đang có kế hoạch kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 13/4. “Chúng tôi chưa thể lên kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa trong tình trạng hiện tại”, Thủ tướng Giuseppe Conte phát biểu trên truyền hình hôm 1/4.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng dù số ca nhiễm Covid-19 mới đã giảm trong những ngày gần đây, nước này không nên nới lỏng lệnh phong tỏa khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. “Ý tưởng cho phép các mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế trong những tuần tới sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh” - chuyên gia Nino Cartabellotta - Chủ tịch của GIMBE Foundation, tổ chức đào tạo và nghiên cứu chăm sóc sức khỏe của Italia nhận xét.
Bài học “đắt giá” trong cuộc chiến chống Covid-19
Giới chuyên gia cho rằng các quốc gia trên thế giới cần tránh đi vào vết xe đổ của Italia, rút bài học từ thảm kịch tồi tệ của nước này và phải quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ngay từ khi bắt đầu.
"Trước khi các biện pháp phong tỏa phát huy hiệu quả, chúng tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian và có quá nhiều người đã chết", Cristina Capellini, bác sĩ ở gần Bergamo, vùng Lombardy - biểu tượng của nỗi đau do Covid-19 gây ra ở Italia, chia sẻ. 
Italia ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên từ ngày 20/2, song nước này đã không sớm triển khai ngay các biện pháp chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, khiến dịch bệnh bùng phát với tốc độ chóng mặt trong tháng 3 vừa qua.
“Bài học của Italia cho thấy các quốc gia khác nên nhận thức đúng về thảm kịch này bằng cách thay đổi cách tiếp cận với vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chúng ta cần đánh giá đúng tầm quan trọng của nó”- chuyên gia Cartabellotta cho hay.
Italia là quốc gia phương Tây đầu tiên phải ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi đối mặt "bão Covid-19". Nhiều nước khác trên thế giới đã làm theo các biện pháp này, yêu cầu người dân ở nhà và DN đóng cửa, trừ những hoạt động kinh doanh thiết yếu như nhu yếu phẩm, thuốc men.
Theo chuyên gia Cartabellotta, việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc giúp hạn chế tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2, giúp hệ thống y tế có thời gian đối phó chống dịch Covid-19 và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh.
Giới chuyên gia cho rằng các quốc gia trên thế giới rút bài học từ thảm kịch tồi tệ của Italia và phải quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ngay từ khi bắt đầu.
Nhà nghiên cứu Flavia Riccardo của khoa bệnh Truyền nhiễm tại Viện Sức khỏe quốc gia Italia cho biết, mặc dù phản ứng của nước này đối với dịch bệnh Covid-19 khá muộn, song bù lại Italia đã thiết lập cơ chế chặt chẽ từ khâu xét nghiệm những trường hợp nghi nhiễm bệnh, điều tra những người có tiếp xúc với các ca dương tính với SARS-CoV-2 cũng như việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh.
Mặc dù tỷ lệ xét nghiệm những trường hợp nghi mắc SARS-CoV- 2 ở các khu vực có khác nhau, nhưng xét tổng thể, tỷ lệ xét nghiệm bệnh Covid-19 của Italia đạt mức cao nhất trong số các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.
Bác sĩ Casani cho biết, ông cùng với các bác sĩ khác đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong giai đoạn mới khởi phát bệnh. “Giai đoạn đầu tiên của bệnh Covid-19, với các triệu chứng giống bệnh cúm, là thời điểm quan trọng để can thiệp y tế ngay, nếu không bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển nặng hơn và cần chế độ chăm sóc đặc biệt” ông Casani cho hay.