[Kè hồ Hoàn Kiếm, sản phẩm Việt, trí tuệ Việt] Bài 1: Chuyến bay muộn để về với hồ Hoàn Kiếm

Phạm Quốc Toàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8/2020, tâm dịch bắt đầu từ các cơ sở y tế của TP Đà Nẵng, lây lan đến Quảng Nam và Hải Dương. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả nước gồng mình, dồn lực lượng đến tâm dịch, cùng với đó là triển khai các hành động quyết liệt và đồng bộ các biện pháp khống chế - kiểm soát virus SASRS - CoV-2. Một lần nữa, Việt Nam khẳng định sức mạnh, tinh thần đoàn kết dân tộc, trên dưới đồng lòng đồng sức chiến thắng dịch bệnh, giống như trước đây Việt Nam đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược!

LTS: Năm 2007, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010), Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương của TP Hà Nội đầu tư xây dựng, tôn tạo, nâng cấp khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, trong đó có dự án làm mới bờ kè Hồ Gươm. Tuy nhiên đến năm 2019, công trình xây dựng bờ kè Hồ Gươm mới thực sự khởi động. Và BUSADCO - một doanh nghiệp khoa học công nghệ (DN KHCN) từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trúng thầu, thi công dự án bằng chính công nghệ BUSADCO, sản phẩm đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN - Giải cá nhân : Cụm công trình xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Phạm Quốc Toàn về quá trình ấp ủ - thi công dự án của BUSADCO và Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo.
 Thi công kè bờ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng 

Đau đáu với một công trình lớn

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mưa tầm tã, đường phố biến thành sông; rất ít khi cả hai đô thị lớn cùng lúc mưa to như thế. Hoàng Đức Thảo là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty CP KHCN Việt Nam, trước đây là Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (BUSADCO). Ông là thành viên sáng lập, Chủ tịch Hiệp hội DN KHCN Việt Nam - Đại hội lần thứ Nhất, hiệp hội chính thức ra đời, hoạt động từ năm 2019. Ông là Ủy viên T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên Hội đồng Kinh tế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thời tiết, mưa bão thất thường, dịch bệnh và công việc càng làm cho Hoàng Đức Thảo như ngồi trên đống lửa. Không lẽ trời đất - tâm linh lại không ủng hộ ta? Và không gì là không thể …

Trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án xây kè hồ Hoàn Kiếm, thi thoảng có việc gấp, Hoàng Đức Thảo lại bay về tổng hành dinh tại TP biển Vũng Tàu xử lý công việc. Chiều nọ, trong cơn mưa tầm tã, rời cuộc họp bên biển Vũng Tàu, Hoàng Đức Thảo phóng xe lên TP Hồ Chí Minh rồi bay thẳng ra Hà Nội trên chuyến bay muộn trong ngày của VietNam Airlines. Trên máy bay, thắt chặt dây an toàn, khẩu trang che kín mũi miệng phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2, Hoàng Đức Thảo tranh thủ ngồi thiền, giúp cho tâm bình an. Thiền đã là thói quen, nếp sống thường ngày của doanh nhân, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo. Thiền làm cho ta chẳng vướng bận bụi trần, không tơ vương cõi tạm, nhịp thở đều, tâm bình an, tốt cho sức khỏe.

Máy bay giảm dần độ cao và hạ cánh sân bay Quốc tế Nội Bài, 21 giờ 35 phút. Trăng thượng tuần hình lưỡi liềm le lói trong các đám mây lơ lửng sau cơn mưa chiều muộn. Gió nhẹ, trời dịu mát, không còn nóng hầm hập như ban ngày. Doanh nhân Hoàng Đức Thảo ngồi thiền được 70 phút, thư thái - nhẹ nhõm, vậy là tốt lắm rồi. Từ Nội Bài, Hoàng Đức Thảo đi thẳng về hồ Hoàn Kiếm, nơi đó dù không ồn ào, không trống dong cờ mở nhưng đang là một công trường lớn, lực lượng thi công của BUSADCO đang khẩn trương hoàn thành phần công việc cuối cùng, chuẩn bị hợp long toàn tuyến kè hồ Hoàn Kiếm dự kiến vào ngày 20/8/2020, sau 65 ngày đêm lao động không ngưng nghỉ. Khoảng 150 cán bộ, công nhân - có ngày phải huy động hơn 300 lao động, chia làm ba ca làm việc thâu đêm.
Phó Tổng Giám đốc Đỗ Anh Tuấn của BUSADCO giỏi kỹ thuật, uy tín làm chỉ huy trưởng công trường. Đội ngũ cán bộ chủ chốt, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, thợ lành nghề lĩnh vực xây dựng, dày dạn kinh nghiệm của BUSADCO được tổng động viên từ phía Nam về Thủ đô Hà Nội, đúng đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ miền Trung. Tại công trường, thực hiện mục tiêu kép (vừa phòng chống dịch, vừa gấp rút thi công kè hồ), phấn đấu hoàn thành công trình với chất lượng cao nhất, mỹ thuật hoàn hảo, trước ngày lễ Quốc khánh trọng đại 2/9/2020. Đây là một trong những công trình trọng điểm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; kỷ niệm 66 năm ngày Giải phóng thủ đô; chào mừng Đại hội Đảng bộ Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tổng chỉ huy công trình Hoàng Đức Thảo kiểm tra chất lượng từng mét bờ kè. Ảnh: BUSADCO cung cấp
Yêu cầu nghiêm ngặt, không gì là không thể

Công trình đặc biệt, thi công trong hoàn cảnh đặc biệt, ý nghĩa chính trị - văn hóa đặc biệt, với mục tiêu cũng đặc biệt, làm mới tuyến kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm, đạt chất lượng kỹ, mỹ thuật cao nhất, tạo sự đồng bộ hài hòa với cảnh quan chung khu vực hồ Hoàn Kiếm. Với quy mô của dự án, kè chung quanh hồ Hoàn Kiếm có chiều dài gần 1.500 mét, cao trình kè thay đổi từ +8 mét đến +8,57 mét, cao độ đáy hồ trung bình +5,6 mét. Đây là công trình nhóm A cấp quốc gia đặc biệt, tuân thủ Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Di sản.

Dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư năm 2007 - nằm trong hạng mục công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2010. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật kè hồ của nhiều công ty, tập đoàn đã được đề xuất nhưng chưa có giải pháp nào phù hợp với tiêu chí và yêu cầu thi công. Đó là không dùng tường vây, đê bao, không làm thay đổi mực nước hồ; không làm đường công vụ - các phương tiện thi công di chuyển trên đường đi bộ hiện trạng; bảo đảm giữ nguyên trạng nền tự nhiên đáy hồ; giữ nguyên hiện trạng cây xanh di sản xung quanh bờ hồ; không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè chung quanh hồ; hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi, không xả thải trong quá trình thi công.
Quá trình thi công không làm ảnh hưởng đến các công trình di tích, văn hóa lịch sử; không ảnh hưởng đến giao thông đô thị, đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần thường ngày của người dân; phối kết hợp xử lý kịp thời tại hiện trường các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan. Sử dụng các vật liệu tháo dỡ hiện trạng hoàn trả lại trong “bụng” và sau kè... Quả là những yêu cầu đặt ra khá nghiêm ngặt khi dự thầu, nhất quyết phải tuân thủ. Và lãnh đạo BUSADCO rất tự tin ở chính mình đã vượt qua mọi chướng ngại, ngoạn mục thắng thầu.

Giữa tháng 6/2020, những người thợ tinh nhuệ của BUSADCO xuất binh về hồ Hoàn Kiếm, quyết tâm hoàn thành công trình tốt nhất, với thời gian nhanh nhất, có thể.

(Còn tiếp)