Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của EVN giai đoạn 2016 - 2020

Tuấn Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 219/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2016 - 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ảnh minh họa
Theo đó, nhiệm vụ chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đầu tư phát triển các dự án, công trình nguồn điện và lưới điện được giao trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các địa phương, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư. Nghiên cứu đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình điện.
Bên cạnh đó, vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh cung ứng điện và hiệu quả kinh tế vận hành hệ thống điện.

Đồng thời, thực hiện kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu các đơn vị thành viên của Tập đoàn theo Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đi đôi với phát triển thị trường điện bán buôn điện cạnh tranh; thực hiện đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo góp phần đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện theo Chương trình mục tiêu cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo...

Trong đó, Tập đoàn có trách nhiệm đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 10,08%/năm. Tập đoàn chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao hơn.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành 21 tổ máy thuộc 12 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.100 MW, trong đó có các dự án trọng điểm như sau: Dự án nhà máy thủy điện Lai Châu (đã đưa vào vận hành năm 2016); các dự án nhà máy nhiệt điện: Duyên Hải III, Duyên Hải III mở rộng, Vĩnh Tân IV, Vĩnh Tân IV mở rộng và Thái Bình I.

Khởi công xây dựng 8 công trình nguồn điện với tổng công suất 5.540 MW, cụ thể: Các công trình nhà máy thủy điện: Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng, Trị An mở rộng; nhiệt điện Vĩnh Tân IV mở rộng (đã khởi công năm 2016); nhiệt điện Ô Môn III; nhiệt điện Ô Môn IV; nhiệt điện Quảng Trạch I; nhiệt điện Quảng Trạch II; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án nhà máy nhiệt điện Tân Phước I để có thể sớm khởi công trong giai đoạn đến 2020; khởi công xây dựng các dự án nhà máy điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch.

Đưa vào vận hành khoảng 300 công trình lưới điện truyền tải 500kV. Về kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện, đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành khoảng 300 công trình lưới điện truyền tải 500kV, 220kV với tổng chiều dài 12.200km đường dây và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 66.000MVA.

Đầu tư xây dựng các công trình lưới điện, khắc phục tình trạng quá tải, nghẽn mạch, cải thiện chất lượng điện áp và đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 hệ thống lưới điện truyền tải từ 220 kV trở lên trên toàn quốc và lưới điện 110kV tại các thành phố lớn đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 để đảm bảo cung ứng điện với độ tin cậy cao.

Nghiên cứu việc đầu tư lưới điện liên kết với các nước trong khu vực để tăng cường nhập khẩu điện từ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Campuchia và Trung Quốc, bao gồm các đường dây 500kV, 220kV đấu nối với lưới điện các nước và các trạm biến áp, trạm chuyển đổi AC-DC-AC (back to back).

Đầu tư xây dựng lưới điện 110kV, lưới điện trung, hạ áp từ cấp điện áp 35kV xuống đến 0,4 kV để đảm bảo năng lực phân phối điện, độ tin cậy và chất lượng điện năng.