Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kế hoạch thuế mới từ Mỹ: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam gặp áp lực lớn

Kinhtedothi- Mức thuế ban đầu mà Mỹ áp với Việt Nam tệ hơn so với dự báo của giới phân tích. Với mức thuế 46% mới được công bố vào ngày 9/4, sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng… làm giảm triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 của Việt Nam.

Hàng hoá đắt lên, tiêu dùng giảm, FDI tác động trong ngắn hạn

Dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho thấy, nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã đạt 136,6 tỷ USD vào năm 2024, tăng khoảng 19% so với năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 2,8% trong cùng kỳ, sau khi đã giảm khoảng 18% vào năm 2023 so với năm 2022. Điều này cho thấy Việt Nam đã dần thay thế Trung Quốc trở thành nhà cung cấp chính của nhiều tập đoàn lớn. Nhưng giờ đây, chính Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức tương tự như Trung Quốc trước đây.

Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng với Việt Nam là 46%, trong khi Thái Lan bị áp mức 36%, Ấn độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%... sẽ gây ra khó khăn rất lớn với hàng hoá Việt Nam. Các chuyên gia ước tính, nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10 - 20% so với đối thủ chính.

Ảnh  minh  hoạ

"Giả sử kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ không đổi, khoảng 119 tỷ USD mỗi năm, thì hàng hóa của chúng ta sẽ phải chịu khoảng 54,74 tỷ USD tiền thuế, tương đương hơn 10% GDP của Việt Nam. Các mặt hàng chịu thiệt hại chính gồm đồ điện, điện tử, dệt may, da giầy, nội thất..."- ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ. Đặc biệt là với mức thuế cao hơn 10 - 20% hàng hoá của Việt Nam cũng sẽ tăng cao và khó cạnh tranh với các quốc gia khác tại thị trường Mỹ, ngay cả khi các nhà sản xuất có giảm biên lợi nhuận, với mức chênh lệch cao như vậy, sự cạnh tranh về giá vẫn là vô cùng khó khăn.

Nhiều hiệp hội và doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lệnh áp thuế đối ứng với Việt Nam lên tới 46% - thuộc nhóm cao nhất trong số các nước bị áp thuế. Đây là “kịch bản tồi tệ”, bởi nhiều nhận định trước đó, mức thuế dự kiến thấp hơn. Các Hiệp hội cho biết đang bàn thảo và có những đánh giá thêm để có phương án ứng phó.

Ở góc độ tiêu dùng, tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 85% GDP của Việt Nam năm 2024, do đó xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thuế quan cao hơn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ đẩy giá cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ cũng như làm giảm nhu cầu và doanh số của sản phẩm Việt Nam.

Sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, dẫn đến giảm việc làm và thu nhập, vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam.

Ngoài ra, ở lĩnh vực đầu tư, các hạn chế thương mại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngắn hạn. Mức thuế cao khiến các doanh nghiệp FDI, đặc biệt từ Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, phải xem xét lại chiến lược đầu tư vào Việt Nam khi thị trường Mỹ trở nên khó tiếp cận.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt với các công ty đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam để xuất sang Mỹ. Thuế 46% có thể khiến các công ty này chuyển sản xuất sang các nước khác có mức thuế thấp hơn như Indonesia, Malaysia hoặc Thái Lan.

Cùng đó, thuế cao có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các ngành công nghiệp xuất khẩu như điện tử và máy móc.

Thúc đẩy đầu tư công, tăng nội lực cạnh tranh cho nền kinh tế

Các chuyên gia Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) từng đưa ra dự báo, nếu áp mức thuế đối ứng lên đến 11%, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 có thể giảm 0,7- 1,3 điểm % so với kịch bản không bị áp thuế. Trước đó, Goldman Sachs cũng dự báo GDP năm 2025 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,5 điểm % nếu hàng hoá Việt Nam bị tăng thuế đối ứng khoảng 13%. Tuy nhiên, với việc áp thuế đối ứng tới 46%, tăng trưởng GDP có thể sẽ bị ảnh hưởng cao hơn cả các mức kể trên.

Theo TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ngoài tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng, chính sách tăng thuế của Mỹ còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ trong nước sẽ biến động nhiều hơn (như nhiều quốc gia khác đang gặp). Điều này đòi hỏi quyết sách điều hành chính sách của Chính phủ cần nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn.

“Các nước sẽ còn khoảng 1 tuần nữa để đàm phán với phía Mỹ về các mức thuế đối ứng mà Mỹ xây dựng trước khi nước này thực hiện chính thức vào ngày 9/4, nhưng Việt Nam cũng cần có kịch bản cho các mức thuế khác nhau”- ông Lực chia sẻ.

Ông Lực kiến nghị Việt Nam cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, tăng cường các kênh đối ngoại đồng thời cần kiên định đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm; tận dụng tốt hơn 17 FTA đã ký kết. Các bộ, ngành liên quan cần xây dựng những nhóm giải pháp đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, nhằm hạn chế suy giảm và quan tâm tăng cường nội lực, tính tự chủ, tự cường và kết nối giữa các khối doanh nghiệp (trong nước và FDI) và giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để đảm bảo tăng khả năng thích ứng, phát triển ổn định và bền vững.

Về phía DN, cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết, trong đó hướng tới các thị trường lớn, nhiều tiềm năng (như thị trường Halal với quy mô 2,2 tỷ người), thị trường châu Phi, Nam Mỹ...

Về ứng phó sự suy giảm tăng trưởng, Việt Nam đang tiếp tục tăng đầu tư công tạo "lực đẩy" cho tăng trưởng kinh tế. Hơn 80% đầu tư công năm nay dự kiến được phân bổ cho việc cải thiện mạng lưới giao thông và hoạt động sản xuất, phân phối điện của Việt Nam. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi tổng chiều dài các tuyến đường cao tốc, tăng gấp đôi lưu lượng vận chuyển hành khách ở các sân bay và tăng công suất cảng biển thêm 50%. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi khả năng sản xuất và truyền tải điện của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. Các dự án lớn nhất được liệt kê dưới đây, bên cạnh nhiều dự án quy mô nhỏ hơn cũng đang được thực hiện.

Theo các chuyên gia kinh tế của VinaCapital, việc tăng đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP mới. Tăng đầu tư công cũng sẽ bù đắp cho yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP năm nay khi tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ chậm lại.

Các chuyên gia kinh tế của VinaCapital nhận định: việc tăng đầu tư công thêm 40% sẽ bổ sung khoảng 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam nếu Chính phủ hoàn thành được mục tiêu giải ngân trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cho rằng, ngoài các giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý; Tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu về năng lực công nghệ và hạ tầng, với nguồn lực nhân sự dồi dào hơn; Chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh tuần hoàn nhằm giảm chi phí, giảm giá thành để có thể chia sẻ một phần chi phí thuế cho doanh nghiệp bị tăng lên; Các biện pháp như hạ lãi suất cho vay, tiếp tục các chương trình giảm thuế trong nước để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân và kích thích tiêu dùng… và kiểm soát cung tiền để ổn định tỷ giá và lạm phát cần được triển khai đồng bộ.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin tức kinh tế 3/4: cà phê xuất khẩu quý I tăng mạnh

Tin tức kinh tế 3/4: cà phê xuất khẩu quý I tăng mạnh

03 Apr, 06:31 PM

Kinhtedothi – Giá vàng “hạ nhiệt” sau khi tăng kỷ lục vào buổi sáng; cà phê xuất khẩu quý I tăng mạnh; chỉ số giá tiêu dùng Hà Nội trong tháng 3/2025 tăng nhẹ 0,08%… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 3/4.

GRDP quý I/2025 Hà Nội cao nhất trong 5 năm gần đây

GRDP quý I/2025 Hà Nội cao nhất trong 5 năm gần đây

03 Apr, 11:58 AM

Kinhtedothi - Kinh tế - xã hội TP Hà Nội quý I/2025 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sức ép cạnh tranh gia tăng ở thị trường xuất khẩu cùng căng thẳng hàng rào thương mại, thuế quan để bảo hộ sản xuất.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ