Kế hoạch tổng thể đảm bảo an toàn giao thông đường bộ tại Hà Nội: Kỳ vọng nhiều đổi thay tích cực

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường bộ cho TP Hà Nội đã được các nhà nghiên cứu đến từ Hàn Quốc xây dựng chi tiết, cụ thể trong vòng 5 năm tới. Các chuyên gia kỳ vọng, 5 năm tới, bộ mặt giao thông Hà Nội sẽ có nhiều đổi mới tích cực.

Phương tiện cá nhân là nguyên nhân chính gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Thanh Hải
Báo cáo giữa kỳ Dự án kế hoạch tổng thể ATGT đường bộ TP Hà Nội (Dự án ATGT Hà Nội) mới đây, ông Kwon Young In – Đại diện Viện Nghiên cứu giao thông Hàn Quốc nhận định, sau gần 2 năm triển khai, hiện nay, Dự án ATGT Hà Nội đã hoàn thành báo cáo kỹ thuật cuối kỳ nhằm trao đổi những nội dung, quá trình tổng thể đảm bảo ATGT đường bộ cho TP Hà Nội. Qua đó, TP có thể áp dụng các chính sách hiệu quả hơn trong công tác quản lý và điều hành giao thông. 
4 năm nữa TNGT sẽ giảm 50% so với 2010

Đây là mục tiêu được các chuyên gia đưa ra khi đánh giá về tiềm năng và hiệu quả của Dự án ATGT Hà Nội. TS Chang Hwan Mo – Viện Nghiên cứu giao thông Hàn Quốc cho hay, trong quá trình xây dựng dự án, nhóm chuyên gia đã nghiên cứu, đánh giá rất kỹ về tình hình ATGT của Hà Nội, trong đó nổi bật lên hai vấn đề chính là tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (TNGT) đang còn ở mức cao. Để giải quyết được hai vấn đề này đòi hỏi phải xây dựng được những giải pháp tổng thể và chi tiết.
Những vấn đề mà các chuyên gia của Hàn Quốc đưa ra phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Nhiều nước hiện cũng đang phải tập trung giải quyết các vấn đề đảm bảo ATGT. Cơ quan chức năng nên có cơ chế khen thưởng cho những lái xe hoặc DN vận tải đạt thành tích về lái xe an toàn. 
Phó Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam Lê Minh Châu
Theo quan điểm quốc tế, phát triển giao thông công cộng bao giờ cũng là giải pháp cốt lõi để đảm bảo ATGT, từ đó ùn tắc giao thông và TNGT cũng sẽ được giải quyết. Mục tiêu được nhóm nghiên cứu đưa ra là đến năm 2022, tỷ lệ thương vong vì TNGT sẽ giảm được 20% so với năm 2016 và bằng 50% so với năm 2010.

Để thực hiện được mục tiêu đó, TS Chang Hwan Mo cho biết, về chiến lược và giải pháp, nhóm nghiên cứu đưa ra 5 giải pháp chính với mức độ ưu tiên theo trình tự lớp lang gồm: Đảm bảo cơ sở hạ tầng đường bộ an toàn; Đảm bảo môi trường ATGT đường bộ; Cải thiện hành vi người tham gia giao thông; Cải thiện hệ thống quản lý ATGT và ATGT xe máy. Đối với chiến lược thứ nhất sẽ có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể: Đảm bảo ATGT tại các nút giao thông; Cải thiện trang thiết bị ATGT đường bộ; Cải thiện môi trường giao thông an toàn cho người đi bộ... Các chiến lược còn lại cũng được nhóm nhiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể, chi tiết gắn với thời gian thực hiện phù hợp. Theo tính toán, tổng chi phí để thực hiện 5 chiến lược đảm bảo ATGT trong 5 năm tới cần gần 1.500 tỷ đồng.
 Hạn chế phương tiện cá nhân sẽ giúp giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Phạm Hùng

Đối tượng chính vẫn là xe máy

Trong các giải pháp được đưa ra, các chuyên gia Hàn Quốc đặc biệt quan tâm tới giải pháp liên quan đến mô tô, xe máy, bởi đây hiện vẫn là loại phương tiện chính được người dân Hà Nội cũng như toàn quốc sử dụng. Nhóm nghiên cứu đưa ra 3 nhiệm vụ để đảm bảo ATGT xe máy gồm: Hạn chế yếu tố con người, phương tiện và môi trường trong các vụ TNGT xe máy. Các nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp nâng cao chất lượng mũ bảo hiểm cho người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông và quản lý niên hạn, hiệu suất xe máy.

TS Chang Hwan Mo cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người tham gia giao thông ở Việt Nam đội mũ bảo hiểm chiếm khoảng 96%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mũ bảo hiểm chưa đạt chất lượng và đúng tiêu chuẩn quy định. Đó là lý do tại sao tỷ lệ người tử vong vì TNGT liên quan đến xe máy còn cao. Về giải pháp quản lý niên hạn và hiệu suất xe máy, TS Chang Hwan Mo cho rằng, cần chuẩn bị quy trình đăng ký gia hạn xe máy cũng như hệ thống kiểm định ATGT xe máy. Ngoài ra, bổ sung chế tài xử phạt đối với các xe máy không đăng ký gia hạn hoặc không kiểm định trong chu kỳ kiểm định phù hợp. Tổng chi phí đầu tư cho các chiến lược ATGT xe máy giai đoạn từ 2019 - 2023 dự kiến khoảng 37 tỷ đồng.

Ông Ngô Mạnh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, trong thời gian qua, Hà Nội đầu tư xây dựng, tổ chức triển khai các giải pháp giảm ùn tắc giao thông và TNGT đường bộ. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đưa vào khác thác một số tuyến đường sắt đô thị. Theo ông Tuấn, những nghiên cứu của các chuyên gia Hàn Quốc rất tỉ mỉ, chi tiết và có thể áp dụng trên địa bàn Hà Nội. Trong số các giải pháp được đưa ra, giải pháp về việc tổ chức ATGT ở trường học đã được Sở GTVT Hà Nội thực hiện trong thời gian qua bằng hình thức tuyên truyền trực quan. Về giải pháp hạn chế xe máy, tháng 4/2017, Hà Nội đã ra Nghị quyết về tăng cường quản lý phương tiện giao thông; đồng thời giao các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch nghiên cứu và triển khai thực hiện.
Đại diện Sở Xây dựng cho rằng, các trường học ở Hà Nội thường rất sát đường giao thông. Hơn nữa, phần lớn học sinh do phụ huynh đưa đón, trong đó nhiều người đưa bằng xe máy, không có chỗ đỗ sẽ gây mất ATGT và dẫn đến ùn tắc ở khu vực đó. Do vậy, cần có hệ thống để phân tách giữa người đi bộ và phụ huynh đưa đón con bằng xe máy, xe ô tô. Cần có bãi đỗ riêng cho phụ huynh, tùy thuộc vào khu vực giao thông ở các cổng trường như thế nào và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh.