Kè Xuân Phú sạt lở nghiêm trọng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do mực nước sông Hồng dao động lên xuống trong đợt xả nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ lấy nước gieo cấy vụ Xuân năm 2018, kè Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) bị sạt trượt nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn phòng, chống thiên tai.

Nguy cơ tác động lớn
Theo khảo sát, kè Xuân Phú thuộc tuyến đê Vân Cốc hiện xuất hiện 2 vị trí sạt trượt nghiêm trọng. Tại vị trí từ K2+550 đến K2+590, kích thước cung sạt được ghi nhận dài 40m, ăn sâu vào mái cơ kè trung bình từ 3 - 4m. Vách sạt nhiều vị trí cao tới 4m. Bên cạnh đó, còn xuất hiện nhiều vết nứt lớp cát bồi trên mặt cơ kè; vết nứt dài khoảng 190m và rộng khoảng 20cm. Các vết nứt tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt tiếp.
Trong khi đó, tại vị trí sạt lở kè Xuân Phú thứ hai tương ứng K2+050 đến K2+200, kích thước sự cố dài 150m, ăn sâu vào mái cơ kè từ 1 - 1,5m. Vách sạt cao trung bình 1m. Đây là sự cố đã xảy ra từ cuối năm 2016, nhưng chưa được xử lý. 
 Kè Xuân Phú bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Hai sự cố sạt lở này đang khiến người dân sống dọc tuyến đê Vân Cốc, đặc biệt là thuộc xã Xuân Phú hết sức lo lắng. Theo thống kê, toàn xã Xuân Phú hiện có trên 288ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó, có 8ha diện tích nằm ngoài tuyến đê Vân Cốc. Nhưng điều đáng lo ngại là 1.319 hộ dân với 6.070 nhân khẩu của địa phương này đang đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp do sự cố sạt lở kè Xuân Phú diễn biến ngày một phức tạp, khôn lường. 
Cần giải pháp cấp bách
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vụ Xuân năm 2018, trong thời gian 15 ngày, đã có tổng cộng 5,74 tỷ mét khối nước được xả từ 4 hồ chứa thủy điện. Trong quá trình xả nước hồ chứa, mực nước sông Hồng liên tục dao động lên xuống, kết hợp dòng chảy áp sát bờ hữu. Đây được nhận định là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng sạt lở kè Xuân Phú.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong năm 2017, trên địa bàn TP đã xảy ra 60 sự cố đê điều - thủy lợi, gây thiệt hại khoảng 95 tỷ đồng.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Doãn Văn Hà cho biết, kè Xuân Phú dài 700m được xây dựng từ những năm 1998 - 1999 bằng phương pháp thả bao tải đất hộ chân, rồng thép lõi đá và vải lọc bọc cát. Đoạn kè này được tu bổ hộ chân bằng lăng thể đá năm 2010. Tuy nhiên, do diễn biến mực nước sông Hồng biến đổi liên tục, nên nhiều vị trí đến nay bị sạt trượt, không ổn định.
Kè Xuân Phú là một trong ba tuyến kè thuộc tuyến đê Vân Cốc được xây dựng từ năm 1965, có nhiệm vụ phân lũ khi cần thiết hoặc có sự cố về đê điều để bảo vệ cho trung tâm Hà Nội. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên, được sự quan tâm của TP, tuyến đê Vân Cốc đã được nâng cấp lên đê cấp 1. Ba tuyến kè gồm: Xuân Phú, Cẩm Đình, Vân Phúc, cũng được duy tu thường xuyên. Tuy nhiên, qua quá trình lâu dài chịu sự tác động từ biến đổi của dòng chảy sông Hồng, đến nay, nhiều hạng mục đã bị hư hỏng nặng. Do đó, đề nghị UBND TP sớm kiểm tra, có giải pháp xử lý cấp bách, nhằm bảo đảm an toàn đê điều, cũng như công tác phòng, chống thiên tai năm 2018.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, đã tiếp nhận thông tin về sự số sạt trượt kè Xuân Phú. “Chúng tôi đang lên kế hoạch khảo sát. Sau khi đánh giá hiện trạng thực tế, sẽ báo cáo đề xuất UBND TP phương án xử lý cụ thể trong thời gian sớm nhất” - ông Nhã thông tin.