Kem Thủy Tạ: Khẳng định thương hiệu Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những năm 50 của thế kỷ XX, kem que, nước giải khát mang thương hiệu Thủy Tạ đã trở nên thân quen với người dân Hà Nội.

Trải qua bao năm tháng, nhà hàng Thủy Tạ, nay là Công ty CP Thủy Tạ (DN thành viên Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) vẫn từng bước phát triển, khẳng định vị thế hàng Việt trong dòng chảy hội nhập.
Lưu giữ truyền thống

Được thành lập vào năm 1958, khởi đầu trong lĩnh vực kinh doanh nước giải khát, đến nay, sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, sản phẩm kem Thủy Tạ vẫn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên khi bước sang cơ chế thị trường, các nhà hàng tư nhân phát triển mạnh mẽ, tạo sức cạnh tranh gay gắt với ngành ăn uống quốc doanh. Để giữ vững thương hiệu, giành lại thị trường, lãnh đạo DN xác định phải thay đổi, điều chỉnh phương thức kinh doanh theo hướng kế thừa được truyền thống nhưng phải thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của DN.
 Khách hàng mua kem tại số 1 Lý Thái Tổ.  Ảnh:  Hoài Nam
Từ định hướng đúng đắn đó, Công ty CP Thủy Tạ đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất theo hướng sản xuất công nghiệp thực phẩm với quy mô lớn. Sau một thời gian nghiên cứu thị trường, lập dự án, mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng, DN đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất kem trên dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất của Italia, với công suất 1 triệu lít/năm. Thời gian đầu, sản phẩm kem có 14 loại, đến nay đã có hơn 40 sản phẩm kem các loại chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn ATTP, được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2002, công ty đầu tư nhà máy thực phẩm và nước giải khát tại Hưng Yên với tổng vốn hơn 16 tỷ đồng. Một năm sau đó, công ty tiếp tục ra mắt nhà máy nước đá viên Pha Lê, công suất 100 tấn/ngày.

Năm 2017, doanh thu thuần của Công ty Thủy Tạ đạt hơn 102 tỷ đồng, tổng tài sản của ở mức gần 66 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu kỳ. Tổng dư nợ vay tại Thủy Tạ khá thấp, hiện DN nợ tín dụng 6,2 tỷ đồng, trong đó có gần 3,8 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và hơn 2,4 tỷ đồng nợ dài hạn.

Nhằm đưa sản phẩm kem đến với người tiêu dùng trong cả nước, cạnh tranh với sản phẩm do DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, DN Thủy Tạ đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối trong đó đặc biệt chú trọng thị trường Hà Nội. Đến nay, hệ thống cửa hàng kem Thủy Tạ hiện đã lên đến con số 259 cửa hàng, chiếm đến 10% thị phần thị trường Hà Nội, đứng thứ 3 trên thị trường chỉ sau Kido và Unilever.

Tạo dựng chỗ đứng trên sàn chứng khoán

Nhằm huy động vốn đầu tư cơ sở vật chất, tháng 6/2017, Công ty CP Thủy Tạ đã đăng ký giao dịch toàn bộ 3 triệu cổ phiếu mã chứng khoán TTJ trên UPCoM của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi lên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Công ty CP Thủy Tạ đã được các nhà đầu tư chứng khoán đón nhận và từng đạt đỉnh ở giá 79.000 đồng/cổ phiếu.

Lý giải nguyên nhân khiến giá cổ phiếu TTJ được đón nhận, các nhà đầu tư chứng khoán cho rằng: Mặc dù vốn điều lệ của Công ty CP Thủy Tạ chỉ vỏn vẹn 30 tỷ đồng nhưng hoạt động kinh doanh những năm qua tương đối ổn định, doanh thu đều đạt trên 100 tỷ đồng/năm. Thống kê kết quả kinh doanh cũng cho thấy, tất cả các hoạt động làm ăn của Thủy Tạ đều đem về lợi nhuận, thậm chí cả kinh doanh nước khoáng, nước đá. Mặt khác, nhìn vào biên lợi nhuận của TTJ tăng đều qua các năm có thể thấy, mặc dù mức độ tăng trưởng của DN không quá nổi bật nhưng tương đối ổn định và bền vững. Một vấn đề đáng quan tâm khác, cổ tức TTJ nhiều năm liền duy trì ở mức cao từ 12 - 20% trong khi lãi suất ngân hàng chỉ 7 - 8%.

Một trong những nguyên nhân để Công ty CP Thủy Tạ có được kết quả khả quan như vậy là bởi DN đã duy trì phát triển sản phẩm kem truyền thống, qua đó giữ vững thị phần. Năm 2017, sản phẩm kem thương hiệu Thủy Tạ đạt doanh thu 47 tỷ đồng, đóng góp gần 50% vào cơ cấu doanh thu của công ty, lợi nhuận gộp 17,5 tỷ đồng. “Kết quả kinh doanh sản phẩm kem cho thấy, thương hiệu kem Thủy Tạ đã được khẳng định trên thị trường, đi vào lòng người Hà Nội và cả nước” - Giám đốc Công ty CP Thủy Tạ Hoàng Minh Thọ khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần