Kéo gần khoảng cách

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 1/8/2018, tròn 10 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII. So với thời điểm 1/8/2008, diện mạo và tầm vóc của Thủ đô đã có sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, các khu đô thị mới, hay hàng loạt dấu ấn về kinh tế, điều nhiều người nhắc đến khi nhìn lại chặng đường đã qua là những đổi thay tích vực về chất lượng sống của người dân, đặc biệt là khu vực ngoại thành.

 Ảnh: Thanh Hải
Hơn một thập kỷ trước, chắc hẳn người dân Hà Nội khó có thể hình dung diện mạo Thủ đô lại có sự thay đổi lớn đến vậy. Một diện mạo đô thị Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại đang dần hiện hữu với nhiều hồ lớn, công viên cây xanh được cải tạo, mở rộng, đầu tư mới. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành ở những vùng ven đã tạo ra sự dịch chuyển dân cư đáng kể từ nội đô ra ngoại thành. Khoảng cách địa lý giữa các địa bàn cũng dường như gần hơn bởi nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín.
Hà Nội hôm nay đã sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn. Nhiều chủ trương mới, chương trình mới triển khai đã bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận như cơ giới hóa hệ thống thu gom rác, cắt tỉa cây; trồng 1 triệu cây xanh. Hệ thống điện lưới quốc gia đã được phủ khắp các địa bàn. Mục tiêu 100% người dân được dùng nước sạch sinh hoạt để tiến tới áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nước “uống tại vòi” cũng đang được hiện thực hóa.

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội vẫn phải đối mặt với không ít thách thức khi dân số tăng nhanh, hạ tầng kỹ thuật còn sự chênh lệch giữa các vùng miền. Nhưng từ những nỗ lực của TP, nhìn vào thực tế, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay. Điều đầu tiên thấy rõ nhất chính là sự “thay da đổi thịt” ở vùng ngoại thành - khu vực luôn nhận được sự ưu tiên đặc biệt sau ngày mở rộng. Những xã vùng xa sau 10 năm đang dần không còn đói nghèo và lạc hậu. Hệ thống điện - đường - trường - trạm đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Như ở Tiến Xuân, xã miền núi của huyện Thạch Thất, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ trên 40% chỉ còn hơn 2%, quả là một con số không hề nhỏ.

Sự vươn lên không ngừng và khẳng định bản lĩnh của Thủ đô Hà Nội trong suốt 10 năm qua còn thể hiện ở sự quan tâm, chăm lo đời sống dân sinh, bảo đảm an sinh xã hội. Trong việc kéo gần khoảng cách, điển hình nhất phải nói đến hệ thống y tế, vốn là ngành chịu áp lực nhiều nhất liên quan đến con người. Trước đó, ngành y tế Hà Nội đã tiếp nhận thêm nhiều các bệnh viện vốn trực thuộc tỉnh khác. Không chỉ cơ sở vật chất mà chất lượng dịch vụ, tay nghề khám chữa bệnh là bài toán nan giải. Đến nay, một bộ mặt khác hoàn toàn của các bệnh viện tuyến huyện đến xã đã được thay đổi. 100% số xã có trạm y tế, có bác sĩ và nhiều xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Người dân phấn khởi tin tưởng giao phó sức khỏe của mình cho các y bác sĩ tuyến dưới.

Tất nhiên, khi dân số ngày càng tăng nhanh; hạ tầng trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí dù được gia tăng đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu, để hóa giải những khó khăn không hề dễ. Nhưng nhiều người kỳ vọng rằng, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Cùng với hạ tầng quy mô và hiện đại hơn, chất lượng sống của người dân cũng sẽ tiếp tục được nâng lên. Khoảng cách chênh lệch trong phát triển giữa các địa phương, giữa khu vực ngoại thành với nội thành sẽ tiếp tục rút ngắn trên chặng đường mới.