Kéo người dân đến gần dịch vụ công trực tuyến

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Duy trì Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước là mục tiêu quan trọng được Hà Nội xác định trong năm nay. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra ngay từ đầu năm là hiện đại hóa nền hành chính gắn với đổi mới phương thức cung cấp các dịch vụ công.

Tối thiểu 80% hồ sơ qua mạng

Năm 2018, TP tập trung hiện đại hóa nền hành chính với nhiều chỉ tiêu, trong đó 100% cơ quan hành chính Nhà nước TP sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) TP; 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được đào tạo sử dụng phần mềm dùng chung của TP, đảm bảo triển khai đến đâu ứng dụng đến đó. Đặc biệt, một chỉ tiêu hàng đầu nhằm tạo tiện ích ngày càng lớn cho người dân là nâng tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng của các DVCTT trong 2 lĩnh vực thiết thân là tư pháp và đăng ký kinh doanh lên 80%; các DVC khác đạt 50%.
 Đoàn viên thanh niên phường Bùi Thị Xuân hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Để đạt mục tiêu này, UBND TP đề ra nhiệm vụ quan trọng là triển khai hiệu quả các DVCTT tại Cổng DVCTT TP và xây dựng hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống DVCTT. UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện… hiện đại hóa trụ sở làm việc, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của DVCTT mức độ 3, 4 bằng hình thức đa dạng, phù hợp từng đối tượng.

Đồng bộ vào cuộc

Thực hiện chủ trương của TP, ngay đầu năm, các đơn vị đã bắt tay triển khai những công việc cụ thể để nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là tại bộ phận một cửa (BPMC) và đẩy mạnh DVCTT. Điển hình tại Thanh Xuân, tiếp nối thành công của 2 khu dân cư điện tử (phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung), quận sẽ lập thêm 2 - 3 khu như vậy tại một số chung cư. Tại Hà Đông cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức mỗi phường 2 điểm hỗ trợ tiếp cận DVCTT mức 3, 4.

Ngay tại khối huyện, việc đầu tư cơ sở vật chất để đẩy mạnh DVCTT mức 3, 4 cũng được chú trọng. Tại Gia Lâm, để triển khai 68 TTHC thực hiện DVCTT mức 3 từ huyện đến xã, tiến tới trả kết quả tại nhà, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần cho biết: Huyện thí điểm đặt máy móc tại nhà văn hóa (NVH) thôn, xã; lập tủ sách pháp luật tại những thôn, tổ có máy tính nối mạng, hỗ trợ người dân thực hiện DVCTT. Sau đó, sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng, tiến tới xây dựng các thôn, tổ dân phố điện tử. Huyện phấn đấu nâng tỷ lệ giải quyết DVCTT mức độ 3, 4 lên 40%, từ huyện đến xã đang tích cực rà soát các DVC mức 3 để rút ngắn quy trình giải quyết, nâng lên mức 4 cho phù hợp. Đồng thời tiếp tục nhận hồ sơ - trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích để sơ kết 1 năm, làm tiền đề áp dụng DVC mức 4 đúng yêu cầu của TP.

Từ cấp phường, xã, việc tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới cách tiếp cận để DVCTT ngày càng đến gần người dân cũng được quan tâm. Như phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng) vừa vận hành điểm truy cập, kê khai DVCTT mức 3 đặt tại NVH khu dân cư số 1, trở thành điểm hỗ trợ DVCTT tại địa bàn dân cư đầu tiên của quận. Theo Trưởng phòng Tư pháp Nguyễn Mạnh Hùng, năm nay quận sẽ nhân rộng mô hình này ra 19 phường còn lại, song khó khăn nhất là không phải địa bàn nào cũng có NVH và không phải mọi người đều hiểu tiện ích của DVCTT. Do đó, từ quận đến phường sẽ tăng cường tuyên truyền, đồng thời kêu gọi người dân ủng hộ bằng cách cho mượn địa điểm. “Nhưng trước mắt, cần phủ đầy 100% NVH đang có để lập các điểm truy cập DVCTT” - ông Hùng nói.