Kéo người dân về với trạm y tế

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị Nâng cao chất lượng trạm y tế (TYT) xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 TYT điểm các tỉnh phía Bắc diễn ra sáng 7/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn, trong 5 năm nữa mô hình này sẽ được nhân rộng trên cả nước, giúp các TYT làm tròn vai “người gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu cho Nhân dân.

Thuốc tại trạm chỉ đạt 30%
Với 6 nguyên tắc của nguyên lý y học gia đình là “Liên tục – toàn diện – lồng ghép – phối hợp – dự phòng – gia đình – cộng đồng”, 26 TYT được lựa chọn để thực hiện thí điểm sẽ thực hiện 7 nhiệm vụ chuyên môn từ truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, quản lý theo dõi các bệnh không lây nhiễm, CSSK bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng bệnh, dinh dưỡng, tiêm chủng, y dược học cổ truyền… Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, 26 TYT điểm đã được rà soát toàn diện cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đã có kế hoạch cụ thể cho việc đầu tư từng trạm để hoạt động theo nguyên lý gia đình trong năm 2018.
 Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Trạm y tế xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng
Qua rà soát cho thấy, nhiều cán bộ quản lý y tế tại địa phương còn thiếu hiểu biết và nhầm lần giữa việc tích hợp nguyên lý y học gia đình trong chăm sóc sức khỏe và mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại TYT. Trung bình một TYT mới chỉ thực hiện được 64,3% danh mục các kỹ thuật so với 76 dịch vụ trong Thông tư 39 về quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở, thậm chí có trạm chỉ thực hiện dưới 50% như TYT Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), Ninh Sơn (Ninh Hòa, Khánh Hòa)… Nguyên nhân do thiếu bác sĩ tại trạm, thiếu cán bộ y học cổ truyền, thiếu máy xét nghiệm. Hơn nữa cán bộ chưa được đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định để có thể khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

"35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến T.Ư có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT xã. Do vậy, nếu thực hiện được mô hình này sẽ giúp giảm tải cho tuyến trên." - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Về cơ sở vật chất, qua rà soát cho thấy các trạm bố trí các phòng chức năng chưa hợp lý theo nguyên tắc liên hoàn trong nguyên lý y học gia đình, thiếu góc truyền thông ngay cả với nhiều TYT đã được xây dựng và cải tạo với diện tích rộng, phòng ốc khang trang. Ngoài ra nhiều trạm còn thiếu trang thiết bị y tế hoặc đã cũ, hỏng. Danh mục thuốc tại TYT chỉ đạt 30% số thuốc có sẵn theo Thông tư 39.

Đầu tư và nhân rộng

Theo Bộ trưởng, điều cốt lõi là phải nâng cao chất lượng chuyên môn của các bác sĩ tại TYT để người dân tin tưởng khi đến khám, đồng thời luân chuyển bac sĩ tuyến trên về hỗ trợ và “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ tại trạm.

Tại Hà Nội, đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã khai mạc khóa đào tạo “Nâng cao chất lượng khám, chữa các bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình” dành cho 60 bác sĩ của các TYT huyện Đan Phượng. Các TYT điểm tại các quận, huyện khác cũng đã cử bác sĩ tham dự tập huấn các lớp do Bộ Y tế tổ chức. Để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ, tại TYT Tân Hội (Đan Phượng) đã được TTYT lên kế hoạch bố trí thêm 2 bác sĩ, chờ có trang thiết bị sẽ về làm việc một số ngày nhất định trong tuần. Tại TYT Minh Châu (Ba Vì), Yên Nghĩa (Hà Đông) cũng được bổ sung thêm bác sĩ về y học cổ truyền, bác sĩ chuyên khoa… Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phân công cụ thể từng viện tuyến T.Ư cử bác sĩ về hỗ trợ tại các TYT.

Theo Bộ trưởng, để khắc phục những khó khăn hiện nay tại các TYT cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, do vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu 8 tỉnh, TP có TYT điểm thành lập Ban chỉ đạo triển khai Mô hình điểm TYT xã, phường, thị trấn do đích thân Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban; từng bước triển khai rộng khắp đến tất cả các trạm trên địa bàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần