Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô”.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên
Tại Hội thảo, các đại biểu, DN, nghệ nhân đã tập trung là rõ thực trạng và giải pháp vềchính sách hỗ trợ các DN làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Thăng Long - Hà Nội; tăng cường sự kết nối DN với việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội thời kỳ hội nhập phát triển, phát huy vai trò của chính quyền trong việc kết nối DN với làng nghề; vai trò của Hiệp hội trong thúc đẩy các hội viên; kết nối DN với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô…
Thủ đô Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 30% tổng số làng nghề của cả nước, trong đó có 305 làng nghề thuộc 23 quận, huyện, thị xã với các làng nghề như: Khảm trai, sơn mài, làm nón, da giầy , điêu khắc gỗ, tơ lụa, gốm sứ… đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt tiêu chí. Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 12 lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa… trong đó thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng của du lịch văn hóa.
Thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Hà Nội đang hướng tới xây dựng “thành phố sáng tạo” với nền tảng là các ngành công nghiệp sáng tạo có mũi nhọn của Thủ đô. Phát triển ngành thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” mũi nhọn là một trong những nội dung quan trọng của đề án phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô rất cần thiết sự kết nối với các doanh nghiệp để xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm làng nghề.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, cần phải kết nối làng nghề với các DN, nhất là doanh nghiệp đầu tàu về lĩnh vực du lịch để quảng bá các sản phẩm tới du khách. Ảnh: Khắc Kiên
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Các làng nghề ở Hà Nội có quá trình phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm, mang nét đặc sắc riêng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội có tính riêng biệt, đặc thù không nơi nào có được như: Gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc Kiêu Kỵ (Gia Lâm); lụa Vạn Phúc (Hà Đông); đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); tò he (Xuân La), sừng (Thụy Ứng)…
Các đại biểu đều cho rằng, vấn đề quan trọng là ý thức của các đơn vị liên quan đến phát triển làng nghề phải kết hợp với du lịch, cần tạo ra được các sản phẩm đặc trưng nhằm tạo ra chuỗi khép kín giữa du lịch và làng nghề… Lúc đó, làng nghề mới có thể vươn xa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần