Kết nối đưa đặc sản Cao Bằng về Hà Nội

Tin, ảnh: Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/11, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội do Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí đã đi thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng.

Đoàn đã tới thăm mô hình trồng rau bò khai ngọn tím tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên. Đây là một loại rau đặc sản của vùng núi Cao Bằng đang được thị trường ưa chuộng và được người dân địa phương trồng rộng rãi trong vườn nhà, sườn núi. Giá bán tại nhà hiện khoảng 80.000 đồng/kg. Đoàn cũng tới thăm Công ty CP Giống và thức ăn chăn nuôi Cao Bằng tại xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng. Đây là DN có các trạm, trại chăn nuôi lưu giữ, bảo tồn và phát triển nhiều giống vật nuôi bản địa có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Trong đó nổi bật là giống lợn Móng Cái thuần chủng, lợn đen Táp Ná, lợn rừng…
 Thăm trại lợn của Công ty CP Giống và thức ăn chăn nuôi Cao Bằng
Đáng chú ý, giống lợn đen Táp Ná là giống lợn bản địa của người dân tộc tỉnh Cao Bằng, có đặc điểm lông và da đều đen, phàm ăn. Giống lợn này được xếp vào danh sách 20 nguồn gen bản địa vật nuôi ở nước ta đã được công bố và là nguồn vật chất di truyền chỉ có ở Việt Nam. Ước tính mỗi năm, chỉ tính riêng trại giống cấp I Đức Chính của công ty sản xuất, cung ứng ra thị trường hơn 1.600 con lợn giống tốt và 2.200 con lợn thương phẩm.

Trước đó, trong ngày 28/11, Đoàn đã tới thăm mô hình chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP tại thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng và mô hình trồng rau tại xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Đây là những vùng sản xuất khá đặc trưng và có điều kiện phát triển theo hướng hàng hóa của tỉnh Cao Bằng. Ước tính toàn tỉnh Cao Bằng hiện có gần 40 nhóm chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP với sản lượng đạt 1.000 tấn/năm. Riêng vùng rau Bình Long lưu giữ được một số chủng loại rau bản địa truyền thống như rau cải tím, ngồng cải…
 Mô hình trồng rau bò khai tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên.
Tham gia cùng đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội có một số DN phân phối, kinh doanh thực phẩm sạch và ung ứng vật tư nông nghiệp của TP như: Công ty TNHH MTV CleverFood (chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch CleverFood), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Happy Farm (chuỗi cửa hàng Happy mart), Công ty CP Nông sản thực phẩm sạch Tây Bắc, HTX Thương mại, Dịch vụ và kinh doanh nông sản thực phẩm sạch Cổ Dương (Đông Anh)… Theo đại diện các DN, tỉnh Cao Bằng có nhiều nông sản đặc sản mang tính chất đặc thù của địa phương có thể kết nối đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, muốn đưa về Thủ đô, các sản phẩm phải được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, việc đưa các DN của TP trực tiếp đến thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cao Bằng nhằm tăng cường hợp tác, kết nối đưa nông sản đặc sản vùng miền, an toàn về cung cấp cho thị trường Thủ đô.
 Thăm mô hình trồng rau tại xã Bình Long, huyện Hòa An.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng, tỉnh có khí hậu mang tính chất đặc thù của dạng khí hậu lục địa miền núi cao (khí hậu châu Á nhiệt đới) thể hiện 4 mùa trong năm, phù hợp phát triển một số nông sản đặc sản. Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện tỉnh đang duy trì và sử dụng hiệu quả 30.000ha đất trồng lúa, trong đó có khoảng 1.000ha giống lúa đặc sản, đặc hữu, lúa thuần chủng chất lượng cao trở thành hàng hóa. Ngoài ra, địa phương còn phát triển rau, hoa, quả, nấm, cây dược liệu… để từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh có một số còn đặc sản như lợn đen, bò H’Mông. Riêng lợn đen có chất lượng ngon được phát triển ở các vùng Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông, Nguyên Bình…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần