Kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh: Cơ hội chia đều cho cả hai

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Thực hiện chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, trong thời gian qua, DN Hà Nội đã đẩy mạnh liên kết vùng miền, từ đó hỗ trợ các tỉnh bạn quảng bá, tiêu thụ đặc sản vùng miền, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngày càng hiệu quả
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) đã tổ chức 3 hội nghị kết nối cung - cầu với TP Đà Nẵng, tỉnh Lâm Đồng, Sơn La, qua đó đã ký nhiều biên bản hợp tác, kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa. Tại Hội nghị Đầu tư kết nối tiêu thụ nông sản và du lịch Sơn La - Hà Nội vừa qua, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La Nguyễn Duy Nhượng nêu rõ: Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương Hà Nội, DN 2 địa phương đã tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu nông sản an toàn của tỉnh Sơn La tới DN và người dân Thủ đô. Qua 2 kỳ tổ chức Tuần hàng Sơn La tại Hà Nội trong năm 2016 - 2017 đã thu hút rất đông người tiêu dùng (NTD); lượng hàng nông sản, thủy sản được tiêu thụ tương đối khả quan.

Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên tổ chức tại siêu thị Big C Thăng Long 2017 thu hút nhiều người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Lê Nam

Năm 2016, Hà Nội đã thực hiện kết nối cung - cầu với hơn 30 tỉnh, TP, qua đó 400 DN Hà Nội ký kết 350 biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế khai thác sản phẩm của các tỉnh, thành tiêu thụ tại thị trường Hà Nội; Hỗ trợ xây dựng phát triển chuỗi thực phẩm. Từ đó, Hà Nội đã hỗ trợ kịp thời các địa phương gỡ khó trong tiêu thụ nông sản như vải thiều Hải Dương và Bắc Giang; hành tím Sóc Trăng, nhãn lồng Hưng Yên, dưa hấu Quảng Nam…

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, chương trình liên kết vùng đã góp phần hỗ trợ DN các địa phương và Hà Nội tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến năm 2017, Hà Nội sẽ tiêu thụ lượng hàng hóa do các tỉnh, thành sản xuất giá trị hơn 17.000 tỷ đồng, đồng thời các tỉnh, thành sẽ tiêu thụ lượng hàng hóa do DN Hà Nội sản xuất giá trị trên 6.500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lớn “bám rễ” vào các cơ sở sản xuất

Mặc dù nhiều sản phẩm có thế mạnh của địa phương đã được DN bán lẻ Hà Nội đưa vào kênh tiêu thụ hiện đại, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn ít DN lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa, kết nối với các DN sản xuất trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu rõ: Sự kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các DN phân phối chưa chặt chẽ dẫn đến sản phẩm đến tay NTD với giá cao. “Thịt bán ở các siêu thị, chợ vẫn phải qua 3 - 4 đầu mối phân phối mới đến tay NTD... Chừng nào chúng ta chưa xây dựng được chuỗi đi từ sản xuất đến siêu thị thì nghịch lý trên vẫn xảy ra” - ông Phú nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương cho rằng: Chương trình kết nối cung - cầu mới chỉ là phần ngọn để chắp nối sản xuất đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối. DN Hà Nội với lợi thế về công nghệ cần phải hỗ trợ cho DN các tỉnh, nhất là ở các tỉnh miền núi trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng các quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm có giá trị cao. “Các DN lớn nhất của Việt Nam phải trở thành trung tâm của chuỗi giá trị, "bám rễ" vào các DN cơ sở sản xuất ở các tỉnh, thành để đưa hàng hóa đến với NTD” - ông Phương khẳng định.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, các tỉnh, thành cần chủ động xây dựng kế hoạch kết nối cung - cầu hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, DN Hà Nội tiếp tục đầu tư, phát triển mạng lưới phân phối theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của TP. Đồng thời, hỗ trợ tối đa việc tiêu thụ các sản phẩm của các địa phương trong hệ thống phân phối của DN, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân Thủ đô và tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất. Bên cạnh đó, UBND TP đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại để bảo đảm có các kênh tiêu thụ bền vững.qv
Thông tin từ HPA cho thấy, tháng 9, trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt 2017 sẽ diễn ra Hội nghị giao thương và giải pháp đẩy mạnh kết nối cung - cầu giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành. Dự kiến ngày 23/11, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP năm 2017 phục vụ chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Chương trình kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành có ý nghĩa thiết thực giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - NTD, tạo đầu ra cho sản phẩm địa phương tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và tiến tới xuất khẩu. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần