Kết nối tìm đầu ra cho nông sản

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tiêu thụ nông sản ổn định đòi hỏi phải đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất với DN bán lẻ, đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại Hội nghị kết nối cung cầu nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững của TP Hà Nội năm 2018 tổ chức ngày 19/4.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cùng các đại biểu thăm gian hàng của một DN tham gia Hội nghị. Ảnh: Thu Hương
Nhiều khó khăn 
Trong những năm qua, Hà Nội đã tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa DN bán lẻ với các hợp tác xã, hộ sản xuất, qua đó chủ động được sản lượng sản xuất và ổn định thị trường tiêu thụ. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm lợi thế của các huyện ngoại thành đã được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, đồng thời được hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, thương hiệu như gà đồi Ba Vì, bưởi Phúc Thọ, ổi Đông Dư, rau Vân Nội (Đông Anh)…

Mặc dù đã đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhưng thực tế việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn. Đặc biệt, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; tỷ lệ truy xuất nguồn gốc còn thấp, chỉ đạt 30%.

Tại hội nghị, các DN bán lẻ có chung ý kiến: Để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, DN sản xuất cần chuẩn bị đầy đủ giấy chứng nhận, phiếu kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ…
Mặc dù yêu cầu là như vậy nhưng vẫn còn không ít DN, HTX không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Không chỉ có vậy, vẫn còn tình trạng người sản xuất chạy theo lợi nhuận, chưa bảo đảm chữ tín trong việc cung ứng hàng hóa với các DN phân phối dẫn đến tiêu thụ bấp bênh, không ổn định.

Đồng bộ các giải pháp

Tại hội nghị, đại diện DN bán lẻ, nhà sản xuất cho rằng, để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, cần có các cơ chế hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, đồng thời tạo điều kiện cho DN tiếp cận và vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản thực phẩm.
Ngoài ra, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT thường xuyên đẩy mạnh kiểm tra, xử lý triệt để những DN vi phạm VSATTP; hỗ trợ các cơ chế chính sách về giết mổ, kiểm soát thú y, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, truyền thông nông sản sạch đến người tiêu dùng.

Trước các ý kiến của DN, lãnh đạo Sở Công Thương mong muốn TP tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch.
Công khai phát triển vùng, khu vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Hướng dẫn các DN, hộ nông dân chủ động xây dựng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa 6 nhà: Nhà nông – Nhà nước – nhà khoa học – DN – ngân hàng – nhà phân phối. Đồng thời, chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa làm cơ sở để tìm đầu ra cho nông sản, ổn định giá cả, thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường trên địa bàn TP.