Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Nhiều khả năng ngã ngũ vào sáng 9/11

Vân Hằng (ghi nhận từ Mỹ)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020 - có hai lần người dân toàn thế giới hồi hộp hướng về nước Mỹ. Lần thứ nhất, khi đất nước này quay cuồng với đại dịch Covid-19. Và lần thứ hai tại một sự kiện quy mô lớn đang diễn ra: Bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tại tòa cao ốc Salesforce - San Francisco biểu tượng ''VOTE'' vẫn đang sáng đèn.

Đúng như dự đoán của giới quan chức, cuộc bầu cử Tổng thống 2020 sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ như một sự kiện với hàng loạt kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”. Đại dịch Covid-19 đã biến Ngày bầu cử thành Tháng bầu cử ở khắp nước Mỹ sau khi tất cả cử tri đã ghi danh nhận được phiếu bầu, khuyến khích họ bỏ phiếu sớm qua bưu điện và không đến các địa điểm bỏ phiếu trực tiếp để tránh lây lan virus. Điều đó mang lại cho hàng trăm triệu người mất tới 29 ngày để bỏ phiếu, thay đổi hành vi không chỉ của các cử tri mà còn của những ứng cử viên Tổng thống.
''Ngày'' bầu cử thành ''Tháng' bầu cử ở nước Mỹ
Chưa có năm nào mà cử tri Mỹ phải chờ đợi lâu đến vậy (sau đêm bầu cử 3/11) mà vẫn chưa biết ai đắc cử Tổng thống. Quan trọng nhất, đây là lần bầu cử hiếm hoi mà quan điểm và lựa chọn của các nhóm cử tri đối lập như nước với lửa. Chỉ tính riêng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ thuộc bang California - thành trì của đảng Dân chủ, sự đối kháng quan điểm diễn ra rất cực đoan. Một nhóm lớn cử tri Mỹ gốc Việt ở California tiếp tục công khai diễu hành ủng hộ Tổng thống Donald Trump - ứng cử viên của đảng Cộng hòa vào sáng 4/11.
Người Mỹ gốc Việt ở khu Little Sai Gon tập trung ở các điểm bầu cử.
Ông Sáu Nho trong nhóm diễu hành cho biết: “Trong lịch sử bầu cử, đã từng có người lúc đầu ít phiếu hơn đối thủ nhưng sau đó vượt lên dẫn đầu và đắc cử Tổng thống. 30 chưa phải là Tết, nên kịch bản ông Trump lật ngược tình thế như thời bà Hillary Clinton hoàn toàn có thể xảy ra. Kết quả những ngày sắp tới sẽ nói lên được sức mạnh cộng đồng của chúng ta.”
Bầu cử qua thư là một trong những nguyên nhân khiến kết quả bầu cử bị chậm lại.
Tại khắp các khu dân cư ở TP San Jose - chỉ một ngày sau Ngày bầu cử 3/11, các gia đình đều tranh thủ thời gian theo dõi kết quả kiểm phiếu của tiểu bang. Trong khi đó, ở New York, ghi nhận các cuộc biểu tình lẻ tẻ tiếp tục diễn ra trong ngày 4/11 yêu cầu công bằng kiểm đếm mọi phiếu bầu. Tuy nhiên, không có dấu hiệu bạo động nghiêm trọng hay bất ổn lan rộng. Hàng trăm doanh nghiệp tại thành phố này cũng đã gia cố các cửa sổ bằng ván gỗ trước cuộc bầu cử, đề phòng bạo loạn.
 Một số cuộc biểu tình lẻ tẻ diễn ra tại New York suốt từ đêm bầu cử đến nay.
Tính đến 0 giờ sáng thứ 5 ngày 5/11 (theo giờ California Mỹ), cuộc đua vẫn diễn ra rất gay go giữa hai ứng cử viên với lợi thế có phần nghiêng về ông Joe Biden của Đảng Dân Chủ (264 phiếu đại cử tri). Dù từ lúc rạng sáng 4/11, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố chiến thắng trước những người ủng hộ ông trong Tòa Bạch Ốc.
Khắp nước Mỹ, các doanh nghiệp lớn đều gia cố lại cửa hàng, đề phòng bạo loạn như vụ Black lives matter mới xảy ra vào tháng 3/2020.
Muốn thắng cử Tổng thống Mỹ, một ứng cử viên phải đạt 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri. Những lá phiếu vẫn đang gấp rút được kiểm đếm, những con số xanh đỏ nhảy múa trên hàng triệu màn hình tivi khắp nước Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, theo giới quan chức, ít nhất phải đến ngày 9/11, mới biết được kết quả sơ bộ, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay đối thủ đảng Dân Chủ Joe Biden sẽ là ông chủ của Tòa Bạch Ốc trong 4 năm kế tiếp, kể từ ngày 20/1/2021.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần