Kết quả chỉ đạo, điều hành của UBND TP từ ngày 18-25/10/2019

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

UBND Thành phố cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật từ ngày 18-25/10/2019.

Phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thành phố trực thuộc Trung ương phải có tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt từ 60% trở lên (Theo đó, thành phố Hà Nội phải có từ 18 quận trở lên). Hiện tại, thành phố Hà Nội có 12 quận và 01 thị xã/30 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (đạt 43% đơn vị hành chính đô thị). Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định rõ trong nhiệm kỳ tới phải làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng, quản lý, phát triển đô thị.
 UBND TP Hà Nội giao ban công tác tháng 10/2019. 
Căn cứ yêu cầu trên, ngày 21/10/2019, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành 4 Quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025, hướng tới các mục tiêu sau:
1. Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận đến năm 2025
Đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh giai đoạn 2020 - 2025 đáp ứng các tiêu chí thành lập Quận của UBTV Quốc hội; trong tương lai phát triển theo hướng bền vững, trở thành Quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.
2. Đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì thành quận đến năm 2025
 Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ. Phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường. Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá mới, duy trì và phát huy hiệu quả văn hoá truyền thống. Đổi mới và tạo bước phát triển mạnh giáo dục - đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Phấn đấu năm 2025, Huyện phát triển theo hướng đô thị.
3. Đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận đến năm 2025
Tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Thương mại, dịch vụ - Công nghiệp, xây dựng; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung theo hướng đô thị; quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế; củng cố, sắp xếp bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, phấn đấu chậm nhất vào năm 2022 huyện Gia Lâm và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.
4. Đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng thành quận đến năm 2025
Tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị, quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, hoàn thiện các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng, phấn đấu đến năm 2025 huyện Đan Phượng và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định. Trong tương lai phát triển theo hướng bền vững, trở thành Quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị cao cấp, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thông lịch sử, văn hóa lâu đời; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.
Ngày 8/11/2019, tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; Tổng kết cuộc thi “Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến” năm 2019
Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội (ngày 9/11/2019), đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ, toàn diện Ngày pháp luật trên địa bàn Thành phố thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả với các hoạt động, chủ đề phù hợp, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 24/10/2019 chỉ đạo Tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; Tổng kết cuộc thi “Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến” năm 2019 vào ngày 8/11/2019.
Cụ thể, đánh giá tình hình triển khai hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2019 trên địa bàn Thành phố và các hoạt động PBGDPL; việc xây dựng, thực thi, tìm hiểu và chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố; phương hướng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PBGDPL trong hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật và trong thời gian tới.
Triển khai việc tổng kết cuộc thi “ Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn Thành phố. Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong tổ chức, triển khai cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” và cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn Thành phố. Trao Giấy chứng nhận khen thưởng của Ban Tổ chức cuộc thi Thành phố cho tập thể, cá nhân đạt giải trong cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”.
Phát hành thẻ đi xe buýt miễn phí cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo
Ngày 18/10/2019, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND về việc sửa đổi điểm a, khoản 2, điều 1 Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 của UBND Thành phố về việc phê duyệt phương án giá vé vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, giá vé tháng bán cho đối tượng ưu tiên bao gồm: học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (không kể hệ đào tạo vừa học vừa làm), công nhân các khu công nghiệp áp dụng từ ngày Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND Thành phố có hiệu lực, cụ thể như sau: Giá vé tháng đi 1 tuyến: 55.000 đồng/vé/tháng; Giá vé tháng đi liên tuyến: 100.000 đồng/vé/tháng.
Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các ngành hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phát hành thẻ đi xe buýt miễn phí cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/10/2019. Các nội dung khác tại Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 của UBND Thành phố giữ nguyên hiệu lực
Tiếp tục đầu tư xây dựng 4 cầu vượt trên địa bàn Thành phố
Ngày 23, 24/10/2019, UBND Thành phố đã ban hành 4 Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng 4 cầu vượt trên địa bàn Thành phố: cầu vượt cho người đi bộ qua đường Nguyễn Trãi (đoạn giao cắt ngã ba đường Triều Khúc, quận Thanh Xuân); Nguyễn Văn Cừ 1, Nguyễn Văn Cừ 2, Nguyễn Văn Cừ 3, quận Long Biên bằng kết cấu thép lắp ghép, bố trí hệ thống thoát nước mặt dọc cầu, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ qua các tuyến đường, góp phần giảm xung đột, ùn tắc giao thông, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực. Thời gian thực hiện: năm 2019 - 2020.
Giao chủ đầu tư dự án: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố rà soát theo 4 tiêu chí: Kiến trúc phù hợp với từng vị trí, địa điểm; Sự thuận tiện, hiệu quả sử dụng; Kết cấu thép gia công máy, có khả năng tháo dỡ lắp ghép lại; Đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông; đề xuất áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế phù hợp với thực tế đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; nghiên cứu phương án tổ chức thực hiện dự án đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, tiết kiệm. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành hồ sơ dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo đúng quy định của Luật đầu tư công, Luật xây dựng và pháp luật liên quan; kiểm tra, rà soát, cập nhật, bổ sung và tiếp thu ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư của các sở, UBND quận, huyện để lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Khảo sát và đánh giá nhu cầu người bộ hành qua cầu để xác định vị trí xây dựng, khoảng cách giữa các cầu và bề rộng cầu nhằm đáp ứng đủ lưu lượng người bộ hành vào giờ cao điểm.
Không giao dự án mới hoặc điều chỉnh dự án đối với nhà đầu tư vi phạm về TTXD còn tồn đọng trên địa bàn Thành phố
Xét báo cáo của Sở Xây dựng về kết quả xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng năm 2015-2016 trên địa bàn Thành phố: từ tháng 5/2019 đến nay, UBND các quận, huyện mới xử lý được 2/40 trường hợp, còn tồn đọng 38 trường hợp chưa xử lý, không đạt kết quả và tiến độ theo yêu cầu, UBND Thành phố đã có văn bản số 4710/UBND-ĐT ngày 23/10/2019 yêu cầu UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn. Quyết liệt chỉ đạo các lực lượng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai cường chế xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm TTXD còn tồn đọng năm 2015-2016 trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định pháp luật.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cam kết với UBND Thành phố về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng; định kỳ ngày 20 hàng tháng báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố.
Giao các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rà soát thủ tục hồ sơ liên quan các dự án vi phạm để đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ giải quyết các thủ tục theo quy định. Trong quá trình tham gia ý kiến, thẩm định không xem xét, đề xuất giao dự án mới hoặc điều chỉnh dự án đối với nhà đầu tư vi phạm về TTXD còn tồn đọng trên địa bàn Thành phố.
Yêu cầu tất cả các nhà máy nước sạch, các nhà phân phối nước sạch phải kết nối hệ thống quản lý vận hành, các trạm quan trắc chất lượng nước tới Trung tâm quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch
Để nâng cao chất lượng nước, chất lượng phân phối, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước cung cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố; tiếp tục hoàn thuện hạ tầng hệ thống cấp nước sạch cho Thành phố, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thành phố thông minh trong tương lai gần, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký văn bản số 4779/UBND-ĐT ngày 28/10/2019 chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai một số biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hệ thống cấp nước sạch của thành phố Hà Nội.
Cụ thể, giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và chủ đầu tư các nhà máy nước sạch (kể cả các nhà đầu tư dự án đang triển khai đầu tư) rà soát hệ thống truyền dẫn nước sạch của từng nhà máy, đề xuất các biện pháp hoàn thành kết nối thành mạch vòng Hệ thống cấp nước sạch toàn Thành phố (trừ các xã vùng xâu, vùng xa sử dụng các trạm cấp nước riêng), báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/11/2019.
Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch (dạng như Trung tâm điều độ điện của ngành điện lực), trong đó sử dụng công nghệ thông minh để quản lý, vận hành; Yêu cầu tất cả các nhà máy nước sạch, các nhà phân phối nước sạch phải kết nối hệ thống quản lý vận hành, các trạm quan trắc chất lượng nước tới Trung tâm này, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 12 năm 2019.
Giao Công an Thành phố chủ trì cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh cho Hệ thống cấp nước Thành phố, báo cáo UBND Thành phố xem xét trong tháng 11 năm 2019 để báo cáo Thường trực Thành ủy xin chỉ đạo.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng, Công an Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các Nhà máy nước lập khoanh vùng bảo vệ nguồn nước đầu vào và xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước theo khoanh vùng; tổ chức thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Nội dung này yêu cầu thực hiện xong trong năm 2019; Sau năm 2019, nếu đơn vị nào chưa thực hiện xong, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xử lý theo quy định.
Giao Sở Tư pháp chủ trì cùng Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố văn bản pháp lý quy định ràng buộc trách nhiệm của các nhà sản xuất cung cấp, phân phối nước sạch với Thành phố và yêu cầu các đơn vị này thực hiện, báo cáo trước ngày 20/11/2019.
Đầu tư Dự án ô chôn lấp 6.2, diện tích 1,03 ha tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn
Tiếp tục mục tiêu đảm bảo kế hoạch vận hành đổ rác, nâng cao khả năng tiếp nhận rác hiện tại và sau khi quá trình hợp nhất hình thành; tiến độ kế hoạch vận hành đổ rác của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 5884/QĐ-UBND ngày 22/10/2019 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án ô chôn lấp 6.2 tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, có diện tích khoảng 1,03 ha bao gồm: đào, đắp đất thành ô chôn lấp; trải vải chống thấm HDPE; đắp bờ bao bằng đất. Thời gian thực hiện 2019 - 2020.
Giao Sở Xây dựng - chủ đầu tư và sở quản lý chuyên ngành hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về phương án, giải pháp cải tạo đề xuất, tính chuẩn xác, hợp pháp của các thông tin, số liệu trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định, phê duyệt. Đánh giá hiện trạng cụ thể, lựa chọn quy mô, giải pháp kỹ thuật và dự kiến tổng mức đầu tư đảm bảo quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công. Tổ chức quản lý, triển khai dự án phù hợp điều kiện năng lực.
100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc Thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019
Hướng tới mục tiêu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc Thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11 năm 2019; thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ từ năm 2020; tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa từ hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; Giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa trên địa bàn Thành phố; đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa, tại Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019, UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi ni lông và chất thải nhựa và một số biện pháp chủ động áp dụng để hạn chế sử dụng túi ni lông; hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt của người dân. Khuyến khích, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và giảm thiểu sử dụng đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông  khó phân hủy đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử…
Giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt. Yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml - 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (> 20 lít) hoặc sử dụng các bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy...và các vật liệu khác thân thiện với môi trường. Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc.
Đến ngày 31/12/2020 giảm tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa trên địa bàn Thành phố; đề xuất thay thế công nghệ sản xuất bao bì lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại tái chế chất thải nhựa; đưa ra lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần