Kết quả chỉ đạo, điều hành của UBND TP từ ngày 26-30/8/2019

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng UBND TP thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật từ ngày 26-30/8/2019.

Trước ngày 31/12/2019, hoàn thành giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn Thành phố
Nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phấn đấu giải quyết căn bản khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phục vụ Đại hội Đảng các cấp của Thành phố, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 29/8/2019 chỉ đạo triển khai Kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, xác định rõ 4 tiêu chí giải quyết các vụ việc là: khiếu nại, tố cáo đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết nhưng trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo; vụ việc khiếu nại đã được cơ quan hành chính giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại; vụ việc tố cáo đã được cơ quan hành chính giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục tố cáo; vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người hoặc đơn lẻ nhưng ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
 Hội nghị giao ban công tác tháng 8/2019 của UBND TP Hà Nội.
Thời gian thực hiện như sau: triển khai thực hiện đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài do thành phố Hà Nội tổng hợp theo các tiêu chí của Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ qua 5 bước: tiến hành kiểm tra, rà soát, đề xuất phương án giải quyết xong trước ngày 30/9/2019; thống nhất phương án giải quyết vụ việc của cấp lãnh đạo Thành phố xong trước ngày 31/10/2019; tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tố cáo xong trước ngày 30/11/2019; trình Chủ tịch UBND Thành phố quyết định phương án giải quyết xong trước ngày 15/12/2019; tổ chức thực hiện và công khai kết quả, phương án giải quyết xong trước ngày 31/12/2019.
Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, báo cáo kết quả giải quyết, kết quả thực hiện đối với các vụ việc theo văn bản của Thanh tra Chính phủ; rà soát, lập danh sách, báo cáo kết quả giải quyết, kết quả thực hiện các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trình Chủ tịch UBND Thành phố có kế hoạch kiểm tra, rà soát, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, gửi danh sách, kết quả về Thanh tra Thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
Hỗ trợ 780 triệu đồng xây dựng và sửa chữa nhà ở cho cựu Thanh niên xung phong thành phố Hà Nội
Thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, ngày 28/8/2019, Chủ tịch UBND Thành phố đã phê duyệt Quyết định số 4612/QĐ-UBND về việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 29 cựu Thanh niên xung phong thành phố Hà Nội với tổng kinh phí 780.000.000 đồng từ ngân sách Thành phố bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, thị xã thực hiện. Nhà được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa thuộc diện nhà cấp 4 đã hư hỏng dột nát, sập mái, xuống cấp nghiêm trọng. UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự nguyện ủng hộ kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo trên địa bàn Thành phố. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Hội cựu thanh niên xung phong hướng dẫn, kiểm tra UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng và các tiêu chí, tiêu chuẩn, mức hỗ trợ được UBND Thành phố phê duyệt.
UBND các quận, huyện: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Oai, Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh thực hiện hỗ trợ cho cựu Thanh niên xung phong Thành phố; kiểm tra thực tế tình hình thực hiện việc xây dựng và sửa chữa của các đối tượng được UBND Thành phố hỗ trợ (tránh trường hợp không thực hiện nhưng vẫn nhận kinh phí), phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội cựu thanh niên xung phong phân bổ kinh phí đảm bảo đúng đối tượng, mức hỗ trợ. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn xã, phường, thị trấn thực hiện hỗ trợ cựu thanh niên xung phong Hà Nội về nhà ở, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng, công khai kết quả thực hiện việc hỗ trợ nhà ở trên địa bàn, gửi kết quả về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
Giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu duy trì 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
Với mục tiêu hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính quyền số, Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, tại Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 27/8/2019, UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, ngành Thành phố tập trung triển khai “Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025” của thành phố Hà Nội với các nhiệm vụ sau: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy triển khai xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử; Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính quyền điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam và trên thế giới;  Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính quyền số, Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; Xây dựng Chính quyền điện tử đảm bảo gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử; Thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi.
Hướng tới một số mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu sau: Giai đoạn 2019 - 2020: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố.
Từng bước phấn đấu hoàn thiện, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến thực hiện mức độ 3, 4, tối thiểu 35% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; Cổng Dịch vụ công Thành phố cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% Cổng Thông tin điện tử các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.
100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã được gửi, nhận văn bản điện tử với bộ, ngành, cơ quan trung ương thông qua Hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử Thành phố (nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của Thành phố); tối thiểu 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc của Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).
Tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Rút ngắn từ 30% - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử. Ứng dụng họp trực tuyến từng bước thay thế họp truyền thống tại các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và cấp xã.
Giai đoạn 2021 - 2025: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; duy trì 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trừ các thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu); tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Thành phố với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
60% các hệ thống thông tin của Thành phố có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu Thành phố được kế thừa, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia.
90% hồ sơ công việc tại các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).
Tối thiểu 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc Thành phố được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo của Thành phố phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố; tối thiểu 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của Thành phố được cập nhật, chia sẻ với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến các cấp chính quyền của Thành phố; đến cuối năm 2025, phấn đấu 100% thực hiện tổ chức họp cấp Thành phố và 80% cấp huyện thực hiện họp thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Thành phố.
Đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng đã thực hiện theo kết quả đấu thầu, đặt hàng vệ sinh môi trường
Ngày 26/8/2019, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3678/UBND-KT giao các chủ đầu tư (Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã) và các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng đã thực hiện theo kết quả đấu thầu, đặt hàng vệ sinh môi trường đã được phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường thực hiện theo hợp đồng đã ký kết; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị cung ứng dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường tích cực thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường để kịp thời thực hiện khấu trừ vào giá trị thanh toán công tác duy trì vệ sinh ngõ xóm trên địa bàn theo đúng quy định. Giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện Đề án thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trong quý IV/2019 trình UBND Thành phố.
Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng, Cục thuế Thành phố, Kho bạc Nhà nước Hà Nội tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác duy trì vệ sinh môi trường và thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường; đôn đốc tiến độ thanh toán, quyết toán kinh phí duy tu, duy trì vệ sinh môi trường, tiến độ thực hiện thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường năm 2019, báo cáo UBND Thành phố.
Các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường nghiêm túc thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường theo đúng kết quả đấu thầu, đặt hàng đã được phê duyệt; phối hợp hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh, quyết toán hàng quý đối với đặt hàng và quyết toán năm đối với đấu thầu theo quy định; tích cực thực hiện thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường để có nguồn thanh toán công tác duy trì vệ sinh ngõ xóm trên địa bàn.