Kết quả chỉ đạo, điều hành của UBND TP từ ngày 28/10 - 4/11/2019

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND Thành phố cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật từ ngày 28/10-4/11/2019

Tăng cường các biện pháp phòng, chống sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội dịp Tết Dương lịch, Tết nguyên đán Canh Tý 2020.
Để tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép và sử dụng các loại pháo vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng số vụ vi phạm thời gian qua, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 01/11/2019 chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội dịp Tết Dương lịch, Tết nguyên đán Canh Tý 2020.
 UBND TP giao ban công tác tháng 10/2019.
Tăng cường công tác quản lý thu, thanh, kiểm tra thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019,  UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Giao các cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá; chú trọng thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, chính sách và pháp luật của nhà nước; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.
Cơ quan tài chính các cấp tham mưu UBND cùng cấp thực hiện quản lý chi sách nhà nước theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các khoản chi cho con người để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng thời gian quy định; trong đó quản lý, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tập trung cho các mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh đặc biệt là xử lý phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh. Trường hợp thu ngân sách địa phương dự kiến giảm so với dự toán đã giao, cần phối hợp các ngành chủ động tham mưu UBND cùng cấp xây dựng phương án điều hành để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến con người, an sinh xã hội.
Đẩy nhanh tiến độ chi ngân sách, kể cả chi cho các chế độ, chính sách, nhiệm vụ, đề án theo các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, các khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Thành phố. Hết năm ngân sách, chỉ những khoản dự toán chi chưa thực hiện được hoặc chưa chi hết theo quy định tại Khoản 3 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước mới được phép chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện. Số còn lại sẽ bị cắt, hủy dự toán. Thành phố không xem xét chuyển nguồn hay bổ sung để đảm bảo cho các khoản chi này. Các quận, huyện, thị xã phải chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát sinh trên địa bàn trong năm 2020.
Quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công; tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động vốn; tiếp tục triển khai giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững; thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ đến hạn phải trả của ngân sách Thành phố (cả nợ gốc và lãi); thực hiện vay nợ của ngân sách Thành phố đảm bảo không vượt mức vay được Thủ tướng Chính phủ giao. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề làm thủ tục ký hợp đồng vay lại đối với các dự án vay từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại đã được ký kết Hiệp định.
Về việc tăng cường đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công: giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành chủ động rà soát để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn cho các dự án, trình cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Kho bạc Nhà nước Hà Nội chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị tiếp tục rà soát, hướng dẫn các thủ tục giải ngân thuận lợi, đảm bảo giải ngân kịp thời cho khối lượng hoàn thành. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; triển khai nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2021, đảm bảo đúng thời hạn, chất lượng. Thúc đẩy thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai và giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của các cơ quan kiểm toán, thanh tra.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Để duy trì Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX); cải thiện, nâng cao Chỉ số đo lường sự hài lòng (SIPAS) năm 2019 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành văn bản số 4925/UBND-NC ngày 01/11/2019 yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã: chủ động rà soát, đánh giá các nhiệm vụ, tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế về các nội dung trên.
Để cải thiện, nâng cao Chỉ số hài lòng (SIPAS) năm 2019, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định về tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị và thông tin kịp thời đến cá nhân, tổ chức kết quả giải quyết. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án văn hóa công vụ; Quy định của UBND Thành phố về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, Bộ phận tiếp công dân.
Đối với một số tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt kết quả cao được xác định trong Chỉ số CCHC năm 2018, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu: Văn phòng UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc các đơn vị tổ chức tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, thủ tục hành chính kịp thời, đúng quy định.
Sở Nội vụ rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; kiểm tra việc thực hiện quy định về cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các cơ quan hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Sở Tài chính sớm trình UBND Thành phố ban hành ngay tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ; ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng theo quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo thu ngân sách hàng năm của Thành phố đạt và vượt theo Kế hoạch được Chính phủ giao.
Sở Thông tin và Truyền thông trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND Thành phố khẩn trương hoàn thiện, trình Thành phố phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử để triển khai trên toàn Thành phố; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về ứng dụng công nghệ thông tin (Báo cáo quý, năm), các nhiệm vụ, đề án, kế hoạch phải đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ, chất lượng; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị mở rộng các hình thức thông tin, tuyên truyền tới người dân về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm nâng cao tỷ lệ giao dịch trên môi trường mạng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu trình UBND Thành phố các giải pháp đột phá nhằm tăng tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2019.
UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; tăng tỷ lệ đạt chuẩn đối với cán bộ cấp xã tại một số chức danh: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh của Thành phố
Báo cáo Thành ủy kết quả thực hiện Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 01/12/2015 của HĐND Thành phố về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 (Báo cáo số 604/BC-UBND ngày 4/11/2019), sau hơn ba năm UBND Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện, kết quả đạt được được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao, cụ thể: nhiều nút, tuyến đường trước đây từng là điểm nóng về tình trạng ùn tắc giao thông đã cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông như nút:  Cầu vượt nút giao Cổ Linh; Cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; Cầu vượt nút giao An Dương... Đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Ý thức tham gia giao thông của người dân cũng đã có chuyển biến tích cực; số lượng người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ngày càng tăng. Công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông, giải tỏa việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; công tác xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông được duy trì thường xuyên, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút, các tuyến đường. Các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2012-2015 đến nay cơ bản hoàn thành, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố; các dự án mới trong giai đoạn 2016-2020 hiện triển khai chậm, chưa đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra. 
Về đánh giá các chỉ tiêu đạt được so với yêu cầu của chương trình: Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn hàng năm đều giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ, số người chết, số người bị thương so với các năm trước. So sánh thời điểm 10 tháng đầu năm 2019 với thời điểm năm 2015, TNGT giảm 637 vụ, giảm 189 người chết, giảm 743 người bị thương. Bình quân mỗi năm, giảm 127 vụ (7,49%), giảm 38 người chết (6,31%), giảm 149 người bị thương (10,41%). Việc giảm tai nạn giao thông hàng năm đạt so với chỉ tiêu đặt ra là giảm 5-10% hàng năm trên cả ba tiêu chí những vẫn ở mức thấp.
Từ năm 2016 đến nay đã xử lý được 55 điểm ùn tắc giao thông là đạt so với yêu cầu chỉ tiêu (Đến cuối năm 2020 giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông). Tuy nhiên do lưu lượng giao thông tăng nhanh lại phát sinh nhiều điểm ùn tắc mới cần tiếp tục xử lý để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. 
Thành phố đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông vận tải Thủ đô: Triển khai phần mềm Govone trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến buýt BRT; Đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống bản đồ kỹ thuật số hiển thị tình trạng giao thông theo thời gian thực; Đang triển khai xây dựng tiêu chí lắp đặt camera trên địa bàn thành phố để triển khai lắp đặt đồng bộ trên địa bàn thành phố, trước mắt tập trung lắp đặt tại các quận nội thành trong đó có phát triển, mở rộng và kết nối, điều khiển đồng bộ toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông, camera giao thông tại các nút, các tuyến đường về Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại 54 Trần Hưng Đạo và Trung tâm Quản lý điều hành giao thông tại Kim Mã.
Đang triển khai xây dựng Trung tâm giám sát điều hành giao thông chung cho Thành phố; Triển khai dự án "Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội" bằng nguồn hỗ trợ của JICA. Trong đó, triển khai trung tâm quản trị hệ thống vé điện tử dùng chung để kịp thời phục vụ cho khai thác vận hành các tuyến xe buýt và các tuyến đường sắt đô thị.
Hiện đại hóa công nghệ quản lý như: đã triển khai thí điểm hệ thống vé thẻ thông minh (Smart card); Tổ chức quản lý giám sát hành trình xe bằng thiết bị định vị GPS; lắp đặt camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự trên xe buýt, triển khai phần mềm tìm bus. Thông tin, tuyên truyền, quảng bá luồng tuyến, hoạt động vận tải bằng xe buýt.
 Trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình trọng điểm, các tuyến đường sắt đô thị như: Dự án Xây dựng các tuyến đường vành đai 1 (Hoàng Cầu - Voi Phục); đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy); đường vành đai 2,5 (đoạn Đầm hồng - Quốc lộ 1A); tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội); các tuyến đường trục hướng tâm như Quốc lộ 6 (đoạn Ba la - Chúc Sơn); Dự án Quốc lộ 1 (đoạn từ Văn Điển đến Ngọc Hồi ); tuyến đường từ Lê Trọng Tấn đến Vành đai 3; đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 3A để đi vào hoạt động phần đi nổi vào tháng 10/2020; phối hợp với Bộ GTVT để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông) vào hoạt động; Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường giao thông theo quy hoạch và các tuyến đường sắt đô thị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Tập trung cho công tác tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, giám sát, điều hành giao thông; xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh tại khu liên cơ Võ Chí Công.
Tiếp tục đầu tư, mở rộng mạng lưới vận tải HKCC bằng xe buýt, tăng cường công tác quản lý nhà nước về vận tải.
Tiếp tục, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Tăng cường công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; số hóa kết cấu hạ tầng giao thông và xây dựng bản đồ số giao thông theo thời gian thực nhằm cung cấp tình hình giao thông trực tuyến cho kênh VOV giao thông và nhân dân được biết, phục vụ việc lựa chọn tuyến đường đi thích hợp góp phần hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và siết chặt kỷ cương trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đầu tư xây dựng trung tâm giám sát điều hành giao thông và xây dựng nền tảng giao thông thông minh.
Mạng lưới xe buýt của Thành phố phủ khắp 30 quận - huyện - thị xã, phục vụ 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%)
Ngày 4/11/2019, UBND Thành phố có Báo cáo số 606/BC-UBND báo cáo  Thành ủy kết quả triển khai Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND ngày 04/7/2017 của HĐND Thành phố về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” như sau:
UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các quận và các đơn vị liên quan tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nội dung của Đề án, đồng thời với việc thực hiện các Chương trình công tác của Thành ủy, HĐND Thành phố về lĩnh vực giao thông vận tải. Kết quả, đến nay tình trạng ùn, tắc giao thông đã từng bước được giải quyết có hiệu quả (Năm 2016: 41 điểm; Năm 2017: 37 điểm; Năm 2018 còn 33 điểm; Đến tháng 10/2019 còn 27 thường xuyên ùn tắc giao thông); Vận tải hành khách công cộng được nâng cao về số lượng phương tiện, đến nay toàn thành phố đã đưa thêm 14 tuyến buýt mới vào hoạt động nâng tổng số tuyến toàn mạng lên 124 tuyến, hiện nay mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận - huyện - thị xã và phục vụ đến: 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường THCS, THPT đạt (42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%). Vận tải hành khách công cộng tiếp tục có sự tăng trưởng (Tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn Thành phố năm 2019 ước đạt 948,5 triệu lượt hành khách, trong đó xe buýt đạt 510,5 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 3,2% so với năm 2017). Đối với các nhiệm vụ vượt quá thẩm quyền đã nêu trong Quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 UBND Thành phố báo cáo Chính phủ thì đều được Chính phủ thống nhất chủ trương, quan tâm chỉ đạo các Bộ, ban, ngành trung ương phối hợp thực hiện.
Trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ quyết liệt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau: tập trung phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung theo quy hoạch và các kế hoạch đã có. Tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ nay đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng vào năm 2020 đạt trên 20% và các điều kiện thực hiện dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông nhằm phát huy tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đảm bảo trật tự an toàn giao thông góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Hoàn thiện 02 Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”; “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các Quận vào năm 2030”. Tăng cường công tác tuyên tuyền vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng giao thông cá nhân.
Đề nghị Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà không xả thải ra suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất
Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản số   9863/BC/STNMT báo cáo nhanh UBND Thành phố về việc xả nước xúc, rửa bể trung gian ra môi trường của Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà như sau: bể chứa trung gian của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà tại thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất gồm 02 bể chứa số 1 và 2 (dung tích 30.000 m3/bể) để chứa nước sạch được dẫn chảy tự nhiên từ Nhà máy nước sạch sông Đà - Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà, dùng để cấp nước cho khách hàng và dẫn chảy tự nhiên đến Trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm để cấp nước cho các đơn vị sử dụng (bể chứa không có hệ thống châm bổ sung Clo). Theo báo cáo của Công ty, ngày 09/10/2019 khi phát hiện sự cố có vàng dầu vào nước, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã ngừng cấp nước vào bể trung gian. Đến ngày 18/10/2019 sau khi có kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng nước của tất cả các trạm của Công ty do Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế lấy mẫu ngày 14-16/10/2019, Công ty đã cho xả kiệt bể số 2 của Bể chứa nước trung gian và tiến hành xúc rửa 02 bể trung gian để tiến hành lấy nước sạch vào bể theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, việc xúc rửa bể Công ty không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng công nhân cọ rửa cơ học.
Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà tiến hành quá trình xúc rửa, xả nước xúc rửa từ bể chứa trung gian ra môi trường là suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Căn cứ kết quả kiểm tra Biên bản giao ca, nhật ký vận hành từ 01/10/2019 đến nay của bể chứa trung gian cho thấy: Từ ca 1- ngày 09/10/2019 Công ty đã ngừng cấp nước vào bể trung gian; Từ ngày 10/10/2019 Công ty bắt đầu tiến hành xả kiệt bể số 2, xúc xả tuyến ống vào bể chứa. Ngày 21/10/2019, Công ty tiến hành xả kiệt nước trong bể chứa trung gian từ 14h đến 19h42 phút cùng ngày, sau khi Viện Công nghệ môi trường- Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện thu mẫu (lấy 01 mẫu nước thải tại vị trí xả cuối cùng) thì đơn vị ngừng xả, cũng là thời điểm bể đã được xúc rửa xong, khối lượng nước xúc rửa xả ra môi trường trong ngày 21/10/2019 khoảng 2500-3000m3.
Trước và trong quá trình xúc rửa bể chứa nước trung gian, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà không thông báo đến nhân dân, chính quyền địa phương (UBND xã Yên Bình, UBND huyện Thạch Thất); không xuất trình được quy trình xúc rửa và xả thải nước quá trình xúc rửa ra môi trường. Công ty chưa xuất trình được Hồ sơ thiết kế Bể chứa trung gian, hồ sơ về công tác chấp hành các quy định của pháp luật Bảo vệ môi trường và giấy phép xả thải. Công ty không thực hiện phân tích chất lượng nước xúc, xả vệ sinh bể chứa trung gian trước khi xả ra môi trường (vì nước dẫn vào bể trung gian là nước sạch).
Xét báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 01/11/2019, UBND Thành phố có văn bản số 10416/VP-ĐT yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, vận hành của bể chứa trung gian theo đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Trước khi xả thải Công ty phải có thông báo gửi chính quyền địa phương biết và giám sát, tránh gây hoang mang cho dư luận, nhân dân trong khu vực. Chất lượng nước xả thải phải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép. Đề nghị đơn vị nghiên cứu, thay đổi phương án xả thải; không xả thải ra suối Đồng Bãi, thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Căn cứ kết quả phân tích các mẫu nước xả thải tại phòng thí nghiệm, nếu các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn, UBND Thành phố giao UBND huyện Thạch Thất lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.
Phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch cho 8 xã và vùng phụ cận huyện Đan Phượng
Ngày 29/10/2019, UBND Thành phố đã phê duyệt Quyết định số 5978/QĐ-UBND về việc chủ trương giao Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội thực hiện đầu tư dự án xây dựng hệ thống nước sạch cho 08 xã (Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung) và vùng phụ cận huyện Đan Phượng, với công suất cấp nước: 20.000(m3/ngđ); quy mô dân số được cấp nước: khoảng 84.408 người (20.000 hộ). Nguồn cấp: đến năm 2019 khi nhà máy nước Sông Hồng chưa đi vào hoạt động, lấy nước từ hệ thông cấp nước Sông Đà để cấp nước cho 03 xã Hạ Mỗ, Liên Hồng, Liên Hà. Đến năm 2020 khi đã có nguồn từ nhà máy nước Sông Hồng, sẽ cấp nước cho 05 xã còn lại đảm bảo bao phủ toàn bộ 08 xã của dự án. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án được đăng ký trên nguyên tắc do các Nhà đầu tư tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính chính xác phù hợp theo quy định. Việc xây dựng phương án giá nước phải tuân thủ quy định hiện hành tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007, Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Thông tư liên bộ số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quy định liên quan khác của Nhà nước và Thành phố.
Dự án được triển khai sẽ xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước phân phối, dịch vụ, đấu nối cấp nước cho người dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn các xã và vùng phụ cận; xây dựng hệ thống cấp nước phù hợp với quy hoạch cấp nước đã được duyệt khớp nối đồng bộ với hệ thống mạng lưới truyền dẫn theo quy hoạch thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng, góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân.  
Nhà đầu tư có trách nhiệm: thực hiện các quy định của Nhà nước tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai dự án; đảm bảo vốn chủ sở hữu và vốn huy động để triển khai dự án theo đúng tiến độ được phê duyệt; xây dựng phương án giá bán nước phù hợp với các quy định của nhà nước và giá nước hiện hành của Thành phố đang thực hiện làm cơ sở tổ chức thực hiện và hoạch toán chi phí tại doanh nghiệp; lựa chọn, sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, sử dụng ống nước có thời hạn sử dụng 30-50 năm, đảm bảo tiêu chuẩn đáp ứng chất lượng nước theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đảm bảo hiệu quả đầu tư và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thành phố về tính trung thực, tính chính xác của hồ sơ tài liệu gửi kèm đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; chịu trách nhiệm và đảm bảo về số vốn chủ sở hữu, vốn huy động để thực hiện dự án đúng quy định pháp luật... và một số nội dung khác có liên quan.