Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND TP Hà Nội từ ngày 28/9 đến ngày 5/10/2020

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày ngày 28/9 đến ngày 5/10/2020.

I. Hoạt động chỉ đạo, điều hành chung

Tuần qua (28/9 - 5/10/2020), UBND Thành phố đã tiếp nhận, xử lý công việc tại 1.514 văn bản hành chính nhà nước; tiếp nhận mới 50 hồ sơ TTHC có thời hạn trả kết quả (đã hoàn thành và trả kết quả 29 hồ sơ; đang giải quyết 21 hồ sơ). Thành phố đã tiếp 136 lượt công dân (196 người); tiếp nhận 358 đơn khiếu nại, tố cáo; đã xử lý: 256 đơn. Các đồng chí Lãnh đạo UBND Thành phố đã phê duyệt 746 văn bản chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực, cụ thể:

- Lĩnh vực kinh tế: chỉ đạo thực hiện kết luận của Thường trực HĐND Thành phố tại Phiên giải trình tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của Thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc duy trì, vận hành hệ thống tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, xã hội năm 2020.

- Lĩnh vực đô thị: chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình GPMB tại ga ngầm S10 thuộc dự án tuyến ĐSĐT thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố. Việc thu hồi đất thực hiện dự án Xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, giai đoạn II. Ban hành các quyết định: sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND, ngày 25/01/2013, của UBND Thành phố; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2020 các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Long Biên.

- Lĩnh vực văn hóa - xã hội: chỉ đạo việc tiếp nhận, vận chuyển, bàn giao người Việt Nam từ nước ngoài về nước trên các chuyến bay thương mại. Tăng cường tổng vệ sinh môi trường trên toàn Thành phố chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; chuẩn bị phương án đón tiếp đại biểu các tỉnh, thành phố tham dự lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020). Triển khai thực hiện Đề án xây dựng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trở thành Tổ hợp truyền thông, hiện đại của Thủ đô, giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn 2030. Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục dân tộc. Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Báo cáo Bộ Tài chính kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2 theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013, của Thủ tướng Chính phủ. Ban hành các quyết định phê duyệt Đề án trường chất lượng cao đối với trường THPT Phan Đình Phùng và THPT Kim Liên

- Lĩnh vực nội chính: chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU, ngày 10/9/2020, của Thành ủy về bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy (04/10). Ban hành Kế hoạch điều tra xã hội học xác định Chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2020 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố. Phê duyệt các quyết định: tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020 cho 48 cá nhân; tặng giải thưởng cúp Thăng Long năm 2020 cho 10 doanh nghiệp tiêu biểu, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô; khen thưởng đột xuất cho các cá nhân thuộc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cấp cứu, cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung và thai nhi 25 tuần tuổi.

II. Một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật

Tổng vệ sinh môi trường trên toàn Thành phố, từ ngày 02/10/2020

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về việc tăng cường công tác vệ sinh môi trường trên toàn Thành phố chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố, lần thứ XVII, UBND Thành phố ban hành văn bản số 4793/UBND-KGVX, ngày 02/10/2020, chỉ đạo tăng cường công tác tổng vệ sinh môi trường trên toàn Thành phố chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII như sau:

1. Phát động phong trào tổng vệ sinh môi trường trên toàn Thành phố

- Tổ chức phát động đợt cao điểm về vệ sinh môi trường trên địa bàn bắt đầu từ ngày 02/10/2020; đảm bảo triển khai đến từng thôn, tổ dân phố, từng hộ gia đình; các địa điểm công cộng; cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện…

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan thông qua các hình thức: băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích…và tuyên truyền lưu động trên địa bàn tập trung đông dân cư. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị kết hợp với tuyên truyền về an toàn giao thông trên hệ thống loa truyền thanh của phường, xã, thị trấn.

- Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, môi trường; các quy định về quản lý quảng cáo, rao vặt, ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường, đảm bảo trật tự, kỷ cương, mỹ quan đô thị. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực phụ trách và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường trên địa bàn

- Tháo dỡ mái che, mái vẩy, xóa bỏ quảng cáo rao vặt làm mất mỹ quan đô thị; Thực hiện quảng cáo theo quy định; Kiên quyết dẹp bỏ họp chợ, kinh doanh buôn bán, để vật liệu xây dựng, rửa xe, trông, gửi xe ô tô, xe máy trên hè, đường không đúng quy định.

- Các đơn vị vệ sinh môi trường có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, tuyến phố, khu dân cư. Thu dọn, vận chuyển kịp thời, không để rác thải tồn đọng trong ngày. Lòng đường vỉa hè luôn sạch sẽ; không có nước đọng, rác thải trên lòng đường, vỉa hè. Vệ sinh các thùng rác công cộng, các xe gom rác đảm bảo mỹ quan đô thị. Thực hiện các giải pháp giảm bụi bẩn trên đường phố; xây dựng, lắp đặt bổ sung và đảm bảo hiệu quả hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng; tổ chức các đợt tăng cường vệ sinh môi trường; thực hiện đồng bộ công tác vệ sinh môi trường với đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và chỉnh trang đô thị.

- Tiếp tục duy trì thực hiện Chỉ thị số 04/2003/CT-UB, ngày 17/01/2003, của UBND Thành phố về việc tổng vệ sinh toàn Thành phố vào 6h30, thứ Bảy hàng tuần. Thực hiện tốt phong trào tổng vệ sinh tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; các khu tập thể, tổ dân phố, khu dân cư. Tạo thói quen không vứt rác ra đường, bảo vệ chăm sóc cây xanh, tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt, thành nếp sống đẹp của người Thủ đô.

- Tiếp tục triển khai thực hiện 02 Bộ quy tắc ứng xử nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong giao tiếp ứng xử, nhất là trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa thương mại, giao tiếp, ứng xử ở nơi công cộng. Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán; mọi người khi tham gia giao thông thực hiện đi đúng làn đường, đỗ dừng xe, để xe đúng nơi quy định.

- Tiếp tục thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Phong trào “Người tốt - Việc tốt”; những quy định trong xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa. Tổ chức tốt việc xét công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Đẩy mạnh và duy trì hoạt động và nề nếp sinh hoạt văn minh công sở kết hợp với kiểm tra, đánh giá, xử lý thường xuyên.

- Duy trì và tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng” trên địa bàn toàn Thành phố và phong trào thực hiện tổng vệ sinh vào chiều thứ Sáu, sáng thứ Bảy hàng tuần, tập trung vào khối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các khu tập thể, tổ dân phố, khu dân cư tập trung .

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo hướng dẫn của ngành y tế. Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn theo dõi cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến người dân để chủ động phòng dịch.

- Thực hiện tuyên truyền phòng chống dịch bệnh bằng các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật trong thang máy tại các khu chung cư, trên màn hình Led tại các địa điểm công cộng 24/24/7 để mọi người dân, kể cả người nước ngoài biết cách phòng, chống cũng như sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 gây ra.

- Thường xuyên phun thuốc khử khuẩn môi trường tại cơ quan, đơn vị, các thôn, xóm...

- Trên cơ sở các phong trào thi đua của Thành phố, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, các địa phương tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, cụ thể trong từng cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh môi trường của Thành phố.

- Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện: UBND Thành phố thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện tại các quận huyện, sở, nghành và tại các xã, phường, thị trấn.

2. Phân công thực hiện

- Sở Văn hóa và Thể thao: Chủ trì xây dựng và hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Phối hợp các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền vận động thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; các hoạt động văn hóa, thể thao phong phú lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô. Hướng dẫn các địa phương xây dựng các quy ước về việc cưới việc tang và lễ hội theo quy định của pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán từng vùng, từng dân tộc.

- Sở Xây dựng: xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Tăng cường quản lý trật tự xây dựng, vệ sinh và cảnh quan môi trường. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các địa phương chỉ đạo thực hiện xây dựng điểm thu gom, trung chuyển rác theo quy hoạch, bố trí thêm các nhà vệ sinh công cộng tại các điểm phù hợp; trang bị nước rửa tay khử khuẩn tại các nhà vệ sinh công cộng.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin, truyền thông, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã hỗ trợ xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước mặt tại các kênh, mương, các khu dân cư tập trung nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan đô thị và khu dân cư.

- Công an Thành phố: Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ. Phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, ma túy đối với người điều khiển phương tiện giao thông; vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, vận tải hàng hóa. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các nội dung: Đã uống rượu, bia không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; không sử dụng chất ma túy; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi đi ô tô; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông.

- Sở Giao thông Vận tải: Tăng cường công tác tổ chức giao thông hợp lý, khoa học; tiếp tục tập trung xử lý các điểm ùn tắc giao thông, điểm đen về tai nạn giao thông; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác duy tu, duy trì hệ thống cầu, đường bộ. Chỉ đạo các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng, tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, hoàn thành công tác nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố.

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc: Chủ trì nghiên cứu và phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện quy hoạch chỉnh trang một số tuyến đường, tuyến phố, tập trung các quận nội thành, theo hướng văn minh đô thị.

- Sở Công Thương: Xây dựng và thực hiện Kế hoạch tăng cường quản lý, kiểm tra các chợ, trung tâm thương mại thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện văn minh thương mại.

 - Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, văn hóa trong ứng xử một cách sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Thành đoàn Hà Nội: Chỉ đạo các trường giáo dục học sinh, sinh viên tăng cường giáo dục pháp luật và thực hiện nếp sống văn minh thanh lịch, văn hóa học đường; gìn giữ các giá trị truyền thống, thẩm mỹ và lối sống lành mạnh; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Chỉ đạo hệ thống nhà trường trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Sở Thông tin và Truyền thông

+ Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế và Đô thị và các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự nhận thức sâu sắc của nhân dân Thủ đô về mục đích ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào, nhất là trong công tác trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

+ Phối hợp các cơ quan thông tin, tuyên truyền và hệ thống báo đài của trung ương, của Thủ đô thường xuyên đưa tin, bài khơi dậy ý thức và trách nhiệm của người dân Thủ đô trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch; phổ biến các quy định về vệ sinh môi trường để nhân dân biết, thực hiện; tăng cường thực hiện các bài viết, phóng sự, đưa tin, hình ảnh về các hoạt động bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố; kịp thời khen ngợi, biểu dương những tổ chức, đơn vị, cá nhân làm tốt, phê phán các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hộ gia đình chưa thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường, các hành vi làm ảnh hưởng tới môi trường.

+ Phối hợp các cơ quan thông tin, truyền thông, báo đài tiếp tục xây dựng chuyên mục tăng cường quản lý đô thị, trong đó phản ánh thường xuyên, kịp thời việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn các địa phương.

+ Thông tin thường xuyên, kịp thời chính xác về tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để nhân dân biết và thực hiện cách phòng, tránh.

- Sở Y tế: Tăng cường công tác kiểm tra việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, chất thải y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và lực lượng Cảnh sát Môi trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm môi trường. Tiến hành rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế của từng cơ sở y tế, xây dựng các phương án, tiến hành tập huấn các phác đồ điều trị cách phòng, chống và khả năng để tăng quy mô điều trị. Phối hợp với các bệnh viện Trung ương, lực lượng Quân y để nâng cao khả năng xét nghiệm COVID-19. Tiến hành diễn tập phân luồng, phân tuyến, vận chuyển, cách ly và điều trị đối với từng cấp độ dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh đảm bảo khả năng cao nhất trong xử lý tình huống khi có dịch bệnh xảy ra.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Phối hợp, đảm bảo kinh phí để sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Phong trào “Sạch nhà - sạch phố - đẹp Thủ đô”.

- Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ): Kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện tại các Sở, ban, ngành, các địa phương, tham mưu đề xuất UBND thành phố có các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt đợt phát động.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

+ Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng Cảnh sát Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm môi trường theo thẩm quyền. Phối hợp với các Sở - ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn.

+ Tổ chức ra quân, phát động tổng vệ sinh môi trường triển khai tới các thôn, làng, tổ dân phố, vận động, yêu cầu nhân dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh đô thị; sắp xếp cửa hàng, cửa hiệu, xe máy, xe đạp gọn gàng, để đúng vị trí quy định. Xóa bỏ quảng cáo rao vặt, khơi thông cống rãnh, làm sạch ao tù nước đọng chỉnh trang mặt trước nhà đảm bảo gọn gàng mỹ quan đô thị.

+ Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” gắn với Phong trào “Người tốt - Việc tốt” một cách rộng khắp, thực chất ở địa phương.

+ Chỉ đạo các lực lượng chức năng (Công an, Thanh tra, ...) tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông và trật tự xây dựng, trật tự đô thị.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố: Phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tích cực tham gia hưởng ứng phong trào tổng vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, UBND Thành phố phê duyệt Quyết định số 24/2020/QĐ-UBND, ngày 02/10/2020, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND, ngày 25/01/2013, của UBND thành phố Hà Nội, một số nội dung như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội như sau

1. Sửa đổi Khoản 1, 3, 4, 7; bổ sung Khoản 8 Điều 2 như sau:

“1. Trọng tải toàn bộ xe cho phép là bằng tải trọng bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

3. Ô tô chuyên dùng thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

4. Xe đạp đôi: là xe đạp có từ 02 bộ bàn đạp.

7. Giờ cao điểm: là khoảng thời gian được quy định như sau: Sáng từ 6h00’ đến 9h00’, chiều từ 16h00’ đến 19h30’ hàng ngày.

2. Sửa đổi Điều 3 như sau:

“Điều 3. Một số nguyên tắc chung

1. Mọi phương tiện giao thông đường bộ hoạt động trên địa bàn Thành phố phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật liên quan.

2. Việc tổ chức các hoạt động giao thông phải đảm bảo tính thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả.

3. Tổ chức, cá nhân khi tham gia giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.”

3. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, 2 Điều 4 như sau:

“1. Phạm vi hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ được giới hạn từ phía bên trong đường bao trở vào trung tâm Thành phố của các đường sau: Đường Phạm Văn Đồng - Hồ Tùng Mậu (đoạn từ ngã tư Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng đến ngã tư Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ) - Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo - Đại lộ Thăng Long (đoạn từ Lê Quang Đạo đến đường 70) - Đường 70 (đường Tây Mỗ; đoạn từ Đại Lộ Thăng Long đến đường 72) - Đường 72 (đường Hữu Hưng; đoạn giao đường 70 đến đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông) - Đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) - Văn Khê - Phúc La - Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ - Ngọc Hồi (đoạn từ ngã ba Phan Trọng Tuệ đến ngã tư Pháp Vân) - Vành đai 3 (đoạn từ ngã tư Giải Phóng - Pháp Vân đến đường Nguyễn Văn Linh) - Nguyễn Văn Linh - cầu vượt nút giao Trung tâm quận Long Biên - đường Lý Sơn - cầu Đông Trù - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt (đoạn từ ngã tư đường Hoàng Sa đến cầu Thăng Long) - cầu Thăng Long trở vào trung tâm Thành phố.

2. Đoạn đường các phương tiện giao thông đường bộ được hoạt động trong khu vực hạn chế:

 a) Đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu vượt nút giao Trung tâm quận Long Biên đến Nguyễn Sơn), Ngọc Lâm (đoạn từ ngã ba Ngọc Lâm - Nguyễn Văn Cừ đến ngã tư Ngọc Lâm - Ngô Gia Khảm), Ngô Gia Khảm, đường Bắc Thăng Long - Vực Dê, đường Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ đường Cổ Linh đến đường Nguyễn Văn Linh), Tam Trinh (đoạn từ chợ đầu mối Đền Lừ đến đường Vành đai 3), Đường Đại lộ Thăng Long (đoạn từ đường Phạm Hùng đến nút giao Đường 70);

b) Đường Vành đai 3 trên cao, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép hoạt động, trừ xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Các loại phương tiện giao thông thô sơ đường bộ; người đi bộ không được phép hoạt động trên đường Vành đai 3 trên cao;

c) Đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến (đoạn tiếp đất từ đường Vành đai 3 trên cao đi Đại Lộ Thăng Long và ngược lại) các phương tiện được phép hoạt động.”

4. Sửa đổi Điều 5 như sau:

a. Sửa đổi Khoản 1, 2 như sau:

“1. Các loại ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép đến 1,50 tấn (không bao gồm xe bán tải ‘xe Pickup’, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg) chỉ được hoạt động ngoài giờ cao điểm trên các tuyến đường.

2. Các loại ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép từ 1,50 tấn trở lên; xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ chỉ được hoạt động từ 21h00’ đến 6h00’ sáng ngày hôm sau trên các tuyến đường.”

b. Sửa đổi điểm c, d, e Khoản 3 như sau:

“c) Xe ô tô tải chở thực phẩm tươi sống, rau, quả, các xe chở thuốc và thiết bị y tế đến các cơ sở y tế có trọng tải toàn bộ xe cho phép đến 2,5 tấn, chỉ được hoạt động ngoài giờ cao điểm trên các tuyến đường.

d) Xe vận chuyển bưu gửi (thư, gói, kiện hàng hóa được chấp nhận, vận chuyển và phát hợp pháp qua mạng bưu chính) được phép hoạt động 24/42h hàng ngày; đối với xe vận chuyển bưu gửi của doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chỉ định thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng; cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được phép dừng, đỗ tại điểm phục vụ bưu chính nhưng phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

e) Các loại xe ô tô chuyên dùng vận chuyển vật tư, thiết bị sửa chữa cầu, đường; vận chuyển rác, thu gom rác (trừ xe tham gia tổng vệ sinh phục vụ nhiệm vụ đột xuất), chỉ được hoạt động từ 19h30’ đến 06h00’ sáng hôm sau trên các tuyến đường. Các xe thu gom rác phải tập kết tại các vị trí đúng quy định.”

c. Sửa đổi điểm a, c Khoản 4 như sau:

“a) Các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được phép hoạt động ngoài giờ cao điểm; trừ các loại xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái), xe ô tô vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc được phép hoạt động 24/24h. Các loại xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có sức chứa từ 35 chỗ trở lên (bao gồm cả người lái) được phép hoạt động ngoài giờ cao điểm; trừ xe ô tô có sức chứa dưới 35 chỗ được phép hoạt động 24/24h (các loại xe trên phải có phù hiệu, biển hiệu được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật);

c) Các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải đi theo luồng tuyến và đón trả khách tại các điểm dừng, đỗ theo quy định của Thành phố được phép hoạt động 24/24h; xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách đi theo luồng tuyến quy định của Thành phố được phép hoạt động ngoài giờ cao điểm (các loại xe này phải có phù hiệu được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật).”

d. Bổ sung điểm c, d Khoản 5 như sau:

“c) Xe buýt, xe khách hai tầng thoáng nóc (xe buýt hai tầng) hoạt động theo thời gian và lộ trình quy định của Thành phố.

d) Xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT): Thời gian và lộ trình hoạt động theo làn đường quy định riêng (được phân định bằng vạch sơn liền, đinh phản quang, dải phân cách cứng, hệ thống biển báo v.v.). Chỉ xe BRT, xe ưu tiên theo quy định của pháp luật được hoạt động trong làn đường này.”

5. Bãi bỏ Khoản 1 Điều 6 như sau:

“Bãi bỏ Khoản 1 Điều 6.”

6. Sửa đổi Điều 8 như sau:

a) Sửa đổi điểm a, c Khoản 1 như sau:

“a) Tổ chức kiểm tra, lắp đặt biển báo giao thông theo quy định. Tổ chức phân luồng và bố trí xe khách liên tỉnh vào các bến trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định luồng tuyến.

c) Tổ chức cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng (giấy phép lưu hành xe). Chấp thuận xe ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép từ 10 tấn trở lên được hoạt động trong phạm vi hạn chế theo luồng tuyến nhất định, ngoài thời gian cho phép hoạt động theo quy định này khi có ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.”

b) Sửa đổi điểm b Khoản 2 như sau:

“b) Chấp thuận xe ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép đến 10 tấn, xe ô tô vận tải hành khách được hoạt động trong phạm vi hạn chế theo luồng tuyến nhất định, ngoài thời gian cho phép hoạt động theo quy định này khi có ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2020.

2. Quyết định này sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội; các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/01/2013 của UBND thành phố Hà Nội.

Quyết liệt giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn Thành phố, ưu tiên giải quyết các dự án đầu tư công

Xét báo cáo và đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố, tại văn bản số 4728/UBND-GPMB ngày 28/9/2020, UBND Thành phố chỉ đạo như sau:

1. Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, ưu tiên giải quyết các dự án đầu tư công; chủ động liên hệ với các sở, ngành để được tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết đối với những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền. Tăng cường công tác quản lý đất đai; chống lấn chiếm, xây dựng trái phép; kịp thời giải tỏa các vi phạm về đất đai. Tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ; tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.

2. Giao các sở, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật, chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn các quận, huyện.

3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện; tiếp tục chủ trì Tổ công tác Liên ngành để rà soát, tháo gõ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công; báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bàn giao mặt bằng thực hiện dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II

Xét báo cáo của Thanh tra Thành phố việc rà soát căn cứ pháp lý và trình tự, thủ tục thu hồi đất, việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ chưa bàn giao mặt bằng khi thực hiện dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, UBND Thành phố ban hành văn bản số 8371/VP-GPMB ngày 28/9/2020 giao UBND huyện Sóc Sơn tổ chức tuyên truyền, vận động thuyết phục các hộ gia đình chưa chấp hành bàn giao mặt bằng; có biện pháp quản lý chống lấn chiếm đối với diện tích đất đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng; Khẩn trương cập nhật dự án vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của Huyện làm cơ sở pháp lý và đảm bảo đủ trình tự về thủ tục áp dụng các biện pháp hành chính cương quyết để thu hồi đất theo quy định.

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong việc vận chuyển, tiếp nhận rác thải tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn

Kiểm tra tiến độ dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 và tiến độ thực hiện dự án đường 35 huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Đối với dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2. Công tác triển khai thi công tại hiện trường khu phía Bắc giai đoạn 2 của dự án chậm so với yêu cầu tiến độ. Công tác hiện trường chưa được triển khai đồng bộ, số lượng máy móc thiết bị thi công ít, không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, chưa chủ động mở đường công vụ nên công tác thi công còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Yêu cầu Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố chỉ đạo nhà thầu, đơn vị thi công tăng cường máy móc, thiết bị, làm đường công vụ, tăng thời gian thi công liên tục 3 ca (24/24h) khắc phục thời tiết không thuận lợi, để đảm bảo kịp tiến độ hoàn thành các ô chôn lấp, bàn giao cho Sở Xây dựng vận hành được trong tháng 10/2020.

Đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo UBND các xã tạo điều kiện cho Chủ đầu tư, các đơn vị thi công Dự án thực hiện thi công 3 ca liên tục để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

- Về công tác GPMB: UBND huyện Sóc Sơn chủ động rà soát, chi trả tiền thưởng tiến độ GPMB, phương án hỗ trợ tiền tạm cư theo quy định cho các trường hợp tự nguyện bàn giao mặt bằng để tạo điều kiện sớm có mặt bằng thi công; báo cáo UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền. Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn và hồ sơ, dự án đã được cập nhật vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Sóc Sơn, giao UBND huyện Sóc Sơn rà soát, kiểm tra áp dụng các biện pháp hành chính kiên quyết để thu hồi đất đối với phần diện tích chưa bàn giao mặt bằng theo đúng quy định của Luật Đất đai, đảm bảo ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

2. Đối với công tác vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn:

- Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, báo cáo UBND Thành phố phương án tạm ứng, thanh toán cho các đơn vị đã và đang thực hiện xử lý nước rác, xử lý rác giai đoạn trước gói thầu vận hành (từ 01 đến 21/01/2020), xử lý rác tại Khu XLCTR Cầu Diễn trong thời phải điều chỉnh phân luồng xử lý rác năm 2019, báo cáo UBND Thành phố trước 10/10/2020. Khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự toán hình thành giá gói thầu khẩn cấp xử lý 550.000m3 nước rác, trình UBND Thành phố.

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, rà soát và hướng dẫn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị khảo sát, thực hiện các thủ tục khai thác đất trong phạm vi Vùng ảnh hưởng 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã GPMB để phục vụ vận hành khu xử lý, tiến độ hoàn thành trước 15/10/2020.

3. Dự án tuyến đường 35, huyện Sóc Sơn: Hiện trạng tuyến đường 35, huyện Sóc Sơn từ ngã tư Nỷ đến ngã ba vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (khoảng 200m) đang xuống cấp nghiêm trọng, đường đọng nước, không đảm bảo êm thuận, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường khi các xe lưu thông, đặc biệt là các xe vận chuyển rác thải. Để đảm bảo phục vụ các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường của Thành phố, UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban duy tu các công trình giao thông vận tải - Sở Giao thông Vận tải khẩn trương áp dụng trường hợp cấp bách để duy tu, khắc phục, sửa chữa ngay đảm bảo chất lượng, hoàn thành trước ngày 10/10/2020 (thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội). Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải bố trí ngay kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cấp bách nêu trên.

4. Đối với dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn: đề nghị Công ty cổ phần Thiên Ý rà soát, tổng hợp tình hình, tiến độ thực hiện dự án, xác định cụ thể những khó khăn vướng mắc và kiến nghị, đề xuất các biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 10/10/2020. Yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Công Thương và các Sở, ngành liên quan tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục, thi công xây dựng công trình, sớm đưa công trình vào vận hành, khai thác sử dụng.

5. Các nội dung khác: Giao UBND huyện Sóc Sơn tập trung các phương án, nguồn lực và giải pháp vận động, tuyên truyền hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng 500m Khu LH XLCT Sóc Sơn; phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố và Ban duy tu các công trình giao thông vận tải - Sở Giao thông vận tải trong việc hoàn thành thi công các ô chứa Khu phía Bắc giai đoạn 2 và sửa chữa đoạn xuống cấp trên tuyến đường 35. Công an Thành phố chỉ đạo Công an huyện Sóc Sơn đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn trong việc vận chuyển, tiếp nhận rác thải tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, đặc biệt trong thời gian kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2020 và thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ Thành phố.

Đẩy nhanh tiến độ dự án Đầu tư di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II

Nghe báo cáo về Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 3, Tập thể Lãnh đạo UBND Thành phố đồng ý nguyên tắc về sự cần thiết lập quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, việc trình phê duyệt phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục, quy định pháp luật. UBND Thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn phối hợp với Thanh tra Thành phố đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư di dân vùng ảnh hưởng môi trường của khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức làm việc với chính quyền địa phương 02 xã, mời cộng đồng dân cư để thông báo nội dung nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện theo đúng Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Làm việc với Trung đoàn 165, Bộ Tư lệnh Thủ đô về việc di dời Trụ sở đóng quân Trung đoàn 165 (20ha đất Trung đoàn 165 đề xuất giữ lại). Tổ chức thẩm định, hoàn chỉnh nội dung Tờ trình, dự thảo quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 3, trình UBND Thành phố trước ngày 15/12/2020.

Phấn đấu đến năm 2030, Thủ đô đón và phục vụ 48-49 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng từ 270-300 nghìn tỷ đồng

Thực hiện Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội hướng tới các mục tiêu: phấn đấu đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ từ 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó có từ 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Dự kiến năm 2030, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ 48-49 triệu lượt khách du lịch trong đó có từ 13-14 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng từ 270-300 nghìn tỷ đồng. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như sau:

1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình tại Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy, Kế hoạch số 207/KH-UBND của UBND Thành phố và các nhiệm vụ Thành phố chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2016 của Chính phủ hướng đến mục tiêu tăng trưởng cả về số lượng khách du lịch và chất lượng hoạt động dịch vụ du lịch; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác.

2. Thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của Thành phố: Triển khai lập quy hoạch xây dựng các phân khu chức năng trong khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai và các điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn Thành phố, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật quy hoạch, Luật xây dựng, Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ; tạo điều kiện thu hút đầu tư nhằm phát triển các vùng du lịch trọng điểm của Thành phố. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cho Chương trình đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và chương trình tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các di sản, di tích lịch sử văn hóa, các Nhà hát biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân và du khách theo quy định.

3. Tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch: Hợp tác, xây dựng các sản phẩm truyền thông cụ thể để phối hợp với hệ thống thông tin của Trung ương và Thành phố. Hoàn chỉnh xây dựng dữ liệu của các điểm đến dịch vụ du lịch để làm nguyên liệu ứng dụng công nghệ, số hóa các sản phẩm, ấn phẩm truyền thông. Chú trọng nghiên cứu thị trường du lịch để có kế hoạch quảng bá quốc tế sâu rộng; trong đó tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh truyền hình CNN quốc tế vào thời điểm phù hợp. Xây dựng các chương trình xúc tiến tái khởi động thị trường du lịch quốc tế, nghiên cứu mở Văn phòng đại diện ở các quốc gia là thị trường du lịch trọng điểm.

4. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tạo dựng liên kết bền vững trong hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch Thủ đô. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức du lịch cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Chủ động, tích cực từng bước tham gia và hội nhập với các tổ chức du lịch chuyên ngành trong khu vực và thế giới nhằm tranh thủ khai thác và phát huy tối đa các mối quan hệ hợp tác đa phương và song phương phục vụ phát triển du lịch Thủ đô.

5. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố; chú trọng đưa vào hoạt động các dự án đầu tư có quy mô lớn như: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); Tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ (quận Tây Hồ)... Đẩy nhanh thủ tục đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long; dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và tại làng dệt lụa Vạn Phúc; dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm... Thu hút đầu tư dự án theo mô hình khách sạn - trường học để tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tăng trưởng lĩnh vực lưu trú du lịch trên địa bàn Thủ đô; dự án Trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch (Outlet); dự án điểm trung chuyển khách phục vụ du lịch..., tổ chức triến khai hiệu quả các tuyến xe buýt kết nối từ trung tâm Thành phố tới các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn.

6. Xây dựng khu, điểm du lịch chất lượng cao để nhân rộng mô hình hoạt động, gồm các điểm đến sản phẩm du lịch: khu vực trung tâm chính trị Ba Đình (gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, công viên Bách Thảo) gắn với khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực hồ Tây và phụ cận; khu di tích Cổ Loa, múa rối nước Đào Thục; di tích đền Hai Bà Trưng; khu du lịch núi Sóc; chùa Hương, khu vực Ba Vì, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương.. làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, du lịch cộng đồng, du lịch kết nối giữa phố nghề, làng nghề truyền thống với các điểm tham quan du lịch khác...

7. Phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới như du lịch y tế chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp cộng đồng, du lịch giáo dục, trải nghiệm dành cho học sinh. Tổ chức thí điểm phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và các khu vực có đủ điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng du lịch.

8. Triển khai dự án phát triển du lịch thông minh, phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông tại các điểm đến du lịch để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quảng bá, xúc tiến và kinh doanh du lịch.

9. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách liên quan trực tiếp đến phát triển du lịch được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương ban hành như: các chính sách ưu đãi hỗ trợ về thuế, giá đất trong lĩnh vực đầu tư du lịch; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Tăng cường công tác quản lý phí, lệ phí và giá dịch vụ.

Đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo nghề tiếp cận dần với trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế

Chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo 09 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 03 tháng cuối năm 2020 của 21 trường công lập của Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý kết luận, chỉ đạo như sau:

1. Đối với 21 trường công lập của Thành phố: tiếp tục chủ động đẩy mạnh công tác tuyển sinh tại đơn vị; đổi mới tư duy, cách tiếp cận học sinh và phụ huynh, tăng cường tương tác trên nền tảng trực tuyến thông qua fanpage, website... Đa dạng các chương trình tư vấn hướng nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp giới thiệu về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm cho học sinh. Nâng cao tay nghề, chất lượng của đội ngũ nhà giáo; Chủ động đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng bám sát thị trường và thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, tiếp cận dần với trình độ tiên tiến khu vực và quốc tế; Tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi, phấn đấu nâng cao tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm; Tích cực tham gia các Kỳ thi tay nghề Thành phố, quốc gia, khu vực và quốc tế, phấn đấu dành nhiều thành tích cao trong các kỳ thi. Mở rộng và đầu tư phát triển đào tạo theo mô hình liên kết với doanh nghiệp; liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín. Gắn đào tạo nghề với sử dụng lao động theo yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh việc đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, với thị trường lao động; Tranh thủ huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phục vụ quá trình đào tạo. Tích cực triển khai hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án cũng như giải ngân các dự án đầu tư đã được UBND Thành phố phê duyệt; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, đề xuất danh mục sửa chữa, chống xuống cấp. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố, không lơ là, chủ quan, kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan tại đơn vị.

2. Đối với các Sở, ban, ngành Thành phố

a. Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Là cơ quan Thường trực, tiếp tục bám sát kiểm tra, hướng dẫn các trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề hoàn thành kế hoạch năm 2020. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc các dự án triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đúng quy định. Phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các trường liên quan hoàn thành tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 phù hợp công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách tuyển sinh, đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên các phương tiện thông tin tuyên truyền của Thành phố để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh. Chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan hàng năm tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp theo nhiều hình thức, đặc biệt nêu bật được lợi thế, những cơ chế chính sách ... cho học sinh cuối cấp THCS, THPT và cha mẹ học sinh được tiếp cận phù hợp với điều kiện thực tế về kế hoạch giáo dục phổ thông chung của Thành phố. Phối hợp Sở Nội vụ tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hoàn thiện “Đề án rà soát, sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc Thành phố”. Chủ trì xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp của Thành phố.

b. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổng rà soát các dự án đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, quan tâm công tác đầu tư giai đoạn 2021-2025, bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn tới. Khẩn trương tổ chức họp các ngành tháo gỡ vướng mắc triển khai dự án của 08 trường nghề trọng điểm. Hướng dẫn trường cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đầu tư xây dựng nhà xưởng thực hành cho học sinh, sinh viên từ nguồn kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng để lại.

c. Sở Tài chính: Hướng dẫn các trường thực hiện cơ chế tự chủ phù hợp thực tế. Nghiên cứu hướng dẫn các trường công tác quản lý tài sản công đối với tài sản cho thuê hoặc liên kết; tham mưu UBND Thành phố cơ chế phân cấp thẩm quyền cho cơ quan chuyên môn quyết định quản lý tài sản công đối với tài sản cho thuê hoặc liên kết.

d. Sở Giáo dục và Đào tạo: Hàng năm, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp trực tuyến cho học sinh cuối cấp THCS, THPT; Chỉ đạo các trường THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp học nghề cho học sinh cuối cấp THCS, THPT; Tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tại các trường THCS, THPT. Nghiên cứu đề xuất giao chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp THCS vào học bậc THPT tại các cơ sở giáo dục phổ thông hàng năm tương ứng với chỉ tiêu phân luồng theo Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 04/12/2018 của UBND Thành phố.

e. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp các đơn vị căn cứ ý kiến của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hoàn thiện “Đề án rà soát, sắp xếp các trường cao đẳng, trường trung cấp công lập thuộc Thành phố”, báo cáo UBND Thành phố.