Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND TP Hà Nội từ ngày 7-11/10/2019

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đảm bảo tốt nhất chất lượng thi công, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường phục vụ thi công đường đua F1; Đầu tư xây dựng 4 cầu vượt trên địa bàn Thành phố; Đẩy mạnh tuyên truyền về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm và lợi ích sử dụng nước sạch trong toàn dân... là những kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 7-11/10/2019.

Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 7-11/10/2019 như sau:
Chủ tịch UBND Thành phố tiếp, làm việc Tổng Giám đốc Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge (Anh)
Ngày 09/10/2019, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã tiếp và làm việc với Bà Francesca Woodward, Tổng Giám đốc Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge. Tại buổi tiếp, Tổng Giám đốc Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với thành phố Hà Nội trong công tác giảng dạy, học tập và kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Anh. Bà Francesca Woodward cũng nghe chia sẻ và đồng ý với Chủ tịch UBND Thành phố về những vấn đề tồn tại trong giáo dục phổ thông ảnh hưởng đến khả năng tự lập của học sinh Việt Nam. 
 Phiên họp tập thể UBND TP 
Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định việc cải cách chương trình dạy học là rất cần thiết và đánh giá cao chương trình song bằng của Cambridge tại Trường THPT Chu Văn An và mong muốn nhân rộng mô hình ra nhiều trường và cho cả học sinh cấp 2. Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực: (i) tiếp tục mở rộng mô hình song bằng; (ii) cải cách công tác khảo thí và (iii) mong muốn đưa mô hình khảo thí của Cambridge vào trường học ở Hà Nội.
Tăng 176 thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến trong quý III/2019
Báo cáo Chính phủ kết quả công tác kiểm soát TTHC từ ngày 16/6/2019 đến 15/9/2019, trong quý III/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 09 Quyết định công bố danh mục TTHC thuộc các lĩnh vực: NN&PTNT; Văn hóa và Thể thao; Khoa học công nghệ, Lao động- Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Tư pháp, Xây dựng, Y tế; công bố danh mục 549 TTHC và bãi bỏ 534 TTHC. 100% các quyết định công bố TTHC sau khi ban hành đã được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia TTHC, tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC và các hình thức khác theo quy định. 
Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành 13 Quyết định phê duyệt 694 quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Giao thông vận tải. Tổng số hồ sơ giải quyết TTHC: 2.996.619 hồ sơ, đã giải quyết 2.955.273 hồ sơ, tỷ lệ 99.1%; đang giải quyết: 34.719 hồ sơ.
Thành phố đã tiếp nhận 30 phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, đã xử lý 21 phản ánh kiến nghị, đang xử lý 09 phản ánh kiến nghị (trong hạn). Đoàn kiểm tra của UBND Thành phố từ ngày 21/5/2019 đến ngày 26/6/2019 đã tiến hành kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC đối với 02 Sở, ngành; 10 đơn vị cấp huyện, 20 đơn vị cấp xã. Tiếp tục thực hiện việc rà soát, đơn giản hóa TTHC đối với 05 nhóm TTHC, bao gồm TTHC lĩnh vực du lịch, ngoại vụ, văn hóa và thể thao, nội vụ, giáo dục và đào tạo (cấp huyện, xã). Sở Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành rà soát (đề xuất đơn giản 126 TTHC thuộc lĩnh vực du lịch, giáo dục). Việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC được tăng cường; số lượng TTHC được triển khai dịch vụ công trực tuyến trong Quý III đạt tỷ lệ cao (tăng 176 thủ tục triển khai dịch vụ công), các giao dịch được thực hiện bảo đảm thực chất, hiệu quả. 
Phấn đấu đến 31/12/2019, 100% thủ tục hành chính được thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3, 4
Ngày 10/10/2019, UBND Thành phố ban hành Thông báo số 325/TB-VP nêu kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo) chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo tháng 9/2019 như sau: ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước là công cụ chính để Thành phố thực hiện CCHC, nâng cao hiệu quả công việc. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Thành phố thông minh, xây dựng nền kinh tế số là xu hướng tất cả các thành phố trên thế giới và Việt Nam đang hướng tới để nâng cao được năng suất lao động, quản lý xã hội hiệu quả hơn. Để thực hiện tốt nội dung này trong thời gian tới, yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1) Triển khai DVC trực tuyến mức độ 3, 4: khẩn trương triển khai xây dựng các DVC trực tuyến trên địa bàn Thành phố, phấn đấu đến 31/12/2019, 100% TTHC được thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó, tối thiểu 30% DVC trực tuyến mức độ 4. Giao Văn phòng UBND Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ đôn đốc các đơn vị rà soát lại tất cả các TTHC, thực hiện cắt giảm, rút gọn các thủ tục không cần thiết, tổng hợp xây dựng quy trình thực hiện trình Chủ tịch UBND Thành phố ký ban hành theo quy định, làm cơ sở xây dựng phần mềm DVC trực tuyến của Thành phố; đề xuất phương án tiếp nhận, vận hành DVC trực tuyến đã triển khai thí điểm. 
(2) Thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu: trên cơ sở kết quả hoàn thành số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, tiếp tục mở rộng triển khai số hóa dữ liệu các chuyên ngành, lĩnh vực khác. Việc số hóa dữ liệu của ngành, cấp nào thì thủ trưởng của ngành, cấp đó chịu trách nhiệm. Yêu cầu áp dụng công nghệ số hóa mới, hiện đại nhất, công nghệ ảnh mầu và khả năng bóc tách các lớp dữ liệu tự động, đảm bảo sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Chính phủ, Bộ, ngành với thành phố Hà Nội. Thực hiện đơn giá định mức theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đối với số hóa cơ sở dữ liệu đất đai: Giao Sở Tài nguyên phải triển khai các dự án đã phê duyệt từ năm 2014.
(3) Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt: thực hiện Quyết định số  2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, Công văn số 7846/VPCP-KTTH ngày 31/8/2019 của Văn phòng Chính phủ. UBND Thành phố đã ban hành các Kế hoạch số: 51/QĐ-UBND ngày 23/02/2018, 78/KH-UBND ngày 27/3/2019; Công văn số 8818/VP-KT ngày 18/9/2019 giao các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Giao các sở, ban, ngành khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được phân công cụ thể trong các văn bản của UBND Thành phố, xây dựng lộ trình triển khai phù hợp. 
Đối với lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, giao Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng các nội dung chỉ đạo của Chính phủ về các giao dịch cần đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Phối hợp với các đơn vị khẩn trương xây dựng phương án triển khai, báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện đồng bộ, từng bước cho phù hợp. 
(4) Xây dựng CSDL cốt lõi: giao Công an thành phố Hà Nội tiếp tục thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu dân cư; tổ chức các hội nghị chuyên đề hướng dẫn, tuyên truyền việc cập nhật cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp thực hiện xây dựng CSDL về công chức, phấn đấu hoàn thành trong Quý I/2020. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp tập trung rà soát, kiểm tra công nghệ, cách triển khai xây dựng CSDL đất đai của các nước trên thế giới, hướng tới triển khai xây dựng CSDL đất đai trên nền 3D, phục vụ hiệu quả việc quản lý, khai thác của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thành phố.
(5) Hạ tầng phục vụ kết nối thông tin của Thành phố: giao Tổ Công tác giúp việc Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông thống nhất lựa chọn 20 điểm tại các tổ dân phố và tòa nhà cao tầng thực hiện triển khai thí điểm bảng điện tử thông minh; tích hợp các chương trình, dịch vụ sau: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công; Dịch vụ trông giữ xe thông minh Ipacking; Tìm kiếm điểm vui chơi, trung tâm văn hóa nghệ thuật ... trên địa bàn Thành phố; Thanh toán phí DVC, điện nước, học phí, viện phí... phục vụ người dân thông quan công cụ quét mã QR (thực hiện trong tháng 10/2019). Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi làm việc với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thống nhất đề xuất phương án tổng thể cung cấp Wifi phục vụ người dân và du khách. Phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội đề nghị các ngân hàng nghiên cứu, có phương án bổ sung cây ATM và thiết bị phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu người dân, thực hiện chủ trương chung về thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
(6) Một số nội dung khác: giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất phương án vận hành cơ sở dữ liệu dân cư, đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt. Tổ Công tác giúp việc Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp Sở Du lịch tổ chức buổi làm việc, nghe đơn vị tư vấn trình bày lại về Đề án Du lịch thông minh. Sở Giao thông Vận tải phối hợp Ban quản lý các Công trình dân dụng và công nghiệp khẩn trương thống nhất phương án xây dựng, hoàn thiện Trung tâm điều hành giao thông. Sở Xây dựng xây dựng, đề xuất phương án xây dựng vận hành phần mềm quản lý nhà chung cư (trên cơ sở đề xuất các doanh nghiệp cho xã hội hóa dịch vụ này). Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực CNTT tương lai cho Thành phố, trong đó, nghiên cứu, áp dụng mô hình của một số quốc gia phát triển về việc đem chương trình giảng dạy về CNTT vào trường phổ thông, phấn đấu 10 đến 20 năm nữa, Thành phố xây dựng được nguồn nhân lực giỏi về CNTT, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu CNTT cho xã hội. 
Đảm bảo tốt nhất chất lượng thi công, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường phục vụ thi công đường đua F1
Xét đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, UBND Thành phố đã có văn bản số 4433/UBND-ĐT ngày 8/10/2019 chấp thuận đề xuất tổ chức giao thông phục vụ thi công đường đua F1 trên tuyến đường Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm. Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, UBND quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan thực hiện phương án tổ chức, phân luồng giao thông linh hoạt nhất, tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực thi công, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng cho người dân, hạn chế tối đa ùn tắc giao thông khu vực và đáp ứng tiến độ thi công đường đua F1. Trước khi tổ chức thực hiện, giao Sở thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được biết, chấp hành.
Yêu cầu Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix có phương án đảm bảo chất lượng thi công, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường phù hợp thực tế. Trong khi thi công phải có đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn, đèn chiếu sáng ban đêm, đèn cảnh báo an toàn giao thông, kịp thời thu dọn phế liệu xây dựng, vật liệu thừa sau khi thi công; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khi thi công; bố trí lực lượng trực 24/24h để hướng dẫn giao thông; đảm bảo thuận lợi, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, chỉ cho phép người có trách nhiệm vào khu vực thi công, thi công theo đúng giấy phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả do nguyên nhân thi công gây ra.
Tổ chức di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m từ Khu XLCT Sóc Sơn) thuộc 3 xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn
Ngày 9/10/2019, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 5639/QĐ-UBND về việc cho phép UBND huyện Sóc Sơn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m từ Khu XLCT Sóc Sơn) kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly với nội dung chủ yếu sau: di dời toàn bộ hộ dân trong vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m từ Khu XLCT Sóc Sơn) của 3 xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ ra ngoài; tạo hành lang cách ly bằng cây xanh để cải thiện môi trường cho khu vực. Quy mô và nội dung dự kiến đầu tư: diện tích khoảng 394,5 ha bao gồm di dân, GPMG; phá dỡ các công trình sau khi GPMB; trồng cây xanh hình thành hành lang cách ly. Thời gian thực hiện dự án: năm 2020 - 2021. 
Giao UBND huyện Sóc Sơn triển khai nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ, chất lượng và tuân thủ đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng công trình; phối hợp chặt chẽ với các dự án liên quan để loại bỏ khối lượng và kinh phí trùng lặp, sử dụng kinh phí chuẩn bị đầu tư tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ nội dung, quy mô đầu tư theo đúng mục tiêu của dự án; lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình theo đúng quy định.
Hỗ trợ 1.359.450 đồng/m2 đất được giao tái định cư cho các hộ dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m Khu XLCT Sóc Sơn)
Liên quan nội dung trên, ngày 8/10/2019, UBND Thành phố ban hành văn bản số 4453/UBND-GPMB chấp thuận đề nghị của Liên ngành Tài Nguyên và Môi trường - Tài chính - Xây dựng - UBND huyện Sóc Sơn về chính sách hỗ trợ khi giao đất tái định cư cho các hộ thuộc địa bàn xã Nam Sơn thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn để giải quyết khó khăn sau khi nhà nước thu hồi đất và đảm bảo cho người dân có điều kiện mua đất tái định cư theo chủ trương của UBND Thành phố. Cho phép UBND huyện Sóc Sơn áp dụng chính sách hỗ trợ khác khi giao đất tái định cư tại khu tái định cư xã Nam Sơn với mức hỗ trợ khác là 1.359.450 đồng/m2 đất được giao tái định cư.
Đầu tư dự án cải tạo nâng công suất tiếp nhận rác ô chôn lấp số 3 giai đoạn 1 - Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn
Để đảm bảo kế hoạch vận hành đổ rác, kéo dài thời gian vận hành đến hết năm 2021, tạm chứa lượng nước rác tồn đọng của ô 1.4 để đổ rác vào ô 1.4 đến cos cao độ mặt đường, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 5600/QĐ-UBND, ngày 8/10/2019, về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo nâng công suất tiếp nhận rác ô chôn lấp số 3 giai đoạn 1 - Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Quy mô đầu tư dự kiến: cải tạo nâng công suất tiếp nhận rác ô chôn lấp số 3 giai đoạn I có diện tích khoảng 3ha bao gồm: đào lớp đất phủ, đào lớp rác đã phân hủy hiện trạng; trải vải chống thấm HDPE để tạo thể tích tạm chứa nước rác; đắp, đắp bờ bao xung quanh ô 3; xây tường chặn vải chống thống HDPE đồng thời làm thành đảm bảo an toàn khi tạm chứa nước rác. Thời gian thực hiện dự án: năm 2019 - 2020.
Giao Sở Xây dựng - chủ đầu tư và sở quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về phương án, giải pháp cải tạo đề xuất, tính chuẩn xác, hợp pháp của các thông tin, số liệu trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định, phê duyệt. Nghiên cứu, tính toán lựa chọn phương án trên cơ sở tận dụng tối đa hạ tầng sẵn có đảm bảo an toàn, bền vững công trình, tối ưu về kinh tế, kỹ thuật. Đánh giá hiện trạng cụ thể, lựa chọn quy mô, giải pháp kỹ thuật và dự kiến tổng mức đầu tư đảm bảo quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công. Tổ chức quản lý, triển khai dự án phù hợp điều kiện năng lực.
Triển khai dự án Phủ vải HDPE ô hợp nhất hồ sinh học, dự án Phủ vải HDPE ô hợp nhất giai đoạn 2 tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn
Tiếp tục các giải pháp bảo vệ môi trường, cùng ngày 8/10/2019, UBND Thành phố tiếp tục ban hành 02 Quyết định số: 5602/QĐ-UBND và 5603/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Phủ vải HDPE ô hợp nhất giai đoạn 2 tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn huyện Sóc Sơn và chủ trương đầu tư dự án Phủ vải HDPE ô hợp nhất hồ sinh học tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, nhằm hạn chế tối đa mùi phát tán ra môi trường xung quanh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh khu xử lý, gây mất an ninh, an toàn vận hành bãi; ngăn ngừa sự cố thấm tràn nước rác ra môi trường; giảm thiểu lượng nước rác phát sinh do nước mưa rơi xuống các ô hợp nhất giai đoạn II; tiết kiệm được chi phí xử lý nước rỉ rác. Thời gian thực hiện dự án: năm 2019 - 2020.
Giao Sở Xây dựng - chủ đầu tư và sở quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về phương án, giải pháp cải tạo đề xuất, tính chuẩn xác, hợp pháp của các thông tin, số liệu trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định, phê duyệt. Đánh giá hiện trạng cụ thể, lựa chọn quy mô, giải pháp kỹ thuật và dự kiến tổng mức đầu tư đảm bảo quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công. Tổ chức quản lý, triển khai dự án phù hợp điều kiện năng lực.
Đầu tư xây dựng 4 cầu vượt trên địa bàn Thành phố
Ngày 7/10/2019, UBND Thành phố đã ban hành 4 Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật các dự án đầu tư xây dựng cầu vượt trên địa bàn Thành phố: cầu vượt cho người đi bộ qua đường Cổ Linh, quận Long Biên; đường Xuân La, quận Tây Hồ; đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng; đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ bằng kết cấu thép lắp ghép, bố trí hệ thống thoát nước mặt dọc cầu, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ qua các tuyến đường, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực. Thời gian thực hiện: năm 2019. 
Giao chủ đầu tư dự án: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính hợp pháp của các thông tin, số liệu, tài liệu dự án; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND Thành phố xem xét, bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án đảm bảo khả thi; Tổ chức lập, kiểm tra biện pháp thi công đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho công trình cũng như các công trình lân cận, an toàn giao thông khu vực; Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy theo quy định hiện hành; Đảm bảo chất lượng và tuân thủ đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng; sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; Phối hợp với các đơn vị đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư tránh trùng lặp, lãng phí; Tổ chức lập và phê duyệt biện pháp thi công để triển khai thi công công trình (lưu ý đảm bảo hoạt động giao thông an toàn và an toàn vệ sinh môi trường); Chịu trách nhiệm trước pháp luật về năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án, thẩm tra. 
Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trong quá trình thi công công trình, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án; quản lý chất lượng xây dựng công trình theo đúng quy định.
Đẩy mạnh tuyên truyền về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm và lợi ích sử dụng nước sạch trong toàn dân
Tiếp thu kết luận của Thường trực HDND thành phố về phiên giải trình việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 4450/UBND-ĐT, ngày 8/10/2019, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị tham mưu UBND Thành phố các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thực hiện tốt chỉ tiêu cung cấp nước sạch, đảm bảo số lượng, chất lượng, mạng lưới phân phối theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, kiểm tra các nhà đầu tư đang triển khai dự án nguồn, dự án mạng chậm tiến độ, kiên quyết thu hồi dự án, chuyển nhà đầu tư đối với các trường hợp không triển khai dự án hoặc năng lực không đảm bảo. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của các chủ đầu tư dự án cấp nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, đồng thời, kiểm soát, thẩm định chặt chẽ năng lực của các nhà đầu tư.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị rà soát lại tổng thể các cơ chế, chính sách để có giải pháp hữu hiệu hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực nước sạch. Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch, chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm. Sở NN&PTNT sớm hoàn thành việc xử lý các trạm nước sạch nông thôn. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì sớm hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và cơ chế hỗ trợ nhằm đẩy nhanh việc đóng các giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác tài nguyên nước trái phép; giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư liên quan đến đất đai, quy hoạch, nguồn nước,...
Giao UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án; đề xuất thay thế ngay các nhà đầu tư triển khai dự án không đảm bảo tiến độ, chất lượng; tiếp thu, giải quyết những kiến nghị của người dân và nhà đầu tư trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm và lợi ích của việc sử dụng nước sạch để nhân dân hiểu và ủng hộ chủ trương sử dụng nước sạch của Thành phố; nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở trong việc vận động người dân sử dụng nước sạch. Tập trung hoàn thành công tác GPMB, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư; tích cực phối hợp với các sở, ngành giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Yêu cầu các nhà đầu tư dự án nước sạch: tập trung nguồn lực đẩy nhanh thực hiện các dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cấp nước theo quy định. Tích cực, chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác tuyên truyền về sử dụng nước sạch và bảo vệ hệ thống cấp nước trên địa bàn nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu. Xây dựng phương án tiếp nhận các trạm cấp nước cục bộ trong phạm vi phát triển mạng lưới cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của đơn vị được UBND Thành phố giao triển khai thực hiện (trong đó có nghiên cứu giải pháp kết nối, thay thế nguồn cấp cho các trạm cấp nước cục bộ). Các đơn vị cấp nước theo địa bàn được giao quản lý, nghiên cứu khảo sát, đầu tư nâng cấp cải tạo mạng lưới, lắp đặt bổ sung thiết bị nâng cấp các trạm cấp nước hiện có đảm bảo chất lượng nước theo quy định của Bộ Y tế.
Từ ngày 20-25/10/2019, tổ chức “Tọa đàm xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch Hà Nội - Anh” 
Nhằm tăng cường thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa thành phố Hà Nội và thành phố Luân Đôn (Anh); đẩy mạnh hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực Thành phố ưu tiên phát triển: CNTT, chính quyền điện tử, thành phố thông minh, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; giới thiệu môi trường, cơ hội đầu tư tại Hà Nội; thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp Anh hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu đầu tư vào thị trường Hà Nội; tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm và năng lực để đầu tư các dự án tại thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND, ngày 10/10/2019, chỉ đạo triển khai công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tại Anh, tháng 10/2019. 
Chương trình cụ thể như sau: (1) Tổ chức “Tọa đàm xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch Hà Nội - Anh” tại thành phố Luân Đôn, Anh từ ngày 20-25/10/2019 để gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu về môi trường và các lĩnh vực kêu gọi đầu tư của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, đô thị thông minh… và những doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Khu công nghệ cao sinh học tại quận Bắc Từ Liêm; trao đổi và ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU); (2) Đoàn công tác của Thành phố làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức Anh có mong muốn tìm hiểu đầu tư tại Hà Nội; khảo sát một số cơ sở trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch và giáo dục tại Anh. 
Đấu giá quyền khai thác địa điểm lắp đặt các trạm BTS thân thiện môi trường kết hợp điểm thông tin đa năng trên địa bàn Thành phố năm 2020  
Ngày 11/10/2019, UBND Thành phố ban hành Thông báo số 326/TB-VP nêu kết luận chỉ đạo của đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố thống nhất triển khai hình thức đấu giá quyền khai thác địa điểm lắp đặt các trạm BTS thân thiện môi trường kết hợp điểm thông tin đa năng trên địa bàn thành phố Hà Nội. 
Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị rà soát lại danh mục 140 vị trí triển khai xây dựng trạm BTS thân thiện môi trường; xây dựng các tiêu chí, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và kiến trúc của trạm BTS thân thiện môi trường; xin ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Quy hoạch - Kiến trúc; xây dựng phương án đấu giá quyền khai thác địa điểm lắp đặt các trạm BTS thân thiện môi trường kết hợp điểm thông tin đa năng trên địa bàn Thành phố, triển khai theo từng giai đoạn, từng khu vực; báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/11/2019.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần