Kết quả điều tra, phân tích vụ 2 tàu hàng tông nhau ở ga Núi Thành

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có kết quả điều tra, phân tích vụ tai nạn 2 tàu hàng tông thẳng nhau tại ga Núi Thành (Quảng Nam).

Nguyên nhân được chỉ rõ là do trong quá trình tác nghiệp đón tàu ASY2 thông qua đường số 2, ban chạy tàu ga Núi Thành và ban lái đầu máy D11H-350 không thực hiện đúng quy trình tác nghiệp để đầu máy dồn chạy vượt mốc tránh va chạm đường số 3 gây tai nạn.
 Hiện trường vụ va chạm 2 tàu hàng tông thẳng nhau. (Ảnh: Văn Trưởng/TTXVN)
Căn cứ hồ sơ điều tra khám nghiệm hiện trường đối với các chức danh liên quan đến vụ tai nạn, Hội đồng phân tích xác định Trực ban ga Núi Thành không làm tốt công tác điều hành đối với các chức danh liên quan trong việc thực hiện quy trình tác nghiệp dẫn đến để trưởng dồn thực hiện cho đoàn chuyển dịch khi đang tác nghiệp đón tàu ASY2 thông qua ga.
Trưởng dồn ga Núi Thành không phổ biến đầy đủ, rõ ràng kế hoạch tác nghiệp chạy tàu và dồn tàu tại ga cho lái tàu đầu máy D11H-350, tự ý thao tác cắt móc giữa toa xe số 3 và 4 trong đoàn tàu 2469 và cho đoàn dồn chuyển dịch trong khi đang thực hiện kế hoạch đón tàu ASY2 thông qua ga.
Gác ghi ga Núi Thành thực hiện lệnh đình chỉ dồn khi tổ chức đón tàu ASY2 chưa đầy đủ, chưa quán xuyến được công việc của mình khi đón tàu ASY2 dẫn đến để đoàn dồn chạy vượt mốc tránh va chạm.
Lái tàu đầu máy D11H-350 tàu 2469 điều khiển dịch chuyển đầu máy khi không có phụ lái tàu và khi vị trí của lái tàu không thể quan sát được tín hiệu của trưởng dồn (vị trí lái tàu thao tác bên phải, trong khi trưởng dồn làm tín hiệu bên trái đoàn tàu), để đầu máy dịch chuyển vượ mốc tránh va chạm trong khi ghi để vị trí trái chiều, điều khiển đầu máy dồn khi chưa nắm được kế hoạch chạy tàu và dồn tàu của ga.
Đối với phụ lái đầu máy rời bỏ đầu máy trong khi đoàn tàu 2469 đang trên đường chạy vào trong ga (mới đến giữa ga-ngang phòng trực ban).
Trách nhiệm vụ tan nạn thuộc Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình sẽ phải chịu 55% chi phí thiệt hại vụ tai nạn và Chi nhánh Đầu máy Đà Nẵng chịu 45% chi phí thiệt hại vụ tai nạn.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị trong ngành thống kê tính chi phí chậm tàu; chi phí phục vụ công tác cứu hộ để báo cáo về Tổng công ty.
Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình và Chi nhánh Đầu máy Đà Nẵng xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể của đơn vị mình, tự kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu báo cáo Tổng công ty theo đúng quy định.
Trước đó, khoảng 16 giờ 20 phút ngày 26/5, tàu hỏa chở hàng mang ký hiệu ASY 2 chạy hướng Nam-Bắc và một tàu mang ký hiệu 2469 chạy theo hướng ngược lại khi đến nhà ga Núi Thành đã xảy ra va chạm đối đầu giữa hai tàu.
Hậu quả, vụ va chạm làm 4 toa tàu và hai đầu máy của 2 tàu này chệch khỏi đường ray, hơn 100m đường ray trong nhà ga Núi Thành bị hư hỏng.
Ngay sau đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã vừa có quyết định đình chỉ công tác kể từ ngày 29/5 đối với Trưởng ga Núi Thành Dương Văn Minh. Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình-đơn vị quản lý ga Núi Thành đã đình chỉ công tác kể từ 17 giờ ngày 26/5 đối với Trực ban chạy tàu Phạm Minh Tâm, Trưởng dồn Nguyễn Văn Hải, gác ghi phía Nam Bùi Ngọc Lâm để phục vụ công tác điều tra, phân tích vụ tai nạn.
Khoảng 8 giờ ngày 2/6 (sau gần 7 ngày kể từ khi xảy ra vụ va chạm đối đầu giữa 2 tàu hàng tại ga Núi Thành), các công nhân ngành đường sắt đã hoàn thành việc sửa chữa đường ray số 3 tại ga Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thành lập Hội đồng phân tích tổ chức phân tích vụ tai nạn tại hiện trường ga Núi Thành vào ngày 1/6 tới đây để phân tích cụ thể nguyên nhân, rút kinh nghiệm, làm bài học phòng ngừa tránh tái diễn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân của Tổng công ty liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng thời gian qua.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong Hội đồng thành viên, Ban điều hành, Ban nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Tổng công ty, theo quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn chạy tàu.
Kết quả xử lý của VNR báo cáo về Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 10/6 tới đây.
Tại cuộc họp về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt vào chiều tối ngày 28/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, thành thật xin lỗi các gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian vừa qua.
Nhấn mạnh nếu tai nạn giao thông đường sắt còn tiếp tục xảy ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm sẽ không biết ngành đường sắt sẽ đi về đâu, uy tín của ngành đường sắt như thế nào...?
“Chúng ta ăn lương Nhà nước thì phải có trách nhiệm với người dân, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và tài sản của họ. Bộ Giao thông Vận tải không bao che cho các đồng chí không làm tròn trách nhiệm, vi phạm và không hoàn thành nhiệm vụ,” Bộ trưởng quả quyết./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần