Kết thúc tuần lễ cấp cao APEC: Động lực mới, cơ hội phát triển mới

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã kết thúc tốt đẹp, chính thức khép lại một Năm APEC 2017 thành công.

Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh một Việt Nam hòa bình, đổi mới, năng động và giàu lòng mến khách, các hoạt động của Năm APEC 2017 còn mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, du lịch... cho các địa phương và DN.

Hứa hẹn FDI

APEC có 21 thành viên, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore nhiều năm liền đứng ở top đầu đầu tư vào Việt Nam. Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng 2017 của các nền kinh tế thành viên APEC đã lên tới 24 tỷ USD, chiếm tới 85% trong tổng số 28,24 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Các dự án quy mô lớn, đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng năm 2017 cũng là của các DN đến từ các nền kinh tế thành viên APEC.

Thực tế, trong khuôn khổ APEC, hàng loạt hợp đồng song phương và đa phương trị giá nhiều tỷ USD trong các lĩnh vực hàng không, năng lượng, du lịch, giải trí, khách sạn, kho vận và công nghệ thông tin đã được ký kết, góp phần cân bằng cán cân thương mại, tăng cường khả năng xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vào các thị trường APEC cũng như thu hút đầu tư của các DN vào Việt Nam.

Phiên bế mạc Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25 và Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch Năm APEC 2018 cho Papua New Guinea. Ảnh:  TTXVN

“Trong bối cảnh một số nền kinh tế hiện đang lâm vào tình trạng giảm phát, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh. Thành quả này có được là nhờ quản lý kinh tế hiệu quả, chính sách thúc đẩy ngoại thương, cũng như khả năng thu hút đầu tư. Mặt khác, phải kể đến cách Việt Nam hội nhập với thế giới và tôi cho rằng Việt Nam đã và đang rất thành công trong lĩnh vực này” - Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle Bachelet Jeria nhận định trong cuộc trao đổi với báo chí.

“Hậu APEC 2017, dự báo, dòng vốn này vào Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa, bởi thực tế sau APEC 2006 mà Việt Nam là chủ nhà, cũng từng có làn sóng đầu tư lớn đổ vào Việt Nam. Và lần này, không chỉ những lĩnh vực đầu tư truyền thống như chế biến, chế tạo, bất động sản…, mà còn là các lĩnh vực mới để đáp ứng dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá.

“Tầm ngắm” của hàng loạt các thương hiệu bán lẻ lớn

Hàng loạt CEO danh tiếng đại diện các tập đoàn hàng đầu thế giới như Facebook, Exxon Mobil, AIA, DHL, Johnson&Johnson, Walmart… đã có mặt trong các sự kiện của APEC lần này. Sự góp mặt của họ cho thấy nhu cầu học hỏi, lắng nghe và quan trọng là tham khảo tầm nhìn mới về xu hướng, tổng quan của nền kinh tế thế giới từ những người có tầm ảnh hưởng mang tính quyết định tới nền kinh tế toàn cầu đã rất rõ nét. “Đây chính là giá trị gia tăng lớn nhất mà cộng đồng kinh doanh Việt Nam tìm kiếm được trong sự kiện này, bên cạnh các cơ hội đầu tư - kinh doanh trực tiếp có thể sẽ tìm được"- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có một bước nhảy vọt ngoài mong đợi sau “hiệu ứng APEC”, như điều mà thị trường bán lẻ Việt Nam từng gây bất ngờ trong thời gian qua bởi làn sóng thời trang nhanh, cửa hàng tiện lợi cũng như thương mại điện tử.

Cơ hội vàng cho Du lịch
Các thành viên APEC chiếm tới 70% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam.

Không phải đợi đến khi Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra ngành Du lịch mới hành động để phục vụ các vị quan khách quốc tế và tiếp cận với thị trường APEC. Trong gần một năm qua, tại khắp các tỉnh, TP của Việt Nam đã diễn ra tới hơn 100 cuộc họp, thu hút hàng chục nghìn quan chức, các DN, báo chí đến từ các nền kinh tế APEC. Như Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã chia sẻ: "Có nhiều phóng viên quốc tế đã chia sẻ với chúng tôi rằng trong dịp APEC, các địa phương tổ chức rất tốt, đặc biệt là trong các hoạt động du lịch. Đây là nguồn cảm hứng tích cực cho du khách đang đến và sẽ đến Việt Nam".

Đối với các nguyên thủ trên thế giới thì việc đảm bảo an toàn trong các chuyến công du luôn là ưu tiên hàng đầu. Vậy mà khi đặt chân đến Việt Nam, họ không ngần ngại dạo quanh khu phố cổ, chạy bộ vào buổi sáng sớm hay ngồi quán vỉa hè nhâm nhi ly cafe đậm chất truyền thống Việt… Trong dịp công du tới Việt Nam dự tuần lễ cấp cao APEC 2017, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cập nhật hình ảnh cầu rồng trên trang Facebook cá nhân ngay khi đặt chân đến TP Đà Nẵng.

Các vị khách APEC sẽ là những “đại sứ” cho du lịch Việt Nam. “So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ điều kiện tự nhiên và nền văn hóa phong phú, hấp dẫn. Uy tín, thương hiệu du lịch Việt Nam được ghi nhận ngày càng rõ nét, thể hiện qua kết quả bình chọn của các tổ chức truyền thông quốc tế có uy tín”- Đại sứ Mỹ Ted Ossius từng chia sẻ.

Một Việt Nam giàu lòng mến khách, chuyên nghiệp

Thông báo kết quả nổi bật của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh đến 5 vấn đề. Thứ nhất, thông qua Chương trình hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Thứ hai, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng suất lao động của các nền kinh tế APEC. Thứ ba, nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch bền vững. Thứ tư, thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở ở châu Á - Thái Bình Dương là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC. Thứ năm, APEC đang nỗ lực để hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 và chuẩn bị bước vào thập niên phát triển thứ tư. Đó là một diễn đàn tự cường, có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu cũng như khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Ảnh: TTXVN
Tại Hội nghị APEC lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 3 cam kết lớn với Hội nghị: Cải cách thể chế, thúc đẩy khởi nghiệp cũng như cắt giảm các điều kiện kinh doanh, lộ trình cải cách thuế hỗ trợ DN.

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, mặc dù môi trường toàn cầu còn nhiều bất ổn, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì sức bật tốt. Việt Nam đang xây dựng một Chính phủ “kiến tạo” với nhiều điểm mới như tập trung phát triển các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Những chính sách cởi mở của Chính phủ kiến tạo cùng với việc Việt Nam tổ chức hội nghị APEC sẽ tạo sự cộng hưởng phát triển, các nhà đầu tư sẽ tăng cường đầu tư nguồn vốn vào Việt Nam.

Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, năm APEC 2017 tại Việt Nam được cho là cơ hội lớn, câu chuyện không chỉ dừng ở những con số tỷ USD trong năm Việt Nam đăng cai tổ chức APEC mà còn là những năm sau đó, kì vọng “nhảy vọt” cả về lượng và chất.

Năm APEC 2017 chính thức khép lại. Dư âm về một diễn đàn năng động, đầy sức sống và trách nhiệm cũng như một Việt Nam đổi mới, tích cực và giàu lòng mến khách vẫn tiếp tục lan tỏa rộng khắp.

 Chủ tịch, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình:

Khởi đầu châu Á - Thái Bình Dương tự do từ APEC

Đà Nẵng thực sự là TP tươi đẹp và tôi đã chứng kiến điều đó trên đường từ sân bay về đây. Khu vực của chúng ta gồm châu Á - Thái Bình Dương là phần lớn nhất của kinh tế toàn cầu và là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng toàn cầu.

Đã qua 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong thập kỷ vừa rồi cộng đồng quốc tế đã hợp tác cùng nhau, dẫn đường cho nền kinh tế phục hồi. Nhờ nỗ lực của chúng ta, nền kinh tế hiện nay đã cải thiện cho dù còn nhiều nguy cơ thách thức. Thương mại và đầu tư toàn cầu đang phát triển trở lại, con người ngày càng lạc quan về triển vọng thị trường và tài chính. Sự phát triển mới của công nghệ và công nghiệp đang dần được thêm đà mới, nền kinh tế số và nền kinh tế chia sẻ đang phát triển nhanh chóng, những ngành công nghiệp mới cũng như những dạng thức DN mới đang phát triển nhanh chóng. Để thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như những thách thức khác mang tính toàn cầu, đây là điểm đồng thuận chung của cộng đồng.

Trong vài thập kỷ trở lại đây, toàn cầu hóa kinh tế có những đóng góp rất lớn cho phát triển toàn cầu. Trong quá trình theo đuổi toàn cầu hóa, chúng ta cần làm sao để quá trình này mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn, mang lại lợi ích, sự bình đẳng hơn, có lợi cho tất cả mọi người. Quản trị toàn cầu đang thay đổi, môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi đòi hỏi hệ thống quản trị toàn cầu cũng phải thay đổi tương ứng. Chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương cùng theo đuổi phát triển chung thông qua xây dựng các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung.

Xây dựng một khu vực tự do ở châu Á - Thái Bình Dương là giấc mơ chúng ta cùng nuôi dưỡng. APEC lần đầu tiên đã khởi đầu quá trình này tại Hà Nội năm 2006.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump: 

Tăng cường mối liên kết thương mại

Những gì các quốc gia và các nền kinh tế hiện diện ở đây đã gây dựng ở khu vực này là vô cùng kỳ diệu. Câu chuyện về khu vực này trong những thập kỷ gần đây là câu chuyện về những gì có thể xảy ra khi con người làm chủ tương lai của họ. Cách đây chỉ một thế hệ, ít ai có thể tưởng tượng được các lãnh đạo của những quốc gia này sẽ cùng nhau đến Đà Nẵng để làm sâu sắc thêm tình hữu nghị, mở rộng quan hệ đối tác. TP này từng là nơi Mỹ đặt một căn cứ quân sự, tại một đất nước nơi rất nhiều người Mỹ và người Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh vô cùng đau thương năm xưa.

Ngày nay, chúng ta không còn là kẻ thù nữa, chúng ta là bạn. Và TP cảng này ngày càng tấp nập, nhộn nhịp với tàu thuyền từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Những công trình kỳ công, như Cầu Rồng, chào đón hàng triệu người đến tham quan, tận hưởng những bãi biển tuyệt đẹp, ánh đèn rực rỡ cũng như những nét quyến rũ cổ xưa của Đà Nẵng.

Đầu những năm 1990, gần một nửa người dân Việt Nam sống với chỉ vài USD mỗi ngày và cứ 4 người lại có một người phải chịu cảnh thiếu điện. Ngày nay, Việt Nam, với nền kinh tế mở cửa, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tăng hơn 30 lần. Sinh viên Việt Nam tại Mỹ nằm trong nhóm xuất sắc nhất. Điều đó thật ấn tượng.

Hôm nay, tôi có mặt tại đây để đề nghị làm mới mối quan hệ đối tác với Mỹ, cùng nhau hành động nhằm tăng cường mối liên kết hữu nghị và thương mại giữa tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và cùng nhau thúc đẩy an ninh và thịnh vượng.

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In:

Việt Nam sẽ đạt được “Kỳ tích sông Mekong”

Chủ đề Năm APEC 2017 "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" cũng chính là mục tiêu của quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc. Tôi đồng thời chia sẻ những ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về tình hình và phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới; khẳng định Hàn Quốc coi trọng phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược với Việt Nam. Những thành tựu quan trọng đã đạt được sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là nền tảng vững chắc để mở ra triển vọng tốt đẹp cho phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Hàn Quốc sẽ cùng Việt Nam không ngừng nỗ lực mở rộng và đưa các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu; mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, giao thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng. Tổng thống bày tỏ tin tưởng Nhân dân Việt Nam với quyết tâm, ý chí mạnh mẽ, cần cù lao động sẽ đạt được "Kỳ tích sông Mekong".

Lan Hương ghi