Kêu gọi hỗ trợ MBH dành riêng cho đồng bào dân tộc Thái

Trình Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/2, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức họp báo công bố chương trình "Vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn".

Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, sau gần 10 năm kể từ khi Nghị Quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính Phủ được ban hành, quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện đã thực sự đi vào cuộc sống. Điều đó đã góp phần hiệu quả trong nhiệm vụ hạn chế thương tích và kéo giảm số người chết vì TNGT tại Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc ổn định trật tự xã hội và công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

 Các đại biểu trao mũ tượng trưng cho 5 phụ nữ đồng bào dân tộc Thái.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, do khó khăn về kinh tế và phong tục tập quán, nên việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện còn nhiều bất cập.

Nhằm hướng tới mục tiêu toàn dân được sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phát động chương trình vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm “Trọn nghĩa đồng bào, ấm tình cha mẹ”. Năm 2016, Ủy ban An toàn giao thông đã vận động hỗ trợ được hơn 100.000 MBH đạt chuẩn, đóng quan trọng vào việc giảm thiểu thương tích do TNGT trong những năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc chấp hành các quy định về đội MBH tại nhiều lúc, nhiều nơi vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc. "Khi hỗ trợ phụ nữ đồng bào dân tộc Thái, các MBH thông dụng không phát huy tác dụng do phong tục để búi tóc trên đầu sau khi kết hôn khiến việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy rất khó khăn và không có tác dụng bảo vệ" - ông Thái cho biết.

Để khắc phục tình trạng trên, sau một quá trình làm việc khẩn trương, với sự hợp tác có hiệu quả của các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ KH & CN, các cơ quan chức năng đã thành công trong nghiên cứu và thiết kế mẫu MBH dành riêng cho phụ nữ Thái. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nguồn ngân sách, điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn thì để quy định này đi vào thực tiễn là vấn đề không hề đơn giản.

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, trong hoàn cảnh như hiện nay thì rất cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. "Ủy ban ATGT Quốc gia kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đối với các hoạt động của chương trình, góp phần bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái. Chúng tôi hy vọng, với sự hưởng ứng của toàn cộng đồng, chương trình này sẽ góp phần nâng cao nhận thức xã hội, hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn trong việc thực thi quy định về đội mũ bảo hiểm, giúp giảm thiểu hậu quả do tai nạn giao thông, xây dựng môi trường giao thông tại Việt Nam văn minh, an toàn và thân thiện" - ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng tại buổi họp báo, Ủy ban ATGT Quốc gia đã biển tượng trưng 4.000 MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái do Quỹ ATGT Anh quốc (SRF) tài trợ cho đại diện Ban ATGT các tỉnh; Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An và Thanh Hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần