Khác biệt và bất ngờ tại Thượng đỉnh EU

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp Hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Brussels (Bỉ), trong hai ngày 24 - 25/5, tập trung thảo luận các vấn đề như đại dịch Covid-19, những diễn biến gần đây ở Trung Đông cũng như quan hệ với Nga. Tuy nhiên, phản ứng với Belarus trở thành một chủ đề “nóng” ngoài dự kiến của chương trình nghị sự.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Brussels, ngày 24/5. Ảnh: AFP
Đây là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên mà các nhà lãnh đạo EU tiến hành gặp mặt trực tiếp kể từ tháng 12 năm ngoái do đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ lạc quan về tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu cải thiện, với chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh được đẩy mạnh trên diện rộng ở các nước châu Âu. Tuy nhiên, giới chức EU cũng nhất trí cần tiếp tục các biện pháp hạn chế cho đến mùa du lịch Hè này. Về tình hình Trung Đông, EU khẳng định ủng hộ việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài dựa trên giải pháp hai nhà nước...
Mối quan hệ với Nga là một trong những chủ đề thảo luận chính trong ngày họp đầu tiên. Các nhà lãnh đạo EU muốn thống nhất quan điểm về những căng thẳng gần đây giữa Nga và Cộng hòa Séc, việc Nga triển khai quân đội gần biên giới Ukraine, cũng như vấn đề Nga giam giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny... Tuy nhiên thực tế cho thấy, quan điểm về Nga giữa các nước châu Âu vẫn còn nhiều khác biệt: Trong khi Ba Lan và các nước Baltic lo ngại và muốn leo thang, các nước Nam Âu như Hy Lạp và Cộng hòa Síp muốn giữ bình tĩnh, các cường quốc như Đức vẫn coi trọng quan hệ kinh tế với Nga. Như một lựa chọn “bỏ ngỏ”, Hội đồng châu Âu đã chỉ thị cho Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell chuẩn bị một báo cáo về quan hệ với Nga cho hội nghị diễn ra vào tháng 6.

Tiến triển bất ngờ hơn cả trong ngày họp đầu tiên là việc các nhà lãnh đạo EU đã nhanh chóng nhất trí áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt đối với Belarus, bao gồm cả lệnh phong tỏa gói đầu tư trị giá 3 tỷ Euro của EU dành cho nước này, liên quan đến việc Belarus đã đánh chặn và ép máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair (Ireland) phải hạ cánh xuống sân bay ở Minsk hôm 23/5. Một trong số các hành khách trên máy bay là nhà báo tự do Roman Protasevich - một nhân vật đối lập với Chính phủ Minsk - hiện đã bị bắt giữ. Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi Belarus thả ông Protasevich, đồng thời chỉ ra rằng tình huống “chưa từng có” này đe dọa an toàn của chuyến bay. Trong tuyên bố kết luận, EU kêu gọi các hãng hàng không của 27 quốc gia thành viên tránh không phận Belarus và cho phép thực hiện lệnh cấm các hãng hàng không của Belarus hoạt động trên không phận và ở các sân bay trong khối.

Những quyết định liên quan đến Belarus có thể được tiếp tục trong cuộc hội đàm thứ 2 giữa các nhà lãnh đạo, nhưng chủ đề chính trong chương trình nghị sự vẫn là phản ứng của EU đối với Covid-19. Các cuộc hội đàm sẽ không chỉ tập trung vào các biện pháp hiện tại để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, mà còn về cách chống lại suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những nỗ lực của EU trong việc chống lại biến đổi khí hậu, trong đó cố gắng đưa ra các hướng dẫn cụ thể để đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của khối - giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 1990.