Khác lạ đêm Giao thừa trên cả nước thời dịch Covid-19

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành hủy bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Tân Sửu. TP Hà Nội chỉ bắn pháo hoa 1 điểm duy nhất. Thời tiết cả nước thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời, song đường phố ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đêm cuối cùng năm Canh Tý vắng vẻ hơn nhiều so với mọi năm.

* Đúng 0 giờ ngày 12/2/2021 (Mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu), pháo hoa rực sáng trên bầu trời Hà Nội mừng đất nước sang 1 năm mới với ý chí và quyết tâm vươn lên phát triển ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

 Ảnh: Phạm Hùng
 Ảnh: Duy Khánh

Video: Duy Khánh

  Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ. Ảnh: Hải Thọ
TP Hà Nội chỉ bắn pháo hoa 1 điểm duy nhất

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP Hà Nội quyết định sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại một điểm, thay vì 30 điểm như dự kiến trước đó. Thời tiết đêm Giao thừa tại Thủ đô Hà Nội se lạnh, đường phố vắng vẻ hơn nhiều so với mọi năm. Người dân ra đường luôn đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người.
 
Tối 30 Tết (11/2), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Ảnh: Hải Thọ

Lúc 20 giờ 45, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại tượng đài vua Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi dâng hương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đi thăm hỏi, động viên người dân và công nhân lao động Thủ đô trong đêm Giao thừa.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm hỏi, động viên người dân và công nhân lao động Thủ đô. Ảnh: Hải Thọ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tặng Đảng Bộ, Chính quyền, Nhân dân Hà Nội 4 câu thơ chúc Tết:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay Hà Nội lại càng thắng to

Hào hoa thanh lịch, ấm no

Xứng danh Hà Nội Thủ đô anh hùng

Đêm 30 Tết, đón mừng năm mới Tân Sửu, thành phố Hà Nội đã lựa chọn bắn pháo hoa tại Đảo Dừa (công viên Thống Nhất) để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân Thủ đô. Địa điểm bắn pháo hoa đã được lựa chọn kỹ với 3 vòng bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối và phòng chống dịch bệnh Covid-19.

 Tháp Rùa lung linh trong giờ khắc chào đón Giao thừa. Ảnh: Duy Khánh
 Phố Tràng Tiền vắng vẻ hơn so với Giao thừa mọi năm. Ảnh: Duy Khánh
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng người dân Hà Nội đổ ra đường mừng năm mới Tân Sửu so với mọi năm là không nhiều. Số ít quán cà phê, nhà hàng mở cửa đón khách, đón năm mới... Xem thêm
 Càng gần về thời khắc Giao thừa, các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm trở nên tấp nập, đông đúc hơn. Ảnh: Duy Khánh
 Ảnh: Duy Khánh
 Ảnh: Duy Khánh
 Lực lượng cảnh sát trật tự phường Hàng Trống trực chốt tại phố Bảo Khánh đảm bảo giao thông được thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Trọng

* Nhiều gia đình chọn ở lại Hà Nội ăn Tết

TP Hà Nội không cấm, không hạn chế người dân trở về các địa phương khác đón Tết. Chỉ riêng những người đang ở trong các khu vực cách ly, phong tỏa thì không được về, bởi nguyên tắc khu vực cách ly là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tuy vậy, năm nay nhiều gia đình đã chọn ở lại Thủ đô đón Tết vì dịch Covid-19.

Gia đình anh Trần Văn Tú - Cư dân tòa CT2, chung cư Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm chọn ở lại Hà Nội đón Tết. Ảnh: Hồng Thái.

Tại chung cư Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) đêm 30 Tết, nhiều căn hộ vẫn sáng đèn. Vì e ngại dịch bệnh Covid-19, một số hộ dân quyết định không về quê mà ở lại chung cư. ''Gia đình tôi đã đặt vé về quê đón Tết nhưng cuối cùng đành hủy. Nếu về quê, chúng tôi được coi là người trở về từ vùng dịch, phải ở nhà theo dõi sức khỏe. Đón Tết tại Hà Nội cũng có thú vị riêng'' - anh Trần Văn Tú - Cư dân tòa CT2, chung cư Đại Mỗ chia sẻ. 

Cùng hoàn cảnh, gia đình chị Trần Thị Hạnh - Tòa TTTM, khu Xa La, quận Hà Đông cho biết, năm nay anh chị cũng quyết định đón Tết ở Hà Nội. "Tuy nơi tôi ở và quê nhà không phải là vùng dịch, nhưng vì an toàn, gia đình vẫn quyết định không về quê vào thời điểm này. Sau hơn 10 năm sống ở Hà Nội, năm nay gia đình chúng tôi mới đón 1 cái Tết ở Thủ đô đúng nghĩa", chị Hạnh tâm sự.

 Ga Hà Nội vắng vẻ trước thời khắc Giao thừa. Ảnh: Hồng Thái

Người dân TP Hồ Chí Minh đón Giao thừa trong không khí trầm lắng

Trái ngược với không khí nô nức các năm trước, người dân TP Hồ Chí Minh chào đón Giao thừa Xuân Tân Sửu tương đối trầm lắng vì lo ngại dịch bệnh Covid-19.

 Lượng người đổ về trung tâm TP đón giao thừa ít hơn hẳn so với các năm trước.

Theo ghi nhận, không khí đón giao thừa tại TP Hồ Chí Minh năm nay rất khác biệt, ít náo nhiệt, ít sôi động hơn. Từ chiều 30 Tết (11/2), nhiều con đường trung tâm TP Hồ Chí Minh như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Thị Minh Khai…vốn tấp nập các năm trước trở nên vắng vẻ, xe cộ thưa thớt.

Đến 21 giờ, các con đường đổ vào trung tâm TP bắt đầu đông người hơn, tuy nhiên, không xảy ra tình trạng ùn ứ. Nhiều người cho biết chỉ đi ra đường để cảm nhận không khí trước thời khắc giao thừa rồi trở về nhà làm lễ cúng lúc 12 giờ đêm.

 Đường hoa Nguyễn Huệ dừng nhận khách tham quan từ 17 giờ mỗi ngày để phòng Covid-19

Tại đường hoa Nguyễn Huệ, nơi vốn thu hút rất đông người dân TP đến thăm quan đón Giao thừa, thì năm nay đã không còn cảnh tượng đó. Theo quy định, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đường hoa Nguyễn Huệ chỉ đón khách từ 8 giờ - 17 giờ mỗi ngày. Nhiều người đến muộn không kịp tham quan chỉ có thể ngắm các tiểu cảnh của đường hoa từ xa.

Tương tự, khu vực ven sông Sài Gòn, cũng không nhiều người tập trung như giao thừa các năm. Chỉ có các nhóm nhỏ những cặp đôi vui chơi, chụp ảnh.

Hầu hết người dân TP tuân thủ việc đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Người dân TP tuân thủ việc đeo khẩu trang khi dạo phố chờ đón Giao thừa

Chị Bùi Thị Thu Thuỷ (590 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, dù năm nay TP không bắn pháo hoa nhưng chị vẫn cố gắng chở các con đi dạo một vòng quanh TP để có không khí ngày Tết.

Anh Đoàn Thoại Du (751/10 Hậu Giang, phường 12, quận 6) cũng cho biết, TP không bắn pháo hoa cũng không sao, chỉ mong năm mới sức khoẻ, bình an.

Đà Nẵng rộn ràng đêm Giao thừa

Tối 11/2, đông đảo người dân TP Đà Nẵng đã đổ ra đường dạo phố, để chào đón thời khắc Giao thừa thiêng liêng. Năm nay, Thành phố không tổ chức bắn pháo hoa mừng năm mới cũng như tạm gác nhiều sự kiện văn hóa - giải trí thường niên, thế nhưng không khí mừng năm mới không vì thế mà kém nô nức, rộn ràng.

 Ảnh: Báo Đà Nẵng

Năm nay người dân chủ yếu đổ về các điểm trang trí hoa, quán cà phê để sum vầy, vui chơi bên gia đình, bè bạn. Theo ghi nhận, hầu hết người dân đều đeo khẩu trang theo quy định, và chỉ tháo khẩu trang để chụp ảnh.

Hải Phòng: Người dân đổ ra đường đón năm mới

Để chào đón năm mới Tân Sửu 2021, nhiều người dân TP Hải Phòng đã đổ ra khắp các đường phố, đặc biệt là khu Nhà hát lớn TP, khu Đồi Rồng, Đồ Sơn để xem màn bắn pháo hoa và đón một năm mới với mong muốn nhiều điều tốt lành.

 Người dân TP Cảng đến thắp hương tại tượng đài nữ tướng Lê Chân. Ảnh: Vĩnh Quân

Theo ghi nhận của phóng viên tại khắp các con phố chính như Lạch Tray, Cầu Đất, Trần Hưng Đạo, khu Nhà hát lớn, tượng đài Nữ tướng Lê Chân... cho đến các quán cafe đều có đông người dân đi đón giao thừa. Dường như họ đang mong chờ một năm mới với nhiều điều tốt lành.

 Một quán Cafe tại phố Trần Hưng Đạo đông nghịt người. Ảnh: Vĩnh Quân

Đêm Giao thừa trong vùng tâm dịch

Tại tỉnh Hải Dương - vẫn đang là vùng tâm dịch của cả nước, người dân TP Hải Dương đón năm mới Tân Sửu trong hoàn cảnh thật đặc biệt. Trên khắp các con đường, tuyến phố, lượng người và phương tiện đi lại đêm giao thừa năm nay thưa thớt, khác hẳn không khí nhộn nhịp những năm trước. Tết ở nhà là biện pháp tốt nhất để phòng chống dịch.

Hiện còn nhiều nơi tại Hải Dương còn bị phong tỏa, người dân đón Tết trong khu cách ly. Chính quyền địa phương đã rất quan tâm, chuẩn bị tốt để người dân đón 1 cái Tết đầy đủ, chu đáo dù việc đi lại bị hạn chế.
Khu trung tâm TP Hải Dương thưa vắng hơn so với mọi năm. Ảnh: Báo Hải Dương
Tại TP Chí Linh, không tính các chốt phong tỏa của các xã, phường, hiện nay, Chí Linh có 13 chốt kiểm soát của Thành phố, 5 chốt cấp tỉnh và 33 điểm cách ly tập trung. Chỉ tính riêng khu vực cách ly tập trung đã có trên 400 cán bộ trực làm nhiệm vụ, phục vụ cách ly cho trên 6.000 người.

Tại Bệnh viện dã chiến số 1 đang điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Trung tâm Y tế TP Chí Linh, hàng chục bác sĩ đang ngày đêm không ngủ, nỗ lực cứu chữa gần 200 bệnh nhân đang điều trị tại đây.
 Một chốt kiểm dịch tại TP Chí Linh. Ảnh: TTXVN

Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng cho biết: Năm nay, Chí Linh đón một cái Tết đặc biệt: vừa đón Tết vừa chống dịch. Chúng tôi động viên toàn thể đảng viên, cán bộ, nhân dân vui đón Tết nhưng vẫn coi nhiệm vụ chống dịch hàng đầu. Mong toàn thể bà con vui xuân thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, đón Tết tại nhà và chúc Tết người thân bạn bè qua điện thoại, zalo, facebook”.

Cùng với Chí Linh, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh Hải Dương, công tác chia sẻ và động viên người dân cách ly và lực lượng tuyến đầu chống dịch đã được thực hiện kịp thời. Tỉnh Hải Dương đã chi gần 10 tỷ đồng để động viên người dân đang cách ly và các khu phong tỏa, những lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch để mọi người ấm áp hơn trong những ngày Tết.

Bí thư Quảng Ninh thăm hỏi thợ mỏ ở lại ăn Tết

Trong ngày 30 Tết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã đến Công ty Than Dương Huy (TP Cẩm Phả) thăm, chúc Tết, động viên công nhân, cán bộ ở lại ăn Tết.

 Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký thăm, chúc Tết, động viên công nhân, cán bộ ở lại ăn Tết.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty đã vận động người lao động ở lại ăn Tết và tổ chức đón Tết vui tươi, đầm ấm và an toàn. Tết Tân Sửu này, Công ty Than Dương Huy có gần 2.000 người do ảnh hưởng của dịch nên không thể về quê đón Tết. Trong đó, tại Khu chung cư công nhân Km8 có hơn 400 người, gồm cả công nhân là người dân tộc thiểu số.

Công ty đã tổ chức cấp phát thực phẩm cho công nhân ở tại Khu chung cư và công nhân thuê trọ ở bên ngoài đầy đủ hương vị ngày Tết như: Bánh chưng, giò, gà, bia… cùng với đó, công nhân lao động ở khu chung cư hằng ngày được tham gia các hoạt động thể thao, trò chơi, đồng thời cũng được bảo đảm công tác chống dịch Covid-19.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký đã chúc Tết cán bộ, công nhân, người lao động toàn ngành than nói chung và Công ty Than Dương Huy nói riêng đón năm mới nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc và hoàn thành tốt nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa ổn định sản xuất kinh doanh năm 2021. Đồng thời, gửi lời cảm ơn trân trọng tới Tập đoàn TKV và những người thợ mỏ, trong năm 2020 đã đồng hành cùng với tỉnh thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Giao thừa ''đặc biệt'' trên thành phố cực Nam Tổ quốc

Do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Cà Mau đã có chủ trương không tổ chức bắn pháo hoa và các chương trình nghệ thuật chào đón năm mới, nên nhìn chung lượng người du Xuân về các điểm vui chơi, giải trí tại TP Cà Mau có phần hạn chế hơn so với mọi năm...
 TP Cà Mau rực rỡ cờ hoa chào mừng năm mới Tân Sửu. Ảnh: TTXVN

Nhằm động viên lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân đã trao tặng quà và động viên lực lượng ứng trực tại chốt làm tốt vai trò, nhiệm vụ, chức trách được giao; kiểm soát chặt chẽ những người đến và về địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khai báo y tế dễ dàng; đồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, trang bị các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tập trung nơi đông người, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh ra khỏi cộng đồng.

Hiện tại, TP Cà Mau - thành phố cực Nam Tổ quốc đã sáng rực đèn hoa. Các tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phan Ngọc Hiển... nhiều dòng người xe đổ về các điểm du Xuân trong nội ô thành phố khá đông đúc.

Tuy nhiên, do các hoạt động bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật chào đón năm mới đều được hủy bỏ, nên lượng người từ các huyện lân cận ít đổ về trung tâm thành phố hơn so với mọi năm. Tuy vậy, không khí vui tươi, lạc quan về một năm mới vẫn tràn ngập nơi đây.

Dỡ bỏ cách ly ngay trước thời khắc Giao thừa

Người dân phường Vĩnh Phú vui mừng khi khu vực được dỡ phong toả trong đêm giao thừa. Ảnh: Hương Chi

Vào lúc 22 giờ ngày 11/2, cơ quan chức năng TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã thực hiện việc dỡ bỏ phong tỏa một phần khu vực thuộc chung cư Ehome 3, phường Vĩnh Phú. Đây là nơi ở của bệnh nhân 1979 (nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất) và bệnh nhân 1980 (em trai bệnh nhân 1979).

Dù dỡ bỏ phong tỏa nhưng người dân trong các khu vực trên phải cam kết thực hiện: theo dõi sức khỏe hàng ngày, khai báo y tế gần nhất nếu có dấu hiệu bất thường; Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch; Cài đặt Bluezone trên điện thoại để phát hiện kịp thời nguy cơ tiếp xúc với người mắc Covid-19 và khai báo y tế.

* Cùng thời điểm, khu nhà số 58, ngõ 92 Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cũng hết thời gian cách ly y tế theo quy định.

Toàn bộ khuôn viên và toàn bộ dân hiện đang cư trú tại nhà số 58, ngõ 92 Nguyễn Khánh Toàn cách ly 14 ngày, từ 22 giờ ngày 28/1/2021 đến hết 22 giờ ngày 11/2/2021.

“Hàng ngày, lực lượng công an, dân phòng, y tế... vẫn túc trực đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm. Cán bộ y tế theo dõi sức khỏe và đo nhiệt độ hàng ngày. Lãnh đạo UBND phường thường xuyên hỏi thăm, động viên, thành lập các nhóm zalo thông tin chia sẻ và động viên” - lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết.

Phát lệnh lô hàng đầu Xuân, mong năm mới hanh thông

Lô hàng xuất khẩu đầu Xuân tại Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: Quang Quý

Tối 11/2, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thực hiện nghi thức phát lệnh làm hàng đầu Xuân năm Tân Sửu năm 2021. Năm nay Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn không tổ chức lễ như mọi năm nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để thông quan lô hàng đầu năm mới, trước đó cán bộ, công nhân viên, người lao động đơn vị đã nỗ lực không ngừng trong công tác quản lý, điều hành sản xuất, giải phóng tàu để các tàu rời và cập cầu đúng thời gian; công tác điều tiết giao thông trong và ngoài cảng được tăng cường trong dịp cao điểm Tết để hàng hóa được lưu thông nhanh chóng.

Theo lãnh đạo Công ty, lô hàng đầu tiên của năm mới đã ra khơi, thuận buồm xuôi gió, khởi đầu cho một năm hoạt động kinh doanh sôi động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cũng báo hiệu một năm phát triển của các hãng tàu và cảng biển TP Hồ Chí Minh.
* Tiếp tục cập nhật

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần