Khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19: Cần sớm triển khai gói hỗ trợ lần hai

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, khiến nhiều người lao động (NLĐ) bị mất, giãn hoặc ngừng việc.

Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Bộ LĐTB&XH đang xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ dự thảo đề xuất hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm và các DN bị ảnh hưởng.

Hỗ trợ kịp thời cho người lao động và doanh nghiệp

Chỉ tính trong quý I/2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 540.000 người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải giãn việc, nghỉ việc luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. Nguy hiểm hơn, đợt dịch vào cuối tháng 4/2021 đã tấn công vào các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, nơi tập trung lượng lớn lao động, DN lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách.
 Trao tiền hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Tỉnh Bắc Giang buộc phải tạm đóng cửa 4 KCN với 322 DN với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc; Bắc Ninh có 42.000 lao động phải ngừng việc. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... một số khu vực bị phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.

Xuất phát từ tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép, Bộ LĐTB&XH đề xuất một số chính sách hỗ trợ DN, NLĐ bị ảnh hưởng. Cụ thể, hỗ trợ trả lương ngừng việc, đóng BHXH cho NLĐ trong DN bị tạm dừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó là chính sách tín dụng khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho NLĐ bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn gồm NLĐ đang thuê nhà, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không lương tại các DN, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự chủ đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT bị tạm ngừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng dịch Covid-19.
Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất chính sách cho vay ưu đãi để trả lương cho NLĐ làm việc tại các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn do dịch bệnh; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất hỗ trợ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho NLĐ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN...

Ưu tiên hỗ trợ bằng tiền và tiêm vaccine cho người lao động

Trao đổi về đề xuất của triển khai gói hỗ trợ lần thứ 2 của Bộ LĐTB&XH, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, vấn đề là nguồn lực có bao nhiêu để đưa ra mức hỗ trợ phù hợp. Tiếp đến là sự công bằng giữa các đối tượng bị ảnh hưởng, vì thế cần có mức hỗ trợ cho phù hợp. Về chủ trương của Chính phủ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, theo ông Phạm Minh Huân là có nguồn vaccine để tiêm cho dân cộng với thực hiện thông điệp 5K khi đó hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt mới trở lại bình thường. Điều quan trọng nhất là sớm có vaccine tiêm cho những NLĐ ở các KCN, để họ yên tâm sản xuất kinh doanh.

Theo PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất của Bộ LĐTB&XH về việc hỗ trợ NLĐ, DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là cần thiết. Nhưng thời điểm này, việc ưu tiên và cấp bách hàng đầu là có nguồn lực để tiêm vaccine phòng chống dịch Covid-19 cho NLĐ. Thứ hai là quan tâm đến phát triển sản xuất. Trong đó, ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện cho các DN ổn định sản xuất mới giải quyết được việc làm cho NLĐ và phát triển kinh tế. Về phía DN rất mong được chậm trích, nộp các khoản tiền thuế, phí Công đoàn để giúp vượt qua thời kỳ khó khăn. Đối với NLĐ phải dừng việc, ở trong khu vực cách ly, họ mong được hỗ trợ về tài chính, tiếp cận siêu thị 0 đồng, giảm chi phí điện nước để ổn định và vượt qua khó khăn này.

Một số chuyên gia lao động đề xuất, Chính phủ không chỉ giúp NLĐ có lương thực, thực phẩm để vượt qua khó khăn mà điều quan trọng hơn là mở ra cho họ cơ hội tìm việc làm sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Vì thế, trong thời gian ngừng làm việc để thực hiện giãn cách xã hội, NLĐ cần được tuyên truyền bồi dưỡng tay nghề để nâng cao kỹ năng thích ứng với công việc, để có việc làm tốt hơn.
Trong thời gian chờ đợi quay trở lại với công việc, các cơ quan, tổ chức có thể giúp NLĐ tìm được công việc tạm thời phù hợp. Cùng với đó, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa có nguồn vốn để tiếp tục sản xuất, cũng là giúp NLĐ có việc làm và ổn định cuộc sống.

Bổ sung đối tượng hỗ trợ là lao động tự do

"Theo đề xuất, Bộ LĐTB&XH chưa tính đến NLĐ, hộ nông thôn làm nghề buôn bán nhỏ tự do theo phương thức mua và vận chuyển hàng nông sản vào các chợ ở đô thị để bán, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…; lao động tự do ở thành thị (buôn bán hàng rong, online, lái xe công nghệ, shipper…) cũng bị ảnh hưởng nặng. Về chính sách, Bộ LĐTB&XH có thể hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho NLĐ bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn cũng cần quy định rõ mức hỗ trợ theo mức độ khó khăn, có thể bằng mức lương tối thiểu theo vùng hiện hành." - TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH