Khắc sâu nghĩa tình với nước Nga xô viết

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (5/11), tại lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2017), đại diện những người Việt Nam đã từng học tập, nghiên cứu, làm việc, công tác tại Liên Xô trước đây không khỏi bồi hồi nhớ về quãng thời gian đó và những tình cảm sâu sắc với đất nước có diện tích 1/6 địa cầu.

 Đại tá Thân Như Ngôn.
Vinh dự vì là thế hệ được cử sang Liên bang Xô Viết học tập và nghiên cứu
Vinh dự được Quân đội cử sang học ở Liên bang Xô Viết trong 4 năm, Đại tá Thân Như Ngôn, từng công tác tại Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam chia sẻ: Những năm tháng đó tôi đã được Nhân dân Nga, quân đội Nga giúp đỡ rất nhiều. Những người bạn Nga đã luôn sát cánh, giúp đỡ chí tình trong việc học tập và nghiên cứu, tiếp nhận những tri thức và những kỹ thuật tiên tiến, giúp thế hệ chúng tôi về thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ cách mạng của Nhân dân Việt Nam. Từ đó, đóng góp tích cực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế hôm nay. Tôi cho rằng, mối quan hệ hữu nghị Việt - Nga là một mối tình sâu sắc, chỉ có Nga với Việt Nam mới có tình cảm đặc biệt thế này.

Những ngày kỷ niệm sự kiện 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chúng tôi cảm thấy bồi hồi khó tả. Chúng tôi biết ơn Đảng và Nhà nước đã cử hàng vạn người sang học ở Liên Xô. Và rất nhiều người trong số đó trở thành công dân có ích cho Tổ quốc, trở thành cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của đất nước, trở thành những giáo sư, tiến sĩ trong các ngành khoa học mũi nhọn của quốc gia…

Tin cậy lẫn nhau là nền tảng của quan hệ hữu nghị Nga - Việt
Khẳng định sự tin cậy lẫn nhau là nền tảng của quan hệ hữu nghị Việt- Nga, nguyên Tham tán Đại sứ quán nước Việt Nam tại Liên bang Nga Lê Thanh Vạn cho rằng, đó là một trong những đặc điểm nổi bật trong mối quan hệ hữu nghị này và không phải mối quan hệ hữu nghị quốc tế nào cũng có được điều đó. Trên cơ sở đó, mối quan hệ hữu nghị Nga - Việt sẽ tiếp tục được phát triển trong tương lai.

Chia sẻ về những kỷ niệm đối với Liên Xô, ông Lê Thanh Vạn cho biết: Tôi sang Liên Xô từ năm 1967, học khoa Ngữ Văn, trường ĐH Tổng hợp Lômônôxốp, tốt nghiệp năm 1973. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến những tình cảm rất sâu đậm và sự ủng hộ nhiệt tình của Nhân dân Liên Xô đối với Nhân dân Việt Nam trong việc nhường cơm sẻ áo, cung cấp vũ khí đạn dược,... Điều đó còn được thể hiện ở việc các thầy cô giáo rất chăm sóc sinh viên Việt Nam như con em của mình. Những tình cảm đó đã gây ấn tượng mạnh mẽ và tôi mang theo suốt đời, không bao giờ quên.
Bà Bạch Thị Thủy.
Khắc sâu sự giúp đỡ chí tình của người Nga

Ấn tượng sâu sắc với tình cảm chân thành của người Nga dành cho mình, bà Bạch Thị Thủy, cán bộ Dân số và Gia đình phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy chia sẻ: Tôi công tác tại Nga vào năm 1988. Ngày ấy, đi đến đâu cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người Nga. Tôi cảm nhận được tình cảm chân thành, sự quý mến, gần gũi của người Nga dành cho người Việt Nam.

Còn đối với ông Lê Quang Ngọc có 10 năm sinh sống và công tác tại Ukraine, cho biết: Thời gian tôi sống ở đó đủ để tôi coi đó là quê hương thứ hai của mình. Hiện nay, những người Việt Nam đã sinh sống và làm việc tại Liên Xô và Nga vẫn thường xuyên giao lưu với nhau và có sự tham gia rất hào hứng, nhiệt tình của những người bạn Nga… Tôi nghĩ rằng dù trong quá khứ hay hiện tại tình tình cảm đó vẫn luôn bền vững và hy vọng rằng mối quan hệ Nga - Việt sẽ tiếp tục gắn kết bền chặt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần