Khác thời điểm, khác đối tượng

Đại sứ Trần Đức Mậu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tại, đụng độ quân sự chưa xảy ra giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh nhưng giữa hai đối tác này căng thẳng và thù địch đã leo thang đến mức chuyện đụng độ quân sự và thậm chí cả chiến tranh với nhau có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Thực trạng ấy khiến thế giới liên tưởng ngay đến 2 chuyện đã xảy ra là cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq năm 2003 và lần Mỹ cũng đã bài binh bố trận chuẩn bị sẵn sàng tấn công quân sự vào Triều Tiên năm 2017. Cùng chuyện đối địch như giữa Mỹ và Iran hiện tại, nhưng khác thời điểm và khác đối tượng. Nhưng qua đó lại có thể nhận diện ra được cách tiếp cận chiến lược và mô thức hành xử của Mỹ.

 

 Ảnh minh họa.

Năm 2003, Mỹ nguỵ tạo lý do là Iraq sở hữu vũ khí hoá học - bị liệt vào diện vũ khí huỷ diệt - và phát động chiến tranh xâm lược Iraq, tức là đổ quân vào Iraq. Mỹ thành lập hẳn một liên quân để cùng Mỹ tiến hành chiến tranh ở Iraq với sự tham gia của nhiều đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ ở trong cũng như ngoài khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, có cả một số thành viên Nato tham gia. Hiện tại, Mỹ cũng tìm cách thành lập liên quân như vậy để tiến hành chiến tranh với Iran bên cạnh một liên quân khác với tên gọi là "Nato Ả rập" để chống Iran nói chung. Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đang công du vùng Vịnh và cả cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng tụ họp với đồng nghiệp ở Trung Đông để cùng bàn về việc này. Mỹ tăng thêm quân đội và vũ khí đến dàn trận trước cửa ngõ của Iran ở vùng Vịnh để sẵn sàng chiến tranh với Iran và biện luận việc này bằng những thông tin về Iran và đồng minh có kế hoạch tấn công vào quân đội Mỹ và các lợi ích của Mỹ ở khu vực này - nói vậy thôi chứ không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Khác với năm 2003, phía Mỹ hiện tại luôn quả quyết là không muốn gáy chiến với Iran. Thậm chí sau khi Iran bắn rơi máy bay trinh sát không người lái của Mỹ, phía Mỹ cho biết đã quyết định tấn công 3 mục tiêu ở Iran để trả đũa nhưng rồi đích thân tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lại lệnh tấn công chỉ có 10 phút trước khi bom rơi, đạn nổ và tên lửa của Mỹ rời bệ phóng. Ông Trump lại còn vài lần quả quyết là luôn sẵn sàng đàm phán với lãnh đạo Iran.

Điều có thể chắc chắn được là Mỹ sẽ không vì không dám đổ bộ và tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ Iran như đã làm ở Iraq năm 2003, Mỹ phải phòng ngừa khả năng và tiềm lực  của Iran hơn nhiều so với Iraq năm 2003 và phải thấy là Iraq sẽ không dễ chiến tranh như Iraq năm 2003 và chắc chắn không thể chiến thắng Iran nếu gây chiến với Iran, là lần này sẽ chỉ có rất ít đồng minh theo Mỹ một cách mù quáng và tuyệt đối tiến hành chiến tranh với Iran và thiệt hại đối với Mỹ sẽ lớn hơn rất nhiều so với thiệt hại đối với Mỹ trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq năm 2003. Có thể thấy là năm 2003, Mỹ tìm mọi cách và chấp nhận trả mọi giá để tiến hành chiến tranh chống Iraq. Nhưng bây giờ thì Mỹ lại dùng việc thể hiện sẵn sàng và thậm chí cả quyết tâm chiến tranh với Iran, tập hợp lực lượng trên thế giới vào liên quân chiến tranh với Iran để Iran không đẩy Mỹ vào tình thế buộc phải gây chiến tranh với Iran. Nghe thì thật nghịch lý, nhưng chính Mỹ đã đẩy Mỹ vào tình thế như vậy. Mỹ hiện tại không phải tìm mọi cách và sẵn sàng trả mọi giá để chiến tranh với Iran, nhưng ở trong tình thế luôn sẵn sàng chiến tranh với Iran. Bởi thế, cho dù cả Mỹ và Iran đều tuyên bố không muốn chiến tranh với nhau, nguy cơ bùng phát chiến tranh giữa hai bên hiện vẫn rất lớn, rất tiềm tàng và rất thực tế.

Năm 2017, Mỹ đã điều binh khiển tướng đến khu vực Đông Bắc Á để sẵn sàng tấn công Triều Tiên. Mỹ khúc mắc với Triều Tiên tương tự như với Iran về vấn đề hạt nhân và tên lửa. Người ta thường cho rằng Mỹ vượt trội hơn hẳn Triều Tiên và Iran về quân sự, từ đó suy diễn rằng Triều Tiên và Iran không phải là đối thủ quân sự của Mỹ. So sánh số lượng tuyệt đối về binh lính, vũ khí và thiết bị chiến tranh giữa Mỹ với Triều Tiên và Iran thì có thể như thế thật. Nhưng điều có thể chắc chắn được là một khi bị Mỹ tấn công thì cả Triều Tiên lẫn Iran đều sẽ đáp trả Mỹ bằng mọi cách và với tiềm lực hiện có nên sẽ gây thiệt hại không hề nhỏ cho Mỹ, nói theo cách khác là sẽ buộc Mỹ phải trả giá rất đắt. Triều Tiên được cho là có vũ khí hạt nhân. Cả Triều Tiên và Iran đều có tên lửa hiện đại đủ các diện tầm bắn nhằm vào tầu chiến của Mỹ trong khu vực, nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc với 28500 binh lính và ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh với hơn 54000 binh lính. Cả Iran hiện tại và Triều Tiên năm 2017 đều không như Iraq đối với Mỹ năm 2003 trên phương diện có thể gây tổn hại lớn cho Mỹ. Chiến tranh với Iran sẽ hây ra cho Mỹ thiệt hại còn hơn nhiều so với chiến tranh với Triều Tiên có thể gây ra cho Mỹ. Và các đồng minh của Mỹ không thể tránh khỏi bị vạ lây hay tổn hại trực tiếp.

Vì thế, cả Mỹ lẫn Iran đều tránh để chiến tranh xảy ra chứ không khiêu khích lẫn nhau để xô đẩy nhau vào chiến tranh. Trừ khi cả hai bên đều không còn kiểm soát được chính nội bộ của họ và bên này hay bên kia sa vào bẫy khích chiến của bên thứ ba nào đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần