Khách quan với lễ hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các lễ hội Xuân Ất Mùi đã trải qua gần 2 tuần, nhưng trên nhiều phương tiện thông tin...

Kinhtedothi - Các lễ hội Xuân Ất Mùi đã trải qua gần 2 tuần, nhưng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng tràn lan những cảnh chém giết động vật để tế lễ, đánh lộn cướp lộc… Tính chất bạo lực diễn ra nơi lễ hội khiến người xem phải “rùng mình”, Thủ tướng Chính phủ lên tiếng yêu cầu Bộ VHTT&DL nghiên cứu loại bỏ. Thế nhưng, sự thật đằng sau lễ hội có giống những bức hình truyền thông phản ánh hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Đánh lộn là vấn đề nhỏ của lễ hội?

Nối tiếp truyền thống của người cha - GS.TS Nguyễn Văn Huyên, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã nhiều năm bỏ công nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, trải nghiệm và tìm hiểu nhiều lễ hội truyền thống. Ông Huy cho rằng, vấn đề đâm chém, đánh lộn như báo chí phản ánh trong mùa lễ hội Xuân Ất Mùi chỉ là vấn đề nhỏ của lễ hội. Còn PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) coi sự phản ánh bạo lực lễ hội là cách làm giật gân câu khách của truyền thông.
 
Một đoàn rước tại lễ hội Gióng 2015 của huyện Sóc Sơn. 	Ảnh: Trọng Tùng
Một đoàn rước tại lễ hội Gióng 2015 của huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng
“Tôi vừa có 3 ngày trải nghiệm lễ hội đền Và (Sơn Tây, Hà Nội). Chứng kiến cảnh người dân của 8 làng tham gia: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc phường Trung Hưng, làng Phù Sa, Phú Nhi (Bần Nhi) thuộc phường Viên Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) và làng Di Bình (tỉnh Vĩnh Phúc) thức dậy từ nửa đêm, vượt đò rước nước qua sông Hồng mới thấy giá trị của nghi thức truyền thống rất hay. Hay đến hội hát Xoan (Lâm Thao, Phú Thọ), cảm nhận nhu cầu văn hóa, lễ hội, tâm linh của người dân vô cùng tuyệt vời. Họ là những cư dân không sống ở TP, điều kiện văn hóa rất đơn giản và ít ỏi. Họ thật sự là những người đi hội” - ông Huy chia sẻ. Chính vì những trải nghiệm nhiều năm với lễ hội, ông Huy cho rằng, câu chuyện đâm chém, đánh lộn mà báo chí phản ánh gần đây về lễ hội đền Trần, hội Gióng, hội chém lợn chỉ là vấn đề nhỏ của lễ hội. Rất nhiều người không đi lễ hội, không chứng kiến các sự việc, đứng ở bên ngoài để phán xét nên không đúng với tinh thần tập thể.

Nhìn nhận nguyên nhân của hành động bạo lực trong lễ hội Gióng của một vài năm vừa qua, ông Huy chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe khi trải qua cảm giác trong lòng của cuộc hỗn chiến: “Tôi cùng tham gia vào hội Gióng, cũng từng suýt bị đánh đến chảy máu đầu mới thấy bạo lực không phải là câu chuyện của hội, của truyền thống mà là câu chuyện của nhà tổ chức. Mầm mống đánh nhau, xung đột trước hết do đội bảo vệ kiệu, chứ không phải do người đi hội. Những người đó đánh nhau để bảo vệ lộc cho họ, lý do nữa là ra oai khi được giao quyền lực, được tay dao, tay thước, thanh tre”. Với những công trình dày công nghiên cứu về hội Gióng có thể khẳng định cướp lộc là nghi thức truyền thống của hội Gióng. Điều đó được khẳng định rõ. Và lộc ngày xưa là dải băng cờ hội, là manh chiếu, là hoa giấy được bọc trong cờ lệnh. Chính vì vậy, không thể lên án câu chuyện cướp lộc mà nên tổ chức tốt lễ hội sẽ mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Nguyên tắc của chính sách văn hóa hiện đại là phải tôn trọng sự lựa chọn của cộng đồng. Ngày xưa, lễ hội là của cộng đồng. Thánh làng nào làng ấy thờ, trống làng nào làng đấy đánh. Hiện nay, địa phương nào cũng muốn đưa du lịch, phát triển lễ hội để có tiền bảo vệ di sản, mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh. Tại sao chúng ta từ chối chuyện đó? Nhà nước hãy để cho hội làng tồn tại, không cần quy hoạch, chỉ cần giúp cho khâu tổ chức tốt hơn. Bởi vì đó mới chính là đời sống văn hóa cơ sở.

PGS.TS Bùi Quang Thắng - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam

 

Đã là hội không nên cấm

Trước những phản ánh bạo lực của báo chí về lễ hội, người phát ngôn Bộ VHTT&DL - ông Phan Đình Tân bày tỏ: “Hiện nay, Bộ VHTT&DL đang giao cho các cục, vụ chuyên ngành nghiên cứu, rà soát truyền thống lễ hội, rồi tổ chức hội thảo, đánh giá cái gì cần giữ, cái gì cần bỏ”. Theo ông Tân, tiêu chí của lễ hội phải mang giá trị văn hóa, những lễ hội mang tính man rợ như chém lợn, đâm trâu… cần phải xem xét lại.

Ông Huy cho rằng: “Không thể nói văn hóa là một đằng, văn minh là tiêu chuẩn. Nói như vậy là cách nói của những người đứng từ xa, từ rất cao nhìn về lễ hội”. Không ủng hộ tinh thần cấm, loại bỏ những lễ hội không phù hợp, theo ông Thắng: “Ở Việt Nam cứ có thói quen không làm được thì cấm. Tại sao ta không đặt câu hỏi khi nhìn các nước văn minh, càng phát triển càng mong muốn phục hồi vốn cổ. Họ có nguyên tắc ứng xử với văn hóa để cả nhà quản lý và mong muốn của cộng đồng cùng có lợi”. 

Bộ VHTT&DL cũng đang ủng hộ tinh thần hạn chế người tham gia ở các lễ hội có nghi thức chém, cướp. Tuy nhiên, muốn giữ hay bỏ một lễ hội, Bộ không nên vội vàng đưa ra quyết định, mà cần nghiên cứu, hội thảo để đưa ra giải pháp hài hòa. Đối với hội Gióng, ông Huy ủng hộ quan điểm đơn vị tổ chức cần tập huấn cho đội ngũ bảo vệ kiệu, để họ có nhận thức, thái độ đúng. Và để giữ yên lễ hội cần huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia trong đội ngũ này. Đặc biệt đề ra quy tắc người bảo vệ kiệu không được tham gia vào cuộc đua tranh lộc. Bằng chứng của sự thay đổi thành công đã diễn ra ở hội Gióng (Phù Đổng, Đông Anh), những người tham gia bảo vệ kiệu không còn mang gậy gộc, vũ khí mà dùng kiếm nhựa tránh thương tích.

Tại lễ hội chém lợn, ông Thắng đề xuất, người thôn làng Ném Thượng (Bắc Ninh) nên tổ chức theo kiểu mật lễ. Khi tiến hành nghi thức chém lợn có thể làm những màn múa cờ xung quanh để người ngoài không thể chứng kiến. Cộng đồng dân cư nơi tổ chức lễ hội có quyền từ chối truyền thông để tránh những hiện tượng phán xét nghi thức truyền thống không thông qua trải nghiệm văn hóa. “Bởi vì có những tục lệ thì người trong làng chịu được, người ngoài lại đánh giá tiêu cực. Bằng chứng của việc từ chối truyền thông để giữ được nghi thức truyền thống đã thành công trong nghi thức làm đám ma của người Chăm” - ông Thắng chia sẻ.

Có lẽ bản thân lễ hội chưa bao giờ cần đến quy hoạch. Bởi vì hội là đời sống văn hóa cơ sở, là nhu cầu tâm linh của người dân. Cái sự gọi là quy hoạch lễ hội cấp vùng hay cấp quốc gia sẽ càng là cách “nhúng tay” của Nhà nước làm thay đổi không gian diễn ra vốn có của lễ hội. Như vậy, thời gian qua đi, bản sắc tốt đẹp của lễ hội sẽ càng phai màu.

 
 Tôi cũng đồng ý nhận thức của mọi người ở cộng đồng rất khác nhau. Người muốn giữ, người đòi bỏ. Các nhà khoa học cũng có quan điểm trái chiều trước vấn đề này. Cho nên cách làm của Bộ là chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu đưa ra tiêu chí cụ thể cho lễ hội. Trước mắt, Bộ có công văn tham mưu cho các tỉnh, thành có lễ hội có tính chất bạo lực như báo chí phản ánh cần cân nhắc tổ chức. Bộ cũng đề nghị cơ quan truyền thông không tuyên truyền quảng bá những lễ hội phản cảm như thế. Căn cứ bộ tiêu chí chấm điểm được Bộ VHTT&DL ban hành đầu năm 2015, những tỉnh có lễ hội xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng xấu sẽ bị trừ điểm trong xét thi đua khen thưởng. Bộ VHTT&DL quan điểm, những lễ hội có sự thô bạo, phi văn hóa là phải bỏ, nếu giữ phải điều chỉnh cho phù hợp với đất nước Việt Nam thanh bình, mến khách.

Ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng  Bộ VHTT&DL.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần